Hàn Quốc sẽ theo đuổi đến cùng mục tiêu bình thường hóa quan hệ liên Triều

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi 'con đường hướng đến hòa bình không để đảo ngược' trên bán đảo Triều Tiên cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5 tới.

Ngày 3-1, Yonhap dẫn lời Tổng thống Moon Jae-in thừa nhận Hàn Quốc vẫn còn một chặng đường dài phải đi để cải thiện quan hệ liên Triều.

“Tôi sẽ không ngừng nỗ lực để thể chế hóa nền hòa bình bền vững. Hòa bình là điều kiện tiên quyết để có được thịnh vượng. Nhưng hòa bình sẽ bị lung lay nếu không được thể chế hóa. Hàn Quốc sẽ nỗ lực đến cùng vì mục tiêu bình thường hóa quan hệ liên Triều cũng như con đường hướng đến hòa bình không thể đảo ngược. Nếu chúng ta nối lại đối thoại và hợp tác, cộng đồng quốc tế sẽ hưởng ứng.

Tôi hy vọng các nỗ lực thúc đẩy đối thoại cũng sẽ tiếp tục được chính phủ nhiệm kỳ tiếp theo duy trì”, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh trong bài phát biểu cuối cùng được tường thuật trực tiếp trên truyền hình nhân dịp năm mới trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Tổng thống Moon Jae-in phát biểu hôm 3-1. Ảnh: Yonhap

Theo Yonhap, đề cập tới “thể chế hóa nền hòa bình bền vững”, Tổng thống Moon Jae-in đang muốn nhắc tới đề xuất về tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Chiến tranh Triều Tiên kết thúc bằng một hiệp định đình chiến nên về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.

Trong bài phát biểu tại Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 hồi tháng 9-2021, Tổng thống Moon Jae-in đã đề nghị hai miền Triều Tiên và các bên liên quan cùng đưa ra tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, cho rằng tuyên bố này sẽ là điểm khởi đầu để nối lại đàm phán với Bình Nhưỡng và mang đến hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Hồi tháng 12-2021, phía Hàn Quốc cho biết, Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên đã nhất trí về mặt nguyên tắc đối với việc tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và Seoul sẽ thúc đẩy việc này. Hàn Quốc cho rằng hiện là thời điểm thích hợp để thúc đẩy tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên và đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán trong bối cảnh căng thẳng quân sự không leo thang trong thời gian qua và các kênh liên lạc liên Triều đã được khôi phục hồi tháng 10-2021.

“Tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, nếu được ký kết, có thể là bước ngoặt mở ra giai đoạn mới cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên dường như đang thể hiện thái độ cởi mở đối với đối thoại hơn so với trước đây. Triều Tiên đã phóng thử nhiều tên lửa tầm ngắn trong năm 2021 nhưng không làm cho tình hình xấu đi nghiêm trọng bằng cách gia tăng căng thẳng mức độ cao”, Yonhap dẫn lời Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young nhận định.

Trong khi đó, Mỹ liên tục bày tỏ hy vọng Triều Tiên sẽ phản hồi tích cực với đề xuất đối thoại của nước này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định, Washington vẫn luôn sẵn sàng gặp phía Bình Nhưỡng vô điều kiện.

“Chúng tôi đã nêu rõ trong những tháng gần đây rằng chúng tôi không có ý thù địch với Triều Tiên. Chúng tôi hy vọng Triều Tiên sẽ phản hồi tích cực với cách tiếp cận của chúng tôi. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với các đồng minh, gồm Hàn Quốc, Nhật Bản và các đối tác khác, về cách thức tiếp cận với Triều Tiên”, ông Ned Price phát biểu với báo giới mới đây.

Thế nhưng, theo Yonhap, trong thông điệp năm mới 2022, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không hề đề cập tới các chính sách của Bình Nhưỡng liên quan đến quan hệ liên Triều và đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ.

Thay vào đó, nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhấn mạnh tới các ưu tiên phát triển kinh tế và chống đại dịch Covid-19 cũng như quyết tâm tiếp tục củng cố tiềm lực quốc phòng “không một phút ngơi nghỉ” trong bối cảnh “tình hình quốc tế thay đổi nhanh chóng và ngày càng bất ổn”.

Hoàng Vũ / Báo QĐND

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/quoc-te/han-quoc-se-theo-duoi-den-cung-muc-tieu-binh-thuong-hoa-quan-he-lien-trieu-54267.html