Hai năm xung đột Nga-Ukraine: Đường nào tới hòa bình?

Tại thời điểm xung đột lâm vào thế bế tắc, con đường trung gian hòa giải có thể tạo cơ hội đàm phán để giải quyết xung đột, kiến tạo hòa bình.

Đại diện 83 quốc gia tham gia đàm phán để tìm tiếng nói chung về sáng kiến hòa bình của Ukraine ở Davos, Thụy Sỹ ngày 14/1/2024. (Nguồn: Twitter)

Đại diện 83 quốc gia tham gia đàm phán để tìm tiếng nói chung về sáng kiến hòa bình của Ukraine ở Davos, Thụy Sỹ ngày 14/1/2024. (Nguồn: Twitter)

Xung đột Nga-Ukraine kể từ tháng 2/2022 là cuộc xung đột lớn nhất và kéo dài nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II đến nay, cho thấy mức độ phức tạp, đa chiều, đa tầng nấc, gây thiệt hại to lớn không chỉ với các bên xung đột mà còn với an ninh, thịnh vượng toàn cầu. Xung đột đang bước vào năm thứ ba và chưa có dấu hiệu lắng dịu, nhưng có thể đã tích lũy một số nhân tố điều kiện khiến khả năng đàm phán hòa bình có cơ hội manh nha.

“Thế bế tắc” và “thời điểm chín muồi”

Trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, học giả William Zartman cho rằng việc giải quyết xung đột thành công hay không thành công phụ thuộc vào sáng kiến hòa bình được triển khai tại “thời điểm chín muồi”. Lý thuyết của ông Zartman tập trung phân tích những nhân tố điều kiện xuất hiện trong bối cảnh xung đột khiến vai trò trung gian hòa giải trở nên chín muồi, ví dụ như “thế bế tắc”, tương quan lực lượng đối xứng và lối ra tiềm năng xuất hiện… Lý thuyết này cũng ủng hộ vai trò tích cực của những nhà kiến tạo hòa bình (peacemaker).

Trên thực tiễn, từ giữa năm 2023, cục diện giao tranh bước vào trạng thái giằng co, bế tắc, không có những chuyển biến to lớn, bất ngờ như năm đầu tiên. Cả hai phía Nga và Ukraine đều không đạt được những mục tiêu quân sự có tính đột phá như kỳ vọng. Mấy tháng gần đây, chiến tuyến hầu như không dịch chuyển lớn.

Về kinh tế, những đòn trừng phạt mà các bên áp dụng tuy gây ra hậu quả nặng nề nhưng cũng không đạt được mục tiêu là khiến đối phương thay đổi chính sách thù địch. Nga chuyển đổi thành công nền kinh tế sang mô hình thời chiến, trụ vững trước chính sách bao vây cô lập của phương Tây. Kinh tế châu Âu đứng vững trước các đòn trả đũa của Nga và ngày càng tự chủ về năng lượng, lương thực…

Về chính trị nội bộ, cả Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky đều nhận được sự ủng hộ chính trị trong nước cao hơn thời gian trước đây. Ông Putin dường như không có đối thủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga 3/2024. Ông Zelensky tiếp tục duy trì thiết quân luật, không tổ chức bầu cử theo Hiến pháp vào tháng 3/2024, nhưng không gặp phải sự phản đối nào đáng kể nào từ các phe phái. Tuy vậy, sóng ngầm trong hàng ngũ chính trị, quân đội hai nước vẫn âm ỉ và bộc phát tại nhiều thời điểm nhạy cảm.

Sau hai năm, mặt trận thống nhất các nước phương Tây ủng hộ Ukraine không còn được như trước. Sự mệt mỏi vì xung đột kéo dài, không lối thoát ngày càng lộ rõ. Lợi ích quốc gia của các nước, cuộc đấu tranh chính trị nội bộ, nhất là chính trị bầu cử, đã khiến vấn đề viện trợ và ủng hộ Ukraine gây tranh cãi ở nhiều nước phương Tây, kể cả Mỹ.

2024 - Năm chuyển hướng?

Năm 2024 vốn được mệnh danh là năm bầu cử. Khoảng 50% dân số thế giới tại hơn 60 quốc gia sẽ tham gia bỏ phiếu, trong đó có những quốc gia đóng vai trò quan trọng trong xung đột Nga-Ukraine như Nga, Mỹ, Anh, Phần Lan, Belarus, Moldova, Georgia và Nghị viện châu Âu.

Trong đó, bầu cử tại Mỹ chiếm vị trí trung tâm của sự chú ý, có ảnh hưởng sâu sắc tới xung đột Nga-Ukraine và nhiều vấn đề quan trọng khác của thế giới. Hai ứng cử viên hàng đầu là Tổng thống đương nhiệm Biden và cựu Tổng thống Trump bộc lộ những quan điểm khác nhau trong việc giải quyết vấn đề ở Ukraine.

