Hàm ý chính sách cho Đô thị di sản thiên niên kỷ

Đô thị di sản thiên niên kỷ là một thuật ngữ rất mới, tuy nhiên chúng ta không nên hiểu đơn thuần đó chỉ là đô thị nghìn năm tuổi. Hoa Lư, Ninh Bình cách đây hơn 1 nghìn năm, với thế núi, hình sông hiểm yếu, có giá trị cao về mặt quân sự đã được chọn là kinh đô của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên ở Việt Nam, khi Đinh Bộ Lĩnh thu phục 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng Đế năm 968. Với việc đặt Quốc hiệu, niên hiệu, xây dựng bộ máy hành chính thống nhất, thông suốt, xác định lãnh thổ, tổ chức quân đội riêng, phát hành tiền tệ,... đã khẳng định sự tồn tại của một dân tộc độc lập, sánh ngang với các quốc gia khác.

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư.

Điều đặc biệt, rất có giá trị ở đây mà nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã khẳng định, đó là: Ngay cả trước khi hình thành kinh đô Hoa Lư, hay sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, vùng đất Ninh Bình vẫn luôn là địa bàn chiến lược với vai trò, chức năng trị sở lớn. Mặc dù có khi ẩn, khi hiện, phụ thuộc vào những biến thiên của lịch sử nhưng tính chất đô thành của vùng đất, con người nơi đây vẫn luôn được tiếp nối, tồn tại, không hề bị đứt gãy.

PGS.TS. KTS. Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm: Hoa Lư không đơn thuần là một Cố đô ngàn năm tuổi, là một di sản sống động, có tính liên tục, không ngừng phát triển tiếp nối trong lịch sử, đời sống định cư của con người. Nó chứa đựng cả một hệ sinh thái thiên niên kỷ bao gồm di sản tự nhiên thiên niên kỷ, di sản định cư thiên niên kỷ, các di tích khảo cổ, lịch sử, bản sắc văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng rất có giá trị. Đô thị di sản này cũng là một địa điểm linh thiêng, mang tính biểu tượng khẳng định chủ quyền, độc lập dân tộc.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: Những giá trị nổi bật của đô thành - đế đô đầu tiên của quốc gia Đại Việt, cũng như của đô thị - cảng thị trung đại tựa núi, nhìn sông, mở ra biển Đông đầu tiên ở khu vực phía Bắc đã tạo lập các giá trị bản sắc đặc trưng nhất của không gian lịch sử - văn hóa kinh đô Hoa Lư. Đây chính là nguồn lực chủ yếu, động lực mạnh mẽ và lợi thế căn bản cho Ninh Bình có thể nâng tầm thành Đô thị di sản thiên niên kỷ.

Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, dựa trên kinh tế số, kinh tế tuần hoàn đã và đang trở thành xu thế bao trùm trên toàn thế giới. Giá trị văn hóa, lịch sử cùng với công tác bảo tồn đang là tài sản quan trọng để các quốc gia, các khu vực lấy làm tiền đề phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản.

Tại Việt Nam, Nghị quyết số 06, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nêu rõ quan điểm phát triển đô thị phải bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển, phù hợp với từng vùng miền. Nghị quyết số 30, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ cũng nêu rõ quan điểm, chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng và phù hợp về bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của "Nền văn minh sông Hồng" - "Cái nôi văn hóa đầu tiên của người Việt".

Lễ hội Tràng An năm 2023.

Cụ thể hóa các quan điểm, định hướng của Bộ Chính trị đã đề ra và dựa trên đặc thù và tiềm năng về thiên nhiên - văn hóa - lịch sử của mình, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình đề ra lộ trình thực hiện hợp nhất thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư thành thành phố Hoa Lư, đồng thời xây dựng thành phố tương lai này thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, hướng tới xây dựng tỉnh Ninh Bình cơ bản đáp ứng các tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

TS. KTS. Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Để phát triển thịnh vượng, có bản sắc, có thế đứng riêng từ những di sản đang sở hữu thì Ninh Bình phải chọn được ưu tiên trong đường hướng phát triển. Định hướng đô thị di sản gắn với du lịch và phong cảnh là đặt Ninh Bình vào sự phát huy tài nguyên và thế mạnh tiềm tàng đang nổi trội. Đặc biệt, làm cho Ninh Bình trở thành một thành phố độc nhất ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ theo hình thái này. Còn nếu hướng tới một đô thị phát triển toàn diện theo các tiêu chí đang đặt ra hiện nay thì Ninh Bình khó có thể cạnh tranh được với thành phố Hà Nội, Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh.

