Hạm đội 2 Hải quân Mỹ 'tái xuất' ở Bắc Đại Tây Dương giữa xung đột Nga-Ukraine

Hạm đội 2 Hải quân Mỹ vừa hoàn thành đợt triển khai đầu tiên tới Bắc Đại Tây Dương vào Mùa xuân năm nay để hỗ trợ các lực lượng tại châu Âu, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nga. Đợt triển khai này là nhằm trấn an các đồng minh và tích lũy kinh nghiệm mới cho các thủy thủ Mỹ.

Hạm đội 2 Hải quân Mỹ đã triển khai lực lượng tới khu vực Bắc Đại Tây Dương từ tháng 1-4/2022 theo đề nghị của Tư lệnh hàng đầu của Mỹ trong khu vực giữa lúc căng thẳng với Nga gia tăng.

Đợt triển khai ngắn này là lần đầu tiên Hạm đội 2 nắm quyền chỉ huy và kiểm soát các lực lượng tại châu Âu ngoài một cuộc tập trận. Đợt triển khai cũng chứng minh sự linh động cũng như khả năng phản ứng của hạm đội, Phó Đô đốc Daniel Dwyer, chỉ huy Hạm đội 2 cho biết cuối tháng 4 vừa qua.

Tàu USS Forrest Sherman và USS Donald Cook của Mỹ huấn luyện cùng khinh hạm FGS Sachsen (giữa) của Đức ở Biển Baltic ngày 9/3/2022. Ảnh: Hải quân Mỹ

Tàu USS Forrest Sherman và USS Donald Cook của Mỹ huấn luyện cùng khinh hạm FGS Sachsen (giữa) của Đức ở Biển Baltic ngày 9/3/2022. Ảnh: Hải quân Mỹ

Hạm đội 2 được tái lập năm 2018 nhằm phản ứng trước việc Nga gia tăng hoạt động ở Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, ông Dwyer tránh liên hệ đợt triển khai này với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

“Tái xuất” giữa xung đột Nga-Ukraine

Khi được hỏi đợt triển khai của Hạm đội 2 có liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga hay không, ông Dwyer chỉ nói rằng hoạt động này chứng tỏ khả năng của Mỹ trong việc sẵn sàng triển khai lượng hải quân, trong đó bao gồm cả việc triển khai tàu chiến với thủy thủ đoàn được huấn luyện bài bản, cũng như cam kết bảo vệ đồng minh và đối tác châu Âu.

Trong đợt triển khai, Hạm đội 2, có trụ sở tại Virginia, nắm quyền chỉ huy và kiểm soát 4 tàu khu trục gồm USS Forrest Sherman, USS The Sullivans, USS Donald Cook và USS Mitscher.

Tàu khu trục thứ năm, USS Gonzalez, được triển khai tăng cường từ Mỹ vào tháng 1 nhưng sau đó đã chuyển hướng lần lượt đến Địa Trung Hải và Trung Đông.

Hạm đội 2 chính thức chịu trách nhiệm khu vực phía Tây Đại Tây Dương từ Caribe đến Bắc Cực, nhưng cũng có thể hoạt động như “cánh tay cơ động” cho các lực lượng khác của Hải quân Mỹ, trong trường hợp này là Lực lượng Hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi.

“Vào thời điểm cần thiết, tôi có thể điều động, hỗ trợ các lực lượng khác của hải quân, nắm quyền chỉ huy và kiểm soát các tàu nằm ngoài khu vực trách nhiệm thông thường của tôi. Đợt triển khai trong mùa xuân năm nay là lần đầu tiên chúng tôi áp dụng vào thực tế, và chúng tôi đã chứng minh khả năng cơ động và nhanh nhạy của mình”, ông Dwyer nói.

Hải quân Mỹ đã tìm cách để thủy thủ tái thích ứng với khí hậu ở vùng khu vực High North và Bắc Cực, những nơi ngày càng dễ tiếp cận nhưng vẫn là môi trường khắc nghiệt đối với các tàu và thủy thủ đoàn.

Khi đến khu vực này vào tháng 2, “thủy thủ đoàn gặp phải điều kiện thời tiết mà họ không quen” và hạm đội đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa để có thể hoạt động an toàn và hiệu quả, ông Dwyer cho biết. Nhưng điều này cũng tích lũy kinh nghiệm để họ có thể hoạt động ở những khu vực vốn không quen thuộc.

Trong những tuần sau đó, các tàu Mỹ tham gia huấn luyện với hải quân Italy, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Đức và Thụy Điển ở Biển Bắc và Biển Baltic, tiến hành “một loạt nhiệm vụ hàng hải, từ điều động, từ liên lạc, đến thiết lập mạng lưới và liên kết”.

Bảo vệ các tuyến đường tiếp cận giữa châu Âu và Bắc Mỹ

Là người đứng đầu Hạm đội 2 của Mỹ và Bộ chỉ huy lực lượng chung Norfolk (JFC Norfolk) của NATO, ông Dwyer chịu trách nhiệm giữ cho đại dương giữa Bắc Mỹ và Châu Âu rộng mở.

Dù ông Dwyer không liên hệ trực tiếp hoạt động gần đây của Hạm đội 2 với Nga, nhưng các nhà lãnh đạo NATO đã nhiều lần cảnh báo về hoạt động hải quân của Nga cũng như các nguy cơ đối với cả 2 bờ Đại Tây Dương.

Kể từ tháng 7/2021, “JFC Norfolk đã tích cực giám sát khu vực từ Bắc Đại Tây Dương đến Bắc Cực để đảm bảo các tuyến liên lạc xuyên Đại Tây Dương chiến lược của NATO vẫn thông suốt, từ đó hỗ trợ khả năng chống đỡ của châu Âu”, ông Dwyer nói với các chỉ huy NATO gần đây.

Các nhà lãnh đạo NATO đã cảnh báo cụ thể về các tàu ngầm của Nga, có khả năng hoạt động mạnh hơn với các vũ khí mới và tầm xa hơn. Sự hiện diện của các tàu này ở Đại Tây Dương có nghĩa là lục địa Mỹ “không còn là thánh địa an toàn”.

“Trong vài năm qua, hoạt động của tàu ngầm Nga ở vùng High North đã gia tăng đáng kể. Đây là một diễn biến đáng lo ngại”, Ngoại trưởng Iceland Thórdís Kolbrún R. Gylfadóttir cho biết hồi tháng 4 vừa qua.

Iceland nằm ở Khoảng trống GIUK (nằm giữa Greenland-Iceland-Vương quốc Anh) nối Đại Tây Dương và Bắc Cực, nơi các tàu mặt nước và tàu ngầm của Hạm đội phương Bắc của Nga đóng quân. Điều này khiến các lực lượng quân đội NATO một lần nữa đặt trọng tâm vào tuyến đường có tầm quan trọng chiến lược này.

Nhiệm vụ của Hạm đội 2 là “ngăn chặn và đánh bại các đối thủ tiềm tàng trong khu vực chúng tôi phụ trách, cho dù điều đó xảy ra ở đâu. Hạm đội sẽ bảo vệ các con đường tiếp cận giữa châu Âu và Bắc Mỹ”, ông Dwyer nói./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Business Insider

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/ham-doi-2-hai-quan-my-tai-xuat-o-bac-dai-tay-duong-giua-xung-dot-nga-ukraine-post942801.vov