Các ẩn số khác của năm 2024 không kém phần quan trọng là kịch bản tình hình tại các điểm nóng khác như Israel-Hamas (rộng hơn là tình hình Trung Đông), Eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên. Các cuộc xung đột này đều đã có dấu hiệu nóng lên trong thời gian gần đây, góp phần làm sao lãng sự chú ý của dư luận quốc tế đối với xung đột Nga - Ukraine. Chúng làm phân tán các nguồn lực cũng như sự quan tâm của các chính trị gia hàng đầu vốn đã có quá nhiều vấn đề đối nội, đối ngoại phải ứng phó.

Trên chiến trường, nhiều chuyên gia quân sự cho rằng, năm 2024 là năm củng cố lực lượng hơn là tổ chức tổng phản công, đối với cả Nga và Ukraine. Cả hai phía đều gặp khó khăn lớn về tuyển quân, vũ khí, hậu cần, triển khai chiến dịch… Ukraine vẫn chờ gói viện trợ mới từ cả Mỹ và EU, vốn vẫn đang bị tắc nghẽn trong nội bộ các nước. Do vậy, thế bế tắc về quân sự vẫn tiếp tục được duy trì, các bên tập trung củng cố những khu vực, vị trí đang kiểm soát thay vì tìm cách mở rộng địa bàn hiện trạng.

Như vậy, năm 2024 có thể xuất hiện một số nhân tố điều kiện trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine có thể khiến cho sáng kiến hòa bình nào đó trở nên chín muồi, theo như lý thuyết của William Zartman dự kiến.

Con đường thứ ba: Cho hòa bình một cơ hội!

Dù tình hình giao tranh có diễn biến ra sao, thắng bại có vẻ là điều bất phân định. Cả Nga và Ukraine đều không thể chấp nhận kết cục thất bại và cuộc xung đột có thể kéo dài bất tận giữa hai nước láng giềng. Thực tiễn hai năm qua cho thấy giải pháp quân sự hoặc trừng phạt kinh tế đều không mang lại hòa bình. Một giải pháp “cùng thắng” là tất yếu để kết thúc hoàn toàn xung đột.

Cho đến nay, cả hai bên là Nga và Ukraine vẫn chưa thực sự muốn đi vào đàm phán để giải quyết vấn đề. Bản thân Tổng thống Putin và Tổng thống Zelensky từng nêu một số “điều kiện” và “công thức” để đàm phán hòa bình nhưng bị nhiều chuyên gia đánh giá là khó khả thi. Khả năng đàm phán song phương trực tiếp giữa hai bên xung đột còn xa vời.

Trong bối cảnh đó, dư luận dường như trông đợi vào vai trò trung gian hòa giải của bên thứ ba. Hai năm qua, đã có các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, UAE, Qatar, Nam Phi, Trung Quốc, Pháp, Indonesia, Liên hợp quốc… thúc đẩy các sáng kiến trung gian hòa giải ở nhiều mức độ khác nhau. Một số sáng kiến đã bị Nga hoặc Ukraine phản đối nên coi như thất bại ngay từ đầu. Một số sáng kiến khác đạt được những thành công nhất định trong một số lĩnh vực hạn chế như trao đổi tù binh, xuất khẩu ngũ cốc, viện trợ nhân đạo... Tuy nhiên, chưa có sáng kiến hay nỗ lực trung gian hòa giải nào đạt được thỏa thuận ngừng bắn, chưa nói đến giải quyết xung đột hay giải pháp toàn diện cho vấn đề ở Ukraine.

Ngoài những nguyên nhân về “thế bế tắc” hay “thời điểm chín muồi” đã nói ở trên, còn có nguyên nhân là các bên thứ ba chưa tìm được công thức hoặc lộ trình phù hợp để có thể đáp ứng được lợi ích của tất cả. Bên thứ ba đóng vai trò trung gian hòa giải cần đáp ứng một số tiêu chí như thực sự trung lập trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và có quan hệ tốt với cả hai nước, có chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, có vai trò quan trọng và “đòn bẩy” đối với cả hai bên.

Bước sang năm 2024, niềm hy vọng về một nền hòa bình bền vững cho Ukraine tiếp tục được thắp sáng. Vẫn còn nhiều quốc gia, nhiều tổ chức quốc tế và khu vực thỏa mãn được các tiêu chí cần thiết để trở thành một nước trung gian hòa giải thành công, thể hiện tinh thần tích cực, có trách nhiệm trước thách thức chung của cộng đồng quốc tế.

Việc tìm kiếm một sáng kiến, một lộ trình phù hợp mà các bên xung đột đều chấp nhận được không hề dễ dàng, nhưng là điều cộng đồng quốc tế và người dân Nga cũng như Ukraine đang thực sự trông đợi, để cơ hội cho hòa bình bền vững có thể trở lại với họ.

Nguyễn Nam Dương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hai-nam-xung-dot-nga-ukraine-duong-nao-toi-hoa-binh-261692.html