Hạn chế giao thông đường thủy trên sông Cái Lớn và Cái Bé

Từ ngày 02 - 04/4/2024, giao thông đường thủy nội địa tại khu vực cống Cái Lớn trên sông Cái Lớn và cống Cái Bé trên sông Cái Bé bị hạn chế lưu thông.

Cống Cái Lớn xây dựng trên sông Cái Lớn, cách cầu Cái Lớn 2,1km về hướng sông Hậu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, để phục vụ việc vận hành cụm cống Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô theo kế hoạch, điều tiết nguồn nước, ứng phó với xâm nhiễm mặn giai đoạn cao điểm mùa khô sẽ hạn chế giao thông đường thủy trên sông Cái Lớn và sông Cái Bé trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Theo đó, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam thực hiện đóng các cửa cống và phân luồng, điều tiết hướng dẫn phương tiện thủy lưu thông qua âu thuyền cống Cái Lớn và cống Cái Bé.

Từ ngày 02 - 04/4/2024, giao thông đường thủy nội địa tại khu vực cống Cái Lớn trên sông Cái Lớn, thuộc xã Hưng Yên, huyện An Biên và xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) và cống Cái Bé trên sông Cái Bé, thuộc xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang) bị hạn chế lưu thông.

Mức độ hạn chế là đóng tất cả các cửa cống hoàn toàn, phương tiện thủy không được lưu thông qua các cửa cống, chỉ được lưu thông qua khu vực cống Cái Lớn và cống Cái Bé bằng cửa âu thuyền.

Tại khu vực cống Cái Lớn và cống Cái Bé bố trí hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa và lực lượng điều tiết khống chế, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông thủy. Các phương tiện thủy khi lưu thông đến khu vực này phải tuyệt đối tuân thủ theo sự hướng dẫn của hệ thống báo hiệu đường thủy nội địa và lực lượng điều tiết khống chế, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông thủy tại hiện trường.

Hiện nay, mực nước từ đầu nguồn sông Mê Công đổ về đồng bằng sông Cửu Long ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm khoảng 20%. Mực nước các trạm nội đồng trên địa bàn tỉnh cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm 5 - 15 cm.

Đặc biệt, khu vực vùng đệm U Minh Thượng, mực nước trên hệ thống kênh đê bao ngoài đang giảm rất nhanh, đã xuất hiện hàng trăm điểm sụt lún, sạt lở đê bao, đường tỉnh lộ 965 và đường giao thông nông thôn trên địa bàn.

Đặc biệt, tuyến Đê bao ngoài Vườn quốc gia U Minh Thượng (ĐT.965) với chiều dài khoảng 60 km, mực nước trong kênh đang ở mức rất thấp, nhu cầu bơm tưới cho hoa màu rất nhiều, cùng với lượng bốc hơi lớn và không có nguồn bổ sung nên trong thời gian tới mực nước sẽ tiếp tục xuống nhanh gây sụt lún, sạt lở đất.

Nếu nắng nóng kéo dài, khô cạn nước trong kênh sẽ tiếp tục gây nguy cơ cao về sụt lún, sạt lở nghiêm trọng cho toàn bộ tuyến đê bao ngoài, các tuyến đê phụ bên trong và hệ thống đường giao thông nông thôn.

Tiếp đến, độ mặn khu vực ven biển đang tăng nhanh, kết hợp nắng nóng, lượng nước bốc hơi mạnh làm tăng độ mặn cho các vuông nuôi tôm. Trường hợp hạn hán tiếp tục kéo dài sẽ làm tăng độ mặn vượt ngưỡng cho phép đối với các huyện Vĩnh Thuận, An Minh và An Biên, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất.

Tỉnh Kiên Giang tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với hạn hán và xâm nhiễm mặn trên địa bàn từ nay đến cuối mùa khô, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra do thiên tai.

Cụ thể là, tỉnh vận hành Cống - Âu thuyền Vàm Bà Lịch (Châu Thành) để kiểm soát mặn; theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng, thủy văn, nhằm kịp thời thông báo tình hình mặn, diễn biến mực nước cho các ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.

Tàu cá ngư dân neo đậu trên sông Cái Bé, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Tiếp đến, Chi cục Thủy lợi tỉnh chủ động vận hành có hiệu quả các cống trên địa bàn tỉnh và phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam vận hành các cống Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô đảm bảo an toàn cho sản xuất; thường xuyên kiểm tra hệ thống cống trên địa bàn, kịp thời phát hiện sớm các sự cố rò rỉ mặn để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Các huyện, thành phố trong tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, tích trữ sử dụng nguồn nước một cách khoa học, tiết kiệm, hợp lý; kịp thời thông báo, hướng dẫn người dân trong khu vực bị nhiễm mặn biết, chủ động sản xuất, không lấy nước từ các kênh bị nhiễm mặn để dự trữ, tưới; tuyên truyền vận động, khuyến cáo người dân xuống giống vụ lúa Hè Thu 2024 đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và phòng tránh sâu bệnh gây hại.

Huyện U Minh Thượng phối hợp với Sở Giao thông vận tải thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý các tình huống sụt lún, sạt lở đê bao ngoài có thể xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại cho sản xuất và cơ sở hạ tầng; cắm biển báo ở các vị trí bị sạt lở và các điểm có nguy cơ bị sạt lở.

Lê Huy Hải/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/han-che-giao-thong-duong-thuy-tren-song-cai-lon-va-cai-be/328419.html