Hai mặt của đô thị

Quá trình phát triển, sáng tạo và những góc khuất của đô thị ngày nay đã hiện rõ trong 'Metropolis - Lịch sử phát triển đô thị, phát minh lớn nhất của loài người' của Ben Wilson.

 Các siêu đô thị đã tồn tại từ rất lâu và ảnh hưởng lớn tới đời sống, văn hóa con người. Ảnh: Patricktreardon.

Các siêu đô thị đã tồn tại từ rất lâu và ảnh hưởng lớn tới đời sống, văn hóa con người. Ảnh: Patricktreardon.

Cuốn Metropolis - Lịch sử phát triển đô thị, phát minh lớn nhất của loài người của nhà sử học Ben Wilson sẽ đưa độc giả đi qua 26 thành phố lớn - các siêu đô thị của thế giới - cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Qua đó, tác giả vẽ nên bức tranh sống động về 6.000 năm lịch sử của các siêu đô thị (Metropolis) và sự ảnh hưởng của nó đến tiến trình phát triển, sáng tạo của con người.

Với Wilson, mỗi mét vuông của đô thị chính là sự tương tác giữa môi trường, kiến trúc với cư dân sinh sống bên trong. Ông chỉ ra rằng đô thị là một thực thể biến đổi sống động, có khả năng vừa định hình lối sống, tư tưởng của các cư dân bên trong nó, lại vừa có thể thách thức các giá trị và hiểu biết của con người.

Hai mặt của một đồng xu

Nếu may mắn có sức khỏe tốt, cuộc đời của một con người có thể kéo dài khoảng trăm năm. Nhưng với các đô thị, tồn tại được hàng trăm năm không phải vấn đề quá lớn. Đặc biệt, chúng có thể “sống” một thời gian dài với “hệ sức khỏe” đặc biệt, vừa mạnh mẽ lại vừa yếu đuối.

Trong hành trình suốt 6.000 năm lịch sử, các khu dân cư lớn dần phát triển và tạo ra thành phố, tiếp đó là các đô thị rộng lớn - nơi tập trung kinh tế, chính trị, văn hóa có ảnh hưởng trên một vùng rộng lớn. Hàng loạt đô thị như Babylon, Athens, London, Paris, New York, Los Angeles, Lagos đã xuất hiện trong cuốn sách Metropolis - Lịch sử phát triển đô thị, phát minh lớn nhất của loài người của nhà sử học Ben Wilson.

Tác phẩm mang đến cho người đọc góc nhìn đa chiều về đô thị chứ không đơn thuần chỉ là nét hào nhoáng, xa hoa mà người ta vẫn thấy trong các bộ phim bom tấn.

Nếu ví đô thị là một cơ thể sống, sự khỏe mạnh, cường tráng của nó đến từ nền kinh tế phát triển. Tại đây, những doanh nhân, tập đoàn lớn tề tựu lại để cùng tìm ra con đường phát triển nhanh và mạnh nhất. Mà thể hiện rõ nhất cho sự đi lên của kinh tế chính là các tòa tháp chọc trời, các siêu kiến trúc hào nhoáng.

 Tác phẩm của Ben Wilson là hành trình dài lâu với nhiều nấc thang cảm xúc về đô thị. Ảnh: Nhã Nam.

Tác phẩm của Ben Wilson là hành trình dài lâu với nhiều nấc thang cảm xúc về đô thị. Ảnh: Nhã Nam.

Dù ở thời cổ xưa hay hiện đại, kiến trúc vẫn là yếu tố phản ánh sức sống của một đô thị. Nếu Uruk là đại diện đầu tiên được Ben Wilson lựa chọn với nhiều đền, tháp cao, tường thành kiên cố, kênh đào rộng lớn thì tiếp đó, Harappa lại là một đô thị hoàn mỹ với lối kiến trúc quy hoạch đi trước thời đại.

Trái ngược với Harappa, Babylon nổi lên như biểu tượng tối hậu sự nổi loạn với những công trình khổng lồ, hoành tráng mà sau này là đặc trưng cho nền văn minh Lưỡng Hà.

Đến ngày nay, thông qua kiến trúc người ta còn nhìn nhận rõ hơn sự phát triển của một đô thị. New York, London hay Paris, có siêu đô thị nào là không hiện đại với đầy rẫy những tòa nhà chọc trời cùng vô số siêu tổ hợp giải trí, tiện ích nổi trội?

