Hai ngôi sao lặng lẽ rơi: Tết buồn của ngành sân khấu

Có lẽ, chưa Tết năm nào với nghệ sĩ đất Bắc buồn như năm nay, trong vòng một tuần hai tên tuổi lớn của ngành Sân khấu đã ra đi. Ngày 25 tháng chạp, đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang, ngày mồng 1 tháng giêng NSND Trần Tiến. Cả hai bậc tiền bối của ngành sân khấu rời bỏ cõi tạm về miền cực lạc. Cũng biết, quy luật sinh, lão, bệnh, tử, đời người là vô thường mà sao vẫn man mác buồn thương tiếc nhớ.

Đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang sinh năm 1938, nghĩa là ông đã 85 tuổi, vậy nhưng thế hệ sau này không ai gọi ông bằng bác, bằng chú cả, dù thế hệ hậu bối có kém ông đến năm sáu chục tuổi cũng đều gọi ông với hai từ thân thiết: "Anh Giang". Có một điều đặc biệt ở anh vẻ ngoài phong trần mưa gió thế nhưng tâm hồn anh rất tĩnh tại, bằng phẳng như mặt hồ nước mùa Thu. Chúng tôi "yêu" cái chất đấy trong con người của anh. Sau này, những năm tháng làm việc ở gần nhau, chúng tôi có vô số dịp để gần gũi với anh, và càng gần anh thì càng nhận ra rằng anh là một con người vô cùng đáng kính, mà sẽ rất lâu nữa sân khấu cũng khó có thể tìm ra được người thứ hai như anh.

NSND Doãn Hoàng Giang - NSND Trần Tiến.

NSND Doãn Hoàng Giang - NSND Trần Tiến.

Anh Giang làm việc miệt mài cho các đoàn nghệ thuật trong cả nước, mỗi khi dựng vở cho các đoàn xa nhà, anh lại đi hàng tuần. Một điều lạ là những lúc "nước sôi lửa bỏng" trên sân khấu, những lúc thị phạm cho diễn viên, lúc nào tôi cũng thấy anh ôn tồn, nhẹ nhàng, lời của anh nghe như tiếng gió thì thầm, rất du dương trầm ấm.

Anh Giang giỏi từ khâu viết kịch bản đến dàn dựng, đặc biệt là dàn dựng các tác phẩm sân khấu về đề tài lịch sử. Cuộc đời của anh không phải là trải hoa hồng để lên đỉnh vinh quang, anh đã phải vượt qua nó trong những cơn mê của đời mình. Anh sinh ra và lớn lên ở vùng đất Phát Diệm, Ninh Bình, với một lí lịch họ tộc có người đi Nam, anh không được học đạo diễn mà chỉ được học lớp diễn viên cùng khóa với Thế Anh, Đoàn Dũng… Nhưng năng khiếu vượt trội bởi khả năng đạo diễn, anh vẫn thường lén ra đứng trước cửa lớp học đạo diễn để học lỏm. Sau này, nhờ khả năng dàn dựng tiểu phẩm cho những sinh viên trong trường mà anh dần được ghi nhận.

Nếu nói những thế hệ đạo diễn trước và sau anh đều được đi học ở các nước XHCN, như Liên Xô, Đức thì anh Giang lại lủi thủi và tự học. Và bằng chính năng khiếu trời cho, bằng sự quyết tâm vượt bậc anh đã thành công vang dội ở môn nghệ thuật đạo diễn. Tuổi tác và những "đòn roi", thăng trầm của số phận cho anh sự trải nghiệm của cuộc đời để mở ra cho anh một sự bình tĩnh, tự tại, thấu đáo mà rất khó ai có thể đạt đến được. Chính sự trải nghiệm này cộng với tài năng trong nghệ thuật đã làm nên một NSND Doãn Hoàng Giang tài hoa độc đáo.

