Hài kịch Nhật Bản thăng hoa trong không gian Văn Miếu-Quốc Tử Giám

Hài kịch Kyogen là một món quà tinh thần rất độc đáo mà các nghệ sĩ Nhật Bản dành tặng cho khán giả Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Tối 10/5, khán giả Thủ đô đã được thưởng thức chương trình “Thế giới của hài kịch Kyogen” ngay tại không gian cổ kính của Văn Miếu-Quốc Tử Giám, với tài năng của hai cha con nghệ sĩ Ogasawara Tadashi và Ogasawara Hiroaki.

Là thể loại hài kịch đầu tên ra đời tại Nhật Bản với bề dày truyền thống lịch sử 650 năm, Kyogen đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể và luôn được người Nhật tự hào giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Hai cha con nghệ sĩ Ogasawara Tadashi biểu diễn hài kịch Kyogen tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Lê An)

Hai cha con nghệ sĩ Ogasawara Tadashi biểu diễn hài kịch Kyogen tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: Lê An)

Tâm huyết giữ gìn nghệ thuật truyền thống

Sinh năm 1965, nghệ sĩ Ogasawara Tadashi bước lên sân khấu lần đầu tiên năm 1986. Ông theo học các bậc thầy như nghệ sĩ Nomura Man thế hệ thứ nhất – người được phong tặng danh hiệu “Quốc bảo sống” của Nhật Bản), cố nghệ sĩ Nomara Manzo thế hệ thứ 8, nghệ sĩ Nomura Manzo thế hệ thứ 9.

Là một trong những nghệ sĩ hàng đầu của sân khấu hài kịch Kyogen, Ogasawara Tadashi hoạt động trong nhiều vai trò khác nhau như chỉ đạo diễn xuất nghệ thuật trong các chương trình truyền hình của đài NHK, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Chiba.

Được công nhận danh hiệu “Người bảo tồn tài sản văn hóa phi vật thể quan trọng”, Ogasawara Tadashi nỗ lực giới thiệu kịch Kyogen thông qua các buổi biểu diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Pháp, Italy, Đức, Áo, Brazil, Algeria… Bên cạnh đó, ông mở rộng khuôn khổ của nghệ thuật truyền thống bằng nhiều hình thức như biểu diễn kết hợp cùng các đoàn kịch ngoài nước.

Đặc biệt, con trai ông là nghệ sĩ Ogasawara Hiroaki cũng bước lên sân khấu lần đầu tiên năm 2004 khi mới 3 tuổi. Kể từ đó, anh duy trì đều đặn các hoạt động biểu diễn sân khấu trong và ngoài nước và từng tham gia diễn xuất trong phim truyền hình và phim điện ảnh.

Nghệ sĩ Ogasawara Tadashi cho biết, ông đã đến Việt Nam năm 2022 và có cơ hội tìm hiểu về đời sống tại Việt Nam, nhận ra nhiều điểm chung trong văn hóa, nghệ thuật và nhận thức của người dân hai nước, nên rất vinh dự được biểu diễn phục vụ khán giả trong 3 ngày từ 10-12/5.

Tại buổi diễn đầu tiên tối 10/2, nghệ sĩ đã lựa chọn vở diễn về cây cảnh Bonsai - một chủ để gần