Du khách trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp Tuyệt Tịnh Cốc.

Đồng quan điểm, TS. KTS Nguyễn Quốc Tuân, Trường Đại học Phương Đông cho biết: Nhân loại đang bước sang thiên niên kỷ thứ 3 với những biến đổi nhanh chóng, sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ, kèm theo những hệ quả mà chắc chắn chúng ta có thể chưa hiểu rõ ở thời điểm hiện tại. Lĩnh vực phát triển đô thị cũng không tránh khỏi tính chu kỳ và những vòng lặp của sự phát triển vượt ngưỡng, rồi quay lại tìm sự cân bằng ở những khái niệm xanh, bền vững, sinh thái, thông minh... Tỉnh Ninh Bình - vùng đất thiêng giàu truyền thống lịch sử - văn hóa, từng là Kinh đô của Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, với Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản kép văn hóa và thiên nhiên đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Đây là những tài sản vô giá để chúng ta có thể tích hợp vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ là một hướng đi rất đúng đắn của Ninh Bình, nó phù hợp với xu thế phát triển chung trên toàn thế giới. Đây là một cách khôn ngoan chuyển hóa được những giá trị tinh thần, những hiệu ứng lan tỏa từ văn hóa truyền thống thành các giá trị văn hóa và vật chất mới.

PGS.TS. KTS Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Đô thị di sản thiên niên kỷ không phải là một sáng kiến mà là một tầm nhìn chiến lược để trong thiên niên kỷ tới chúng ta có một thành phố Hoa Lư của di sản, văn hóa, lịch sử và chủ quyền của dân tộc, bên cạnh Hà Nội - thành phố của chính trị, thương mại, giao lưu quốc tế. Tuy nhiên, cũng theo PGS. TS. KTS Nguyễn Hồng Thục: Để xây dựng được Đô thị di sản thiên niên kỷ đầu tiên là phải có nhận thức đúng đắn về tính phát triển kết nối. Tiếp đó, rất cần đến những cơ chế, chính sách đủ mạnh và phù hợp.

Mới đây, tại hội nghị khoa học bàn về "Đô thị di sản thiên niên kỷ và hàm ý chính sách cho tỉnh Ninh Bình", các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tham luận, đưa ra nhiều góc nhìn có chiều sâu, gợi mở cho Ninh Bình các hàm ý về chính sách phù hợp để xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ.

Vẻ đẹp hồ Kỳ Lân (thành phố Ninh Bình) về đêm.

Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: Trước đây, người ta thường chỉ tiếp cận đô thị dưới góc độ vị trí, quy mô, diện tích, dân số, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối... cũng như vai trò của đô thị đó như thế nào đối với vùng, với quốc gia. Từ đó để đánh giá mức độ quan trọng của đô thị. Chính bởi vậy, trong khu vực đồng bằng sông Hồng, người ta chỉ nhắc nhiều đến các đô thị lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng. Tuy nhiên, khi tiếp cận dưới góc độ di sản thì Ninh Bình lại có cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tiềm năng khác biệt. Đồng chí Thứ trưởng khẳng định: Đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và nay là đô thị di sản... là những khái niệm mới nhưng lại có ý nghĩa rất lớn. Từ câu chuyện của Cố đô Huế, rồi ý tưởng xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ ở Ninh Bình đặt ra những vấn đề lớn liên quan đến chính sách. Với trọng trách là một cơ quan quản lý Nhà nước được giao quản lý, phát triển đô thị, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tham vấn các chuyên gia để từ đó sớm có những quy định, cơ chế, chính sách phù hợp cho những đô thị kiểu như thế này. Cụ thể như các vấn đề liên quan đến quy hoạch, tiêu chuẩn, tiêu chí, mô hình, cơ chế vận hành...

TS. KTS. Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch góp ý: Nên đổi tên thành phố Ninh Bình thành thành phố Hoa Lư để dễ định danh. Bên cạnh đó, nối liền nhuần nhị thành phố Ninh Bình hiện nay với vùng tài nguyên sinh thái - cảnh quan - di sản Tràng An - Chùa Bái Đính - Cố đô Hoa Lư - Tam Cốc - Bích Động bằng cách tạo sự chuyển hóa mềm từ thành phố hiện nay sang vùng thắng cảnh và di sản lịch sử (chẳng hạn đào kênh, nâng cấp và mở đường giao thông kết nối, xanh hóa thành phố hiện hữu...). Ngoài ra, cũng cần xây dựng Quy chế đặc biệt cho việc cải tạo, phong cảnh hóa thành phố hiện hữu; xây dựng Quy hoạch chung cho thành phố Hoa Lư, lấy yếu tố tài nguyên thiên nhiên sinh thái làm chủ đạo. Hạn chế xây dựng thêm các nhà máy, xí nghiệp.

Bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban văn hóa Văn phòng UNESCO Hà Nội gợi ý: Công ước di sản thế giới của UNESCO năm 1972 khuyến khích các quốc gia thành viên thành lập các quỹ tài chính để kêu gọi các nguồn lực từ khu vực công cũng như khu vực tư nhân và toàn xã hội nhằm mục đích hỗ trợ cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản thế giới. Ở cấp quốc gia, chúng ta đã có Quỹ di sản văn hóa, còn ở cấp địa phương, chúng tôi khuyến khích Ninh Bình xây dựng được một quỹ như vậy. Quỹ sẽ giúp hỗ trợ đắc lực cho công tác bảo tồn di sản, đồng thời có thể sử dụng quỹ này để hỗ trợ các sáng kiến cộng đồng trong việc bảo tồn, giới thiệu rộng rãi di sản của địa phương ra thế giới, mang lại nguồn lợi cho cộng đồng trên nền tảng của di sản.

Đánh giá cao việc tỉnh Ninh Bình tập trung xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam gợi mở: Thiết nghĩ, trong thời gian tới, Ninh Bình cần phải mở rộng đến mức tối đa diện tích khai quật khảo cổ học (Khảo cổ học đô thị) và tiến hành điều tra nghiên cứu Sử học, Văn hóa học, Xã hội học, Dân tộc học một cách bài bản, tổng thể để phục dựng lại toàn bộ diện mạo của Kinh đô Hoa Lư (bao gồm cả "Thành" và "Thị" Hoa Lư, đặc biệt là phần đô thị Hoa Lư mà lâu nay chưa được quan tâm nhiều). Điều cần phải lưu ý ở đây là Hoa Lư là Đô thị - Cảng thị tựa núi, nhìn sông, hướng ra biển Đông, nên trong quy hoạch lại đô thị di sản Hoa Lư không thể không quan tâm đến mối tương quan của Núi - Sông - Biển. Đặc biệt phải tìm mọi cách khai thông hệ thủy của Kinh đô Hoa Lư xưa, đặc biệt là vai trò của biển Đông trong quá trình hình thành và phát triển của đô thị Hoa Lư, vì đấy là mạch máu giao thông, giao thương, trung tâm của mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, quân sự, hành chính, ngoại giao, là nguồn lực quan trọng nhất tạo nên sức sống của Kinh đô Hoa Lư thuở hoàng kim và duy trì, lưu giữ hình ảnh của Kinh đô Hoa Lư mãi về sau. Bên cạnh đó, Ninh Bình cần tăng tốc quá trình đô thị hóa, biến các vùng ngoại vi của đô thị Hoa Lư thành đô thị thuần thục và từng bước mở rộng ra địa bàn toàn tỉnh. Ninh Bình cũng nên đầu tư nâng cấp Trường Đại học Hoa Lư trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Phố cổ Hoa Lư.

Nêu ý tưởng về việc tích hợp giữa đô thị di sản với đô thị thông minh, TS. Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng thành phố thông minh tỉnh Bình Dương cho biết: Muốn xây dựng được một đô thị thông minh, chúng ta phải xây dựng được một cộng đồng thông minh, trong đó việc quy hoạch và lập quy hoạch phải thông minh. Sau đó, phải xác định được những công nghệ nào để đưa vào ứng dụng. Có 2 khía cạnh Ninh Bình có thể đưa công nghệ vào. Thứ nhất là dùng công nghệ để quản lý, bảo tồn di sản. Thứ hai, dùng công nghệ để phục dựng lại lịch sử nghìn năm trước, xây dựng lại hành trình di sản thông qua các lát cắt về thời gian, không gian để mọi người có thể nhìn thấy, hình dung nó một cách thật sống động.

Cùng với xu thế phát triển đô thị trên thế giới, sự lựa chọn của Ninh Bình về việc phát triển trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ là hướng đi để thoát khỏi mô hình đô thị hóa đơn nhất dạng nén đang gặp nhiều thách thức ở Việt Nam cũng như toàn thế giới hiện nay. Đồng thời hướng đến mô hình đô thị có hàm lượng văn hóa cao, có đời sống đô thị giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, có nhịp sống hợp lý, làm giàu bằng kinh tế trí thức.

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-emagazine-ham-y-chinh-sach-cho-do-thi-di-san-thien-nien-ky/d2023122018244461.htm