Hàng chục máy bay chiến đấu Israel mô phỏng tấn công các cơ sở hạt nhân Iran

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran bị đình trệ, giới chức quân sự Israel đã tiến hành một cuộc mô phỏng tấn công quân sự lớn vào các cơ sở hạt nhân của Tehran, gây nhiều chú ý của dư luận.

Israel mô phỏng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran

Một số phương tiện truyền thông Israel tiết lộ, vào giữa tháng 1 vừa qua, Không quân Israel (IAF) đã tiến hành một cuộc mô phỏng tấn công quân sự Iran. Theo đó, vài chục máy bay đã tham gia thực hành một cuộc tấn công lớn vào các cơ sở hạt nhân của Tehran. Các cuộc diễn tập thực hiện việc tiếp nhiên liệu trên không, các hoạt động không chiến và ngăn chặn các nỗ lực phòng không của đối phương.

Không quân Israel vừa diễn tập mô phỏng tấn công ồ ạt các cơ sở hạt nhân của Tehran. Nguồn: militarywatchmagazine.com

Không quân Israel vừa diễn tập mô phỏng tấn công ồ ạt các cơ sở hạt nhân của Tehran. Nguồn: militarywatchmagazine.com

Thông tin về các cuộc diễn tập này được tiết lộ trong bối cảnh các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran bị đình trệ, sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân trong Kế hoạch Hành động Toàn diện (Joint Comprehensive Plan of Action - JCPOA) vào năm 2018, đồng thời áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế khiến Iran đẩy mạnh các hoạt động làm giàu urani. Israel đã phản đối mạnh mẽ các thỏa thuận trước đây giữa Washington và Tehran, trong khi Mỹ bắn tin rằng họ có thể xem xét hành động quân sự bao gồm một cuộc tấn công vào Iran nếu không đạt được kết quả thông qua các cuộc đàm phán.

Đáng chú ý, việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận JCPOA trước đó đã làm suy yếu sự ủng hộ của quốc tế đối với lập trường của Washington. Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc hành động quân sự đều rất khó được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua do quyền phủ quyết của hai thành viên chống phương Tây là Trung Quốc và Nga. Nếu không có sự chấp thuận, bất kỳ cuộc tấn công nào vào Iran sẽ là bất hợp pháp và là hành động xâm lược, vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Điểm yếu của các chiến đấu cơ Israel

Khả năng của Israel trong việc vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân của Iran mà không sử dụng đến vũ khí hạt nhân từ lâu đã bị đặt một dấu hỏi lớn.

Phần lớn đội máy bay của Israel là các biến thể của F-15 Eagle thời Chiến tranh Lạnh. Israel là nhà khai thác cuối cùng những chiếc F-15A/B cũ kỹ và là nhà khai thác nước ngoài lớn nhất những chiếc F-16 với tầm bay thậm chí còn ngắn hơn mà họ đã sử dụng trong nhiều thập kỷ qua. Tất cả các máy bay chiến đấu này đều sẽ phụ thuộc nhiều vào việc tiếp nhiên liệu trên không để tiếp cận không phận Iran, điều này thể hiện một điểm yếu lớn do tính dễ bị tổn thương của máy bay tiếp dầu trước các tên lửa không đối không tầm xa.

Đội máy bay F-15 và F-16 của Israel được cho là kém phù hợp với các hoạt động cường độ cao đặc biệt. Nguồn: militarywatchmagazine.com

Đội máy bay F-15 và F-16 của Israel được cho là kém phù hợp với các hoạt động cường độ cao đặc biệt. Nguồn: militarywatchmagazine.com

Iran đã triển khai một mạng lưới phòng không mặt đất khổng lồ bao gồm nhiều hệ thống tầm xa như S-300PMU-2 của Nga, Bavar-373 và Khoradad 15 nội địa và các tên lửa hạng nặng S-200 thời Liên Xô được hiện đại hóa có tầm bắn 300 km chưa từng có trong khu vực. Máy bay chiến đấu hạng nặng F-14 của Iran cũng có thể thoải mái đối đầu với bất cứ loại máy bay nào của Không quân Israel, với tên lửa không đối không Fakour 90 có tầm bắn ước tính khoảng 250-300 km.

Trong khi đó, máy bay chiến đấu của Israel được trang bị AIM-120C với tầm bắn chỉ 105 km. Nhiều máy bay chiến đấu của Israel thậm chí vẫn sử dụng tên lửa AIM-7 Sparrow thời Chiến tranh Lạnh, thiếu dẫn đường bằng radar chủ động và chỉ có tầm bắn 70 km. Đặc biệt, F-14 được cho là sẽ gây ra mối đe dọa lớn đối với các máy bay tiếp dầu, cũng như các máy bay phản lực cảnh báo sớm trên không và tác chiến điện tử hỗ trợ các cuộc tấn công, đó chính là những loại mục tiêu mà máy bay này được thiết kế để giải quyết.

Không quân Israel đã triển khai một số lượng nhỏ máy bay chiến đấu thế hệ sau hiện đại hơn với radar AESA và tên lửa AIM-120D tầm xa hơn. Cụ thể là máy bay chiến đấu tàng hình F-35, nhưng chúng vẫn chưa đạt được khả năng hoạt động ban đầu và còn rất lâu mới có thể sẵn sàng cho các hoạt động cường độ trung bình, có nghĩa là chúng không có khả năng đóng một vai trò quan trọng trong các chiến dịch chống lại Iran.

Việc Không quân Israel thiếu các loại vũ khí có khả năng xuyên phá tương đương với GBU-57 của Mỹ, được triển khai bởi máy bay ném bom B-2 của Không quân Mỹ, làm hạn chế đáng kể khả năng đe dọa các mục tiêu kiên cố hơn của Iran. Điều này càng hạn chế khả năng của nước này trong việc quyết định lùi chương trình hạt nhân của Iran mà không có sự tham gia của Mỹ vào các chiến dịch.

Bên cạnh năng lực đáng kể trong các cuộc tấn công trả đũa, hệ thống phòng không của Iran dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ hơn với sự tích hợp các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không có năng lực hơn, bao gồm số lượng lớn hơn các hệ thống Bavar-373 và Khordad 15 cũng như các máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.

Máy bay J-10C của Trung Quốc được coi là ứng cử viên tiềm năng hàng đầu. J-10C có những lợi thế đáng kể so với F-16 và F-15 của Israel bao gồm hệ thống điện tử và điện tử hàng không hiện đại hơn nhiều. Radar AESA cung cấp cho J-10C khả năng nhận biết tình huống và lợi thế chiến tranh điện tử, cũng như khả năng tiêu diệt mục tiêu bằng tên lửa không đối không PL-15 có tầm bắn ước tính 250-300 km.

Việc các máy bay chiến đấu Israel phụ thuộc quá nhiều vào các radar quét cơ học vẫn là một điểm yếu nổi bật có thể nhanh chóng chuyển thành lợi thế đáng kể cho các phi đội máy bay chiến đấu tiên tiến của Iran. Điều này đồng nghĩa với việc máy bay chiến đấu của Israel kém phù hợp so với các đồng minh và Mỹ trong các hoạt động cường độ cao đặc biệt như vậy./.

CTV Lê Ngọc/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/phan-tich/hang-chuc-may-bay-chien-dau-israel-mo-phong-tan-cong-cac-co-so-hat-nhan-iran-post922430.vov