Suốt thập niên 80 và 90 của thế kỷ XX, tên tuổi của anh lẫy lừng. Anh như một ngôi sao sáng của nghệ thuật sân khấu nước nhà. Ngay cả sau này, khi sân khấu không còn là thánh đường thì NSND Doãn Hoàng Giang vẫn miệt mài ngày đêm góp phần thay đổi diện mạo cho sân khấu. Đã nhiều lần anh nói: "Tôi ao ước làm việc trên sàn diễn cho đến giây phút cuối đời"; "Tôi có thể chết trên sàn diễn".

Vài ba năm trở lại đây, sức khỏe anh yếu dần, mặc dù vậy anh vẫn dựng một vài vở do các đoàn tín nhiệm mời. Anh yêu ánh đèn vàng sân khấu, yêu nhân vật, mặc dù ốm là vậy, nhưng cứ đến gần với sân khấu, "ngửi" mùi sân khấu, anh như được tiếp thêm nguồn năng lượng cực mạnh, anh khỏe lên, nhưng rồi trên hành trình của mình, cũng đã đến lúc con thuyền đó cạn kiệt nhiên liệu, anh chìm vào cõi vĩnh hằng để về miền xa lắm. Căn nhà của anh trên phố Âu Cơ nhìn ra cánh đồng cúc vàng rực nắng, thế nhưng năm nay cúc đã không còn vàng nữa rồi. Chỉ còn nỗi nhớ anh đến mênh mông, xa thẳm, chúng tôi chọn những bông cúc vàng để cắm lên bia mộ của anh. Khi sống, cứ mỗi dịp Tết là nhà anh lại có cành đào rừng, thân xù xì, bông hoa đào 5 cánh đẹp hoang dã, giản dị nhưng cũng rất kiêu sa. Giờ hoa đào cũng trở nên xa vắng, bởi vì lẽ năm nay đã không còn có anh… đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang.

Chiều 28 Tết ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng làm lễ truy điệu, đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang, trong dòng người đưa viếng anh về nơi an nghỉ cuối cùng, người ta thấy NSND Lê Khanh dìu mẹ mình là NSƯT Lê Mai đi đưa tiễn bậc trưởng bối của làng sân khấu. Vậy mà, mồng 1 Tết đã hay tin NSND Trần Tiến mất trong vòng tay của 3 cô con gái yêu, Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi. Ông đi ở tuổi 87. NSND Trần Tiến và NSND Doãn Hoàng Giang đều là sinh viên lớp diễn xuất khóa đầu tiên của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội.

NSND Trần Tiến là bậc lão làng trong nghệ thuật diễn xuất, thậm chí nhiều người nhận định ông là diễn viên xuất sắc cừ khôi và độc bản. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ở ông có sẵn tư chất của người Thủ đô thanh lịch, hào hoa, cộng với tài năng thiên bẩm nên trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông đã có nhiều vai diễn để đời. Hàng chục năm làm diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam từ vai diễn trong: "Người cha thô bạo", "Nguyễn Trãi ở Đông Quan", "Hồn Trương Ba da hàng thịt", "Kén rể"… Dù vai diễn xuất hiện ngắn hay dài trên sân khấu, khi NSND Trần Tiến bước ra, đã là một thần thái khác, nhập vai và lên đồng, khí chất ngút ngàn lôi kéo khán giả ngay từ phút giây đầu tiên.

Cái khác lạ trong con người ông đó là sự tinh tế đáng kinh ngạc trong từng vai diễn. Chỉ cần xem những vai ông hóa thân, các thế hệ sau có thể học được ở đó biết bao kiến thức, vì ở mỗi nhân vật ông đều phẩy nên sự độc đáo rất duyên, rất riêng. Tài hoa là vậy nhưng nhân duyên vợ chồng không đi đến cuối cuộc đời. Chia tay với NSƯT Lê Mai khi tuổi trung niên nhưng hai người vẫn dành cho nhau tình cảm chân thành cho đến mãi cuối đời. Cuộc hôn nhân định mệnh đã sinh ra ba ái nữ cho nghệ thuật Việt Nam: Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi.

