Hải Phòng cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực bứt phá

TP. Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, bảo đảm môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi để tăng sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư và tạo động lực bứt phá.

Khu công nghiệp Tràng Duệ, nơi Tập đoàn LG đầu tư gần 10 tỷ USD, minh chứng sinh động về môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi của Hải Phòng Ảnh: Phan Tuấn

Động lực từ PCI và DDCI

Hải Phòng mấy năm trở lại đây luôn đứng trong tốp đầu cả nước về thu hút FDI. Theo ông Nguyễn Ngọc Tú, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng, việc duy trì Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ở thứ hạng cao là một trong những yếu tố quan trọng giúp Hải Phòng tạo sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư. PCI thể hiện những đánh giá ở góc nhìn khách quan của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư - kinh doanh, về quyết tâm của lãnh đạo, chính quyền Thành phố trong thu hút đầu tư.

Năm năm gần đây, Hải Phòng liên tục góp mặt trong nhóm 10 địa phương có PCI tốt nhất Việt Nam. Năm 2019, PCI của Hải Phòng đứng ở vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành phố (tăng 6 bậc so với năm 2018). Năm 2020, Hải Phòng xếp thứ 7 (tăng 3 bậc so với năm 2019). Năm 2021, Thành phố vươn lên vị trí thứ 2. Năm 2022, Hải Phòng đứng ở vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng.

“Không phải ngẫu nhiên, mà PCI của Hải Phòng những năm qua luôn đứng trong tốp đầu cả nước. Đó là cả một quá trình nỗ lực. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND TP. Hải Phòng ban hành Bộ chỉ số DDCI (đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương), đây chính là cánh tay nối dài của PCI. Vì thế, việc nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ là nhiệm vụ của riêng UBND Thành phố, mà đã trở thành trách nhiệm của mỗi sở, ban, ngành và các quận, huyện”, ông Tú nói.

Sau 4 năm triển khai DDCI (2020 - 2023), chất lượng điều hành của các cấp chính quyền, sở, ngành có sự thay đổi rõ rệt. Khối sở, ngành và khối địa phương có điểm số trung bình tăng đều qua các năm. Năm 2023, trong khối sở, ngành, Sở Văn hóa và Thể thao vươn lên dẫn đầu với 80,98 điểm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đứng thứ 2 với 79,14 điểm; trong khối quận, huyện, quận Hồng Bàng dẫn đầu với 92,59 điểm, huyện Thủy Nguyên đạt 89,9 điểm, xếp thứ 2.

Hải Phòng nằm trong số ít thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đánh giá DDCI. Đây cũng được xem là yếu tố giúp thứ hạng PCI của Thành phố có biên độ giảm thấp nhất, tiếp tục dẫn đầu về điểm số và vị trí xếp hạng trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Bên cạnh đó, theo kết quả PCI năm 2022, 89% doanh nghiệp tại Hải Phòng đánh giá UBND Thành phố năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh; 92% doanh nghiệp cho biết, khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp. Đây là những chỉ tiêu mà Hải Phòng thuộc nhóm tốt nhất cả nước.

Tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp

Năm 2023, Hải Phòng bắt đầu triển khai mô hình “kết nối thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện” nhằm tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo đó, thực hiện đa dạng, đổi mới hình thức hỗ trợ doanh nghiệp nộp được hồ sơ hợp lệ ngay từ lần nộp đầu tiên khi thực hiện thủ tục hành chính; đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ bưu chính công ích; ứng dụng tối đa công nghệ số trong giải quyết công việc. Mô hình này được kỳ vọng tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện tại các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng đã hướng dẫn nhà đầu tư tra cứu trên hệ thống cũng như sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để trả lời nhà đầu tư về thủ tục đầu tư. Bên cạnh đó, tại Sở Kế hoạch và Đầu tư có bộ phận một cửa tiếp nhận, hướng dẫn nhà đầu tư quan tâm tới các cơ hội đầu tư vào Hải Phòng, giúp tạo môi trường đầu tư minh bạch, loại bỏ nhiều thủ tục không cần thiết.

Bằng các chỉ đạo cụ thể, quyết liệt trong giai đoạn vừa qua, Hải Phòng là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, FDI chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn, các công ty đa quốc gia trên thế giới.

Minh chứng là, các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn LG liên tục tăng vốn đầu tư, mở rộng nhà máy, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đầu tư gần 10 tỷ USD. Tiếp đến, Ecovance.Co.Ltd (thuộc Tập đoàn SK) đầu tư 500 triệu USD để thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao tại Hải Phòng, đánh dấu việc tập đoàn kinh tế lớn thứ 2 của Hàn Quốc “đặt chân” vào thành phố cảng. Tập đoàn Kyocera - một trong những nhà sản xuất máy thiết bị văn phòng lớn của Nhật Bản - quyết định tăng vốn thêm 238 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 418 triệu USD…

Quyết định lựa chọn cũng như cam kết hoạt động lâu dài của các nhà đầu tư cho thấy sự ổn định, thông thoáng, thuận lợi của môi trường đầu tư, cũng như tiềm năng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Năm 2024, Hải Phòng đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 11,5 - 12%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 210.000 tỷ đồng; thu hút 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài... Để đạt được những mục tiêu này, giải pháp mà Thành phố xác định là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, duy trì vị trí xếp hạng PCI trong nhóm 3 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh, việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh phải được thực hiện liên tục, bền bỉ, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phải đổi mới tư duy, điều hành linh hoạt, sáng tạo, không tự hài lòng với kết quả đạt được.

Chính tinh thần quyết liệt hành động của cấp ủy, chính quyền Thành phố, cùng với việc lắng nghe các ý kiến, kiến nghị để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh đã củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp với Hải Phòng.

Để giữ đà cải cách trong thời gian tới, Hải Phòng xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh phải được ưu tiên hàng đầu. Thành phố tiếp tục duy trì xếp hạng DDCI, bởi việc này có vai trò quan trọng và tác động mạnh mẽ đến điểm số, vị trí xếp hạng PCI.

Lãnh đạo TP. Hải Phòng yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương trong tỉnh chủ động đưa ra nhiều sáng kiến mới để hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng những mô hình mới liên quan đến hỗ trợ thủ tục giấy phép kinh doanh có điều kiện và thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Đồng thời, nắm bắt, giải quyết nhanh vướng mắc của nhà đầu tư thông qua các hội nghị đối thoại trong từng lĩnh vực. Ngoài ra, mỗi cán bộ, công chức cần làm tốt nhiệm vụ của mình với khát vọng đổi mới, sáng tạo, theo tinh thần “hỗ trợ - lắng nghe - thấu hiểu - thân thiện - nhiệt tình - đồng hành” cùng doanh nghiệp.

“Hải Phòng sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, điều hành linh hoạt, sáng tạo, xây dựng và quản trị chính quyền hiện đại hơn, cởi mở hơn, thân thiện hơn, hướng đến mục tiêu trở thành nơi có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, là điểm đến mong muốn của mọi nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Lãnh đạo Thành phố sẽ luôn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, bảo đảm một môi trường đầu tư an toàn, an ninh, đôi bên cùng có lợi, với phương châm: Sự thành công của doanh nghiệp, chính là sự thành công của Hải Phòng”, ông Tùng khẳng định.

Thanh Sơn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hai-phong-cai-thien-moi-truong-dau-tu-tao-dong-luc-but-pha-d214779.html