Hạn chế xe tải nặng đi theo đường đèo khu vực hầm Bãi Gió

Trước thông tin 'đất đá sạt lở bịt kín hầm Đèo Cả', ông Lê Châu Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm đường bộ Đèo Cả cho biết: 'Điểm sạt lở cách xa cửa hầm đường bộ Đèo Cả khoảng hơn 20km, do vậy các phương tiện vẫn lưu thông qua hầm đường bộ Đèo Cả bình thường'.

Xí nghiệp Quản lý hầm đường bộ Đèo Cả phối hợp các cơ quan chức năng hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa điều tiết, hướng dẫn các phương tiện đi qua hầm đường bộ Đèo Cả bảo đảm an toàn và thuận lợi.

Trước thông tin “đất đá sạt lở bịt kín hầm Đèo Cả”, ông Lê Châu Thắng, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm đường bộ Đèo Cả cho biết: “Điểm sạt lở cách xa cửa hầm đường bộ Đèo Cả khoảng hơn 20km, do vậy các phương tiện vẫn lưu thông qua hầm đường bộ Đèo Cả bình thường”.

Theo đó, điểm sạt lở đất đá trong mấy ngày qua tại vị trí hầm đường sắt Bãi Gió có chiều dài khoảng 20m, cách cửa phía bắc hầm Bãi Gió chừng 85m. Đoạn đường này nằm trong dự án cải tạo hầm yếu đang được thi công, trên đoạn đường sắt bắc-nam qua khu vực Đèo Cả, giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, thuộc địa phận xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Đất đá sạt lở khối lượng lớn tại hầm Bãi Gió.

Trong 3 ngày vừa qua, hầm đường sắt Bãi Gió đã xảy ra các đợt sạt lở đất gây tê liệt tuyến đường sắt bắc-nam. Trận sạt lở đất đầu tiên xảy ra trưa 12/4, với khoảng 180m3 đất đá rơi xuống hầm; đợt thứ 2 xảy ra sáng 13/4, với khoảng 50m3 đất đá và đợt thứ 3 vào tối 13/4, kéo theo một khối lượng đất đá lấp kín các vị trí sạt lở công nhân mới dọn. Các đơn vị chức năng đã phát hiện trên đỉnh hầm xuất hiện một lỗ rộng khoảng 40cm.

Để bảo đảm an toàn cho việc khắc phục sạt lở, các cơ quan chức năng đã tiến hành phân luồng, hạn chế các xe lớn, xe tải nặng đi lên đường đèo. Xí nghiệp Quản lý hầm đường bộ Đèo Cả phối hợp các cơ quan chức năng của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa điều tiết, hướng dẫn các phương tiện đi qua hầm đường bộ Đèo Cả bảo đảm an toàn và thuận lợi trong thời gian lực lượng chức năng ngành đường sắt đang xử lý sự cố để bảo đảm thông tuyến đường sắt qua hầm Bãi Gió.

Cán bộ, nhân viên ngành đường sắt hỗ trợ hành khách trung chuyển qua đèo Cả.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh đã huy động hơn 200 công nhân cùng máy móc nỗ lực giải phóng lượng đất đá bên trong hầm Bãi Gió. Các đơn vị ngành đường sắt huy động 2 đoàn tàu công trình vào hiện trường để dọn dẹp đất đá sạt lở và phun bê-tông gia cố tạm vỏ hầm.

Các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ban đầu của hiện tượng sạt lở hầm Bãi Gió là lớp kết cấu, địa chất ở hầm bị tác động nên đất đá sạt lở và để lại khoảng trống lớn. Hiện, một số điểm do trần hầm yếu phải chờ các kỹ sư chuyên ngành, có kinh nghiệm khảo sát, lập phương án sửa chữa sửa chữa mới thi công.

Hiện nay, 8 đoàn tàu khách phải dừng lại tại các ga dọc tuyến gần khu vực sạt lở, bao gồm SE8, SE5, SE22, SE21, SE4, SE3, SE6 và SE1. Hơn 1.700 hành khách trên các tàu này đã được chuyển tải bằng đường bộ qua điểm sạt lở để tiếp tục hành trình.

Hơn 200 công nhân cùng phương tiện hiện đại khắc phục sự cố hầm Bãi Gió.

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã trực tiếp vào hiện trường chỉ đạo khắc phục sự cố sạt lở. Lãnh đạo ngành đường sắt đã khảo sát và lên phương án khắc phục sự cố cùng các đơn vị tư vấn, nhà thầu, chuyên gia địa chất.

Theo phương án đưa ra, phía nam hầm Bãi Gió tiếp tục được gia cố khung sắt, phun bê tông trong hầm; phía bắc hầm Bãi Gió sẽ được tính toán xác định tọa độ khoan đỉnh hầm (từ trên núi xuống hầm đường sắt) để phun bê-tông. Sau khi phun bê tông, các đơn vị sẽ chờ đông cứng và tiếp tục khoan gia cố, đưa khung sắt vào trong đường hầm đoạn bị sạt lở. Ngành đường sắt đang nỗ lực từng phút, phấn đấu ngày 16/4 sẽ hoàn thành, thông hầm tạm thời.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/han-che-xe-tai-nang-di-theo-duong-deo-khu-vuc-ham-bai-gio-post804791.html