Thực tế, không chỉ có văn hóa, kiến trúc, các đô thị còn ảnh hưởng trực tiếp đến những cư dân tồn tại bên trong nó. Trải qua nhiều cuộc chiến, những vụ khủng bố, biểu tình khiến người dân ở đô thị có xác suất chịu đựng những vấn đề rối loạn tâm trạng và rối loạn bồn chồn cao hơn nhiều so với những người ở nông thôn. Lý do là tại đây, người ta phải tập thói quen đối với vô số áp lực xung quanh, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nhưng trái với các con phố xa hoa nhất sẽ có những khu ổ chuột tồi nhất. Và đó cũng là mặt yếu đuối của đô thị - một cơ thể sống nhiều mâu thuẫn.

Tác giả Wilson viết: “Vào giữa thế kỷ 19, không nơi nào có tỷ lệ tử vong tương đương với những thành phố công nghiệp tồi tàn này (ý chỉ Chicago và Manchester). Từ những năm 1830, dịch tả châu Á đã tàn phá các khu ổ chuột. Năm 1854, có tới 6% dân số Chicago không chống chọi được với dịch bệnh, lần thứ sáu liên tiếp thành phố bị dịch bệnh tàn phá”.

Đô thị là một cơ thể đặc biệt, nó khỏe mạnh bởi được tập trung mọi sự phát triển về cả kinh tế, chính trị, văn hóa, sáng tạo, kỹ nghệ… Nhưng cơ thể đó thật mong manh. Không cần phải chờ đến đại dịch Cái chết đen (vào thế kỷ 14) thì người ta mới nhận ra tuổi thọ của người dân sống ở nông thôn cao hơn 50% so với cư dân thành thị.

Đặc thù về sự tập trung đã khiến mật độ dân số gia tăng chóng mặt trong một khoảng diện tích hạn hẹp của thành phố. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, dịch bệnh và cả tội ác. Kiến trúc Gothic nhìn từ xa có thể rất trang nhã nhưng nếu soi xét tỉ mỉ, đó là những cái bẫy chết người. Tiêu chuẩn vệ sinh kém, sống gần động vật… là nguyên nhân bùng phát của không ít đại dịch.

Điển hình có thể kể đến đại dịch Covid-19 mới xảy ra vài năm gần đây. Virus lây lan với tốc độ chóng mặt, sự nguy hiểm của nó thể hiện ở con số hàng triệu người tử vong do mắc bệnh. Có thể thấy, virus lây lan thông qua các mạng lưới mối quan hệ xã hội phức tạp - đan xen cả bên trong lẫn giữa các đô thị - những mạng lưới khiến nó ngay lập tức trở nên quá mạnh mẽ và nguy hiểm đối với chúng ta.

 Đô thị luôn tồn tại hai mặt "sáng - tối" và nó sẽ luôn phát triển, không ngừng đi lên. Ảnh: N.N.

Đô thị luôn tồn tại hai mặt "sáng - tối" và nó sẽ luôn phát triển, không ngừng đi lên. Ảnh: N.N.

Sức sống bền bỉ của đô thị

Chứa đựng mặt tối là thế nhưng các đô thị chưa bao giờ ngừng đi lên (trừ khi nó bị tàn phá hoàn toàn bởi chiến tranh hoặc thiên tai). Đó cũng là lý do đô thị được ví như những cơ thể sống đặc biệt.

Xuyên suốt lịch sử, đô thị chính là nơi khởi nguồn của các lễ hội rực rỡ sắc màu, những màn trình diễn cộng đồng, những vở kịch, truyện ngụ ngôn bài thơ hay các kiệt tác về hội họa, âm nhạc… Hàng loạt tên tuổi lớn thuộc nhiều lĩnh vực như Leonardo da Vinci, Dante, Boccaccio, Bernt Notke hay các nhà tư tưởng như Thomas Hobbes, Descartes sẽ luôn luôn gắn liền với thời đại.

Có thể thấy, với Metropolis - Lịch sử phát triển đô thị, phát minh lớn nhất của loài người, tác giả Ben Wilson đã dắt người đọc bước đi trên lằn ranh mỏng manh giữa vẻ đẹp và sự xấu xí, niềm vui và nỗi thống khổ cùng hàng loạt những đối nghịch bất thường. Sức sống bền bỉ của các đô thị đã khẳng định chúng là một trong những phát minh vĩ đại nhất của loài người.

Hứa Mộc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-sieu-do-thi-ra-doi-va-hai-mat-cua-dong-xu-post1418650.html