Hạn chế đánh bắt có thời hạn để tái tạo nguồn lợi thủy sản

Ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi vừa đề xuất giải pháp cấm khai thác thủy sản có thời hạn ở một số ngư trường ven bờ. Giải pháp này nhằm hạn chế tình trạng khai thác thủy sản quá mức vào thời điểm thủy, hải sản sinh sản; hướng đến bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản, phát triển nghề cá bền vững.

Sau 3 tuần vươn khơi bám biển, tàu cá QNg 95047-TS của ngư dân Đỗ Văn Kha cùng các thuyền viên ở tỉnh Quảng Ngãi trở về đất liền để bán hải sản và chuẩn bị cho chuyến biển mới. Chuyến biển này mọi người không vui khi chỉ đánh bắt được khoảng 5 tấn cá chuồn. Sản lượng thấp, giá cá bán không cao, trong khi tổn phí cho chuyến biển tăng nên thu nhập của mỗi bạn thuyền không được bao nhiêu. Ngư dân Đỗ Văn Kha cho rằng, đánh bắt ngày càng khó khăn là do hệ lụy của việc khai thác thủy sản quá mức: “Bây giờ, mình đánh bắt quá thì nó cạn kiệt hết rồi thì làm sao mà nó sinh sản được nữa. Bắt hết từ nhỏ đến lớn mình bắt hết luôn mà. Quanh năm suốt tháng đều khai thác như vậy”.

Quảng Ngãi đề xuất tạm dừng đánh bắt có thời hạn một số khu vực nhất định

Quảng Ngãi đề xuất tạm dừng đánh bắt có thời hạn một số khu vực nhất định

Tỉnh Quảng Ngãi hiện có khoảng 4.300 tàu cá, trong đó tàu dài từ 15 mét trở lên đánh bắt xa bờ có hơn 3.000 chiếc. Số lượng tàu đánh cá nhiều, tần suất khai thác dày nên nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, chuyến biển kém hiệu quả.

Vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có gần 1.300 loài thủy sản, trong đó có 36 loài nguy cấp, quý hiếm. Khả năng khai thác bền vững của địa phương này ước đạt khoảng 83.600 tấn, trong đó vùng biển ven bờ hơn 28.000 tấn. Thực tế hàng năm, tổng sản lượng hải sản khai thác của ngư dân tỉnh này đã hơn 91.000 tấn, vùng ven bờ cũng đạt hơn 48.000 tấn. Đặc biệt, ở vùng biển ven bờ, ngư dân đánh bắt với tần suất dày và triệt để. Các loài hải sản to nhỏ đều bị đánh bắt. Theo thời gian, những loài thủy hải sản mới sinh sản, chưa đủ lớn cũng bị ngư dân đánh bắt nên càng thêm cạn kiệt.

Ngư dân đánh bắt ven bờ.

Ngư dân đánh bắt ven bờ.

Thời gian qua, Nhà nước đã có một số chính sách hỗ trợ ngư dân để bà con yên tâm bám biển. Ngư dân Lê Thắng Công ở xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi mong rằng, về lâu dài thì phải có giải pháp bảo vệ, tái tạo để tăng nguồn lợi thủy sản: “Đi một năm biển đây có thì không bao nhiêu nhưng lỗ thì nhiều. Vùng biển mỗi ngày mỗi cạn kiệt mà. Cho nên Nhà nước mà có chính sách gì để hỗ trợ phát triển kinh tế thì người dân đồng ý”.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất cấm đánh bắt có thời hạn một số khu vực biển để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản đang bị khai thác quá mức, diện tích hơn 35.400 héc ta, chiếm 12,4% diện tích vùng biển ven bờ. Đó là vùng ven bờ Bình Phú, Bình Châu, huyện Bình Sơn; vùng ven bờ Tịnh Khê, Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi; vùng ven bờ Phổ Khánh, Phổ Thạnh, Phổ Châu, thị xã Đức Phổ; vùng biển phía Nam đảo Lý Sơn...

Do khai thác quá mức, hải sản ven bờ tỉnh Quảng Ngãi ngày càng cạn kiệt.

Do khai thác quá mức, hải sản ven bờ tỉnh Quảng Ngãi ngày càng cạn kiệt.

Riêng tại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản Gành Yến và Khu bảo tồn biển Lý Sơn thực hiện thí điểm cấm biển 01 tháng, kể từ ngày 1/5 đến ngày 30/5; Cấm khai thác có thời hạn 3 tháng, kể từ ngày 1/3 đến ngày 30/5 đối với các loại nghề có mức xâm hại cao như: lưới kéo, pha xúc, chụp mực, mành, lưới vây. Ngoài ra, hàng năm, địa phương sẽ thả giống tái tạo các loài có giá trị kinh tế cao, bản địa, nguy cấp, quý, hiếm; Lưu giữ nguồn gen quý, thả rạn nhân tạo bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ.

Bảo tồn nguồn lợi thủy sản để phát triển nghề cá bền vững.

Bảo tồn nguồn lợi thủy sản để phát triển nghề cá bền vững.

Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục Trưởng, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi giải thích: việc đề xuất cấm biển có thời hạn ở khu vực ven bờ tỉnh Quảng Ngãi đang nhận được sự ủng hộ của ngư dân địa phương, phù hợp với chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Các vùng biển này là nơi tập trung sinh sản của các loài thủy sản. Nơi mà cá con, tôm con sinh sống, bổ sung cho nguồn lợi của khu vực. Nếu bảo vệ được trong thời gian sinh sản của các loài thủy sản thì nguồn này bổ sung cho nguồn lợi của khu vực, lan tỏa ra xung quanh nó sẽ đảm bảo được việc phục hồi nguồn lợi thủy sản”.

Thành Long/VOV miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/han-che-danh-bat-co-thoi-han-de-tai-tao-nguon-loi-thuy-san-post1063348.vov