Trong ba người con đấy, Lê Khanh gần với ông nhất, ngay cả trong những đoạn quanh nghiệt ngã, những sóng gió ba đào của gia đình thì Lê Khanh vẫn luôn ở bên ông, cảm thông cho nỗi thống khổ sầu muộn của bố mình. NSND Lê Khanh có nhiều kỉ niệm về bố, nhưng Tết đến những kỉ niệm xưa cũ lại ùa về, nhòe đi trong những khung hình, có cái Tết khi cả ba cô con gái còn nhỏ ở trong ngôi nhà trên phố có hàng cây cổ thụ xanh rì Phan Đình Phùng.

Tết năm tháng khi xưa đấy, trẻ em ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, dưới ánh lửa bập bùng, và chỉ mong đến Tết để được mặc quần áo mới, ba cô con gái nhỏ Vân, Khanh, Vi cũng không ngoại lệ. Các năm khác là gần Tết trong nhà đã có cành đào vậy mà năm ấy, đã 28 Tết, 29 Tết vẫn chưa thấy gì, cả ba chị em xìu mặt. Thấy các con ủ rũ, trong bữa cơm chiều 29 Tết, NSND Trần Tiến hỏi ba cô con gái nhỏ vì sao mặt mũi lại buồn thiu như vậy, biết các con thích trong nhà có cành đào, ông bảo: "Được thôi, có khó gì đâu, mai bố sẽ mang về". Ngày hôm sau, NSND Trần Tiến dắt chiếc xe đạp ra khỏi nhà từ sáng sớm, đến trưa ba chị em vẫn chưa thấy bố về, cứ tha thẩn đi ra lại đi vào, cả chị lẫn em háo hức lắm để đợi cây đào của bố.

Chiều 30 Tết, gió lạnh căm căm, ba chị em sốt ruột quá, đứng ra đầu ngõ nhìn ra đường hóng bố. Chiều dần buông, đường phố thưa thớt dần, thi thoảng vài ba cái xe đạp đạp qua, nhưng không phải bố. Rồi, lúc sau, hiện ra bóng dáng quen thuộc, NSND Trần Tiến, đạp xe đạp, phía đằng sau buộc cành đào. Cả ba chị em reo lên mừng rỡ: "A, bố đã về". NSND Trần Tiến vui vẻ dựng xe rồi tháo dây buộc cành đào mang vào nhà, ông bảo: "Đây, đào đây, đào của các con đây". Cành đào rất to, nhưng lạ thay, chỉ duy nhất có một bông hoa màu hồng thắm. Cả 3 chị em xúm lại nhìn cành đào lạ lùng trên tay bố. Vi òa lên khóc. Vân dỗ dành em. Mấy đứa nhỏ, ngó nghiêng cành đào, một cánh tay nhỏ dơ ra để sờ nhẹ vào bông hoa đào duy nhất ấy. Bông hoa đào được gắn liền rơi xuống nền đất.

Vậy mà cành củi khô lạ lùng đó, chỉ dăm ngày sau, nhanh chóng trổ những cánh đào hồng tươi. Vài ngày sau đó, đến khi nó nở thành từng chùm hồng thắm thì cả nhà vui lắm, ba chị em cứ ngẩn người ngắm cành đào bố mua năm đấy. Nhiều năm sau này, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về tuy đào rực rỡ trên mỗi ngôi nhà, con phố, NSND Lê Khanh vẫn không bao giờ quên cây đào của bố năm đấy. Và Tết năm nay, NSND Trần Tiến ra đi vào ngày đầu tiên của năm mới- mồng 1 Tết, cánh đào hồng tươi lung linh trong căn phòng như nụ cười duyên dáng của ông chào tạm biệt các con để đi về một nơi bất tận, xa thật xa…

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/hai-ngoi-sao-lang-le-roi-tet-buon-cua-nganh-san-khau-i682407/