Hàng loạt đề xuất mới quan trọng về xếp lương, tuổi nghỉ hưu của giáo viên

Ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất, nhà giáo sẽ được kéo dài thời gian làm việc thêm 10 năm, nhiều trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề... là những đề xuất mới tại Dự thảo Luật Nhà giáo.

Theo Điều 40 dự thảo Luật Nhà giáo, chính sách tiền lương của nhà giáo bao gồm tiền lương và phụ cấp và các chế độ khác (nếu có).Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục và các cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.

Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù đó nếu đáp ứng được các quy định của chính sách. Nhà giáo công tác ở ngành lĩnh vực mà ngành, lĩnh vực đó có chính sách trùng với chính sách dành cho nhà giáo nhưng ở mức cao hơn thì được hưởng 1 chính sách có mức cao nhất.

Về phụ cấp, phụ cấp đặc thù được áp dụng với nhà giáo làm việc trong ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù nếu đáp ứng quy định của chính sách. Chính sách hỗ trợ nhà giáo áp dụng với nhà giáo trẻ, nhà giáo công tác ở vùng khó khăn, nhà giáo dạy trường chuyên biệt, trẻ khuyết tật, dạy tiếng dân tộc thiểu số, dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy năng khiếu, nghệ thuật.

Chính sách hỗ trợ gồm: Nhà công vụ, trợ cấp, phụ cấp, đào tạo, bồi dưỡng, khám chữa bệnh định kỳ; con nhà giáo được hỗ trợ học phí… và các chính sách đặc thù theo từng địa phương (nếu có).

Ngoài nội dung trên, dự thảo Luật Nhà giáo còn quy định các trường hợp được cấp chứng chỉ hành nghề. Đây là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo cấp cho người đạt chuẩn nhà giáo.

Theo khoản 3 Điều 15 dự thảo, có 4 trường hợp được cấp chứng chỉ nhà giáo gồm các đối tượng là nhà giáo và những người đang giảng dạy, giáo dục trong các trường dù là công lập, dân lập hay tư thục đạt chuẩn nhà giáo;

Người được tuyển dụng vào các trường học đạt chuẩn nhà giáo sau khi đạt yêu cầu của kỳ sát hạch chứng chỉ hành nghề với nhà giáo; Nhà giáo đã nghỉ hưu mà chưa được cấp chứng chỉ hành nghề và nay có nhu cầu cấp; Nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn và có nhu cầu.

Đặc biệt, dự thảo Luật đã đề xuất nhà giáo sẽ được kéo dài thời gian làm việc thêm 10 năm. Theo đó, đối tượng được kéo dài thời gian sau khi đủ tuổi nghỉ hưu là nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang công tác tại các cơ sở giáo dục.

Thời hạn kéo dài thời gian làm việc: Tiến sĩ không quá 5 năm, Phó giáo sư không quá 7 năm, Giáo sư không quá 10 năm. Công việc trong thời gian kéo dài thời gian làm việc là giảng dạy, nghiên cứu khoa học (làm công tác chuyên môn), không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, không bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hang-loat-de-xuat-moi-quan-trong-ve-xep-luong-tuoi-nghi-huu-cua-giao-vien-post577117.antd