Hải Phòng: Lễ hội đảo Dấu Đồ Sơn dự kiến đón hơn 12.000 lượt du khách

Lễ hội đảo Dấu diễn ra từ ngày 1 đến ngày 10/2 Âm lịch với tâm điểm là Liên hoan diễn xướng hát văn và hát chầu văn Đồ Sơn mở rộng lần thứ II.

Ngày 10/3 (mồng 1/2 Âm lịch), tại đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương ở đảo Dấu thuộc địa bàn phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, quận Đồ Sơn tổ chức Lễ Thượng cờ khai hội đảo Dấu. Đây là nghi lễ mở màn cho Lễ hội đảo Dấu diễn ra thường niên dịp đầu Xuân.

Lễ hội đảo Dấu năm nay diễn ra từ ngày 10 đến ngày 19/3 (từ mồng 1 đến mồng 10/2 Âm lịch) với tâm điểm là Liên hoan diễn xướng hát văn và hát chầu văn Đồ Sơn mở rộng lần thứ II trong 2 ngày 17/3 và 18/3/2024.

Các đại biểu dâng hương tại đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương nhân dịp khai hội đảo Dấu.

Lãnh đạo Tp.Hải Phòng và quận Đồ Sơn thực hiện nghi lễ gióng chuông khai hội đảo Dấu năm 2024.

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Lưu Thị Thu Huyền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch và Quản lý di tích lịch sử quận Đồ Sơn, cho biết, Liên hoan diễn xướng hát văn và hát chầu văn Đồ Sơn mở rộng lần thứ II do Nghệ nhân ưu tú Hoàng Gia Bổn - Chủ nhiệm CLB Tín ngưỡng Thờ Mẫu Hải Phòng, chủ trì dàn dựng.

Liên hoan còn có sự tham gia của 9 nghệ nhân ưu tú đến từ mọi miền Tổ quốc với sân khấu được dựng ở ngoài trời tỉ mỉ, công phu hứa hẹn sẽ đem đến cho người dân địa phương, du khách những tiết mục diễn xướng hát văn và hát chầu văn ấn tượng, hấp dẫn.

Dự kiến Lễ hội đảo Dấu năm nay đón khoảng 12.000 lượt du khách. Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, Trung tâm Dịch vụ du lịch và Quản lý di tích lịch sử quận Đồ Sơn bố trí 6 tàu chở khách từ bến tàu trong Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu ra đảo với tần suất 20 - 30 chuyến/ngày. Trong đó, chuyến tàu muộn nhất rời đảo Dấu lúc 18 giờ.

Du khách vãn cảnh và thắp hương tại đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương Dấu trong dịp Lễ hội đảo Dấu.

Bà Lưu Thị Thu Huyền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ du lịch và Quản lý di tích lịch sử quận Đồ Sơn, thông tin, do trên đảo Dấu chưa có dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, nên du khách bố trí tham dự lễ hội và thăm quan đảo Dấu trong ngày. Nếu ở lại buổi trưa, cần đem theo đồ ăn, nước uống.

Đảo Dấu rộng chưa đầy 1 km2 nằm cách đất liền 20 phút ngồi tàu. Tương truyền, trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, có vị tướng nhà Trần tử trận, một phần thân thể trôi dạt vào đảo Dấu. Người dân nơi đây đã chôn cất và lập đền thờ ngài. Thời nhà Nguyễn, nhà vua sắc phong ngài là Nam Hải Đại Thần Vương.

Đảo Dấu trên địa bàn phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng, được công nhận và xếp hạng Di tích - Danh thắng quốc gia năm 2009.

Đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương - địa danh nổi tiếng linh thiêng trên đảo Dấu.

Đến đảo Dấu, ngoài đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương, du khách có thể thăm quan cánh rừng nguyên sinh bao trùm khắp đảo, trong đó có quần thể cây đa búp đỏ đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam, cùng ngọn hải đăng hơn 100 năm tuổi nằm ở điểm cao nhất đảo.

Năm 2009, đảo Dấu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng Di tích - Danh lam thắng cảnh quốc gia.

Lễ hội truyền thống đảo Dấu được tổ chức hàng năm nhằm tỏ lòng biết ơn Nam Hải Đại Thần Vương luôn che chở, bảo vệ ngư dân có những chuyến vươn khơi an toàn, tôm cá đầy khoang. Đồng thời, cầu mong một năm bình an, thuận lợi, may mắn.

Ngô Quang Thái

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hai-phong-le-hoi-dao-dau-do-son-du-kien-don-hon-12-000-luot-du-khach-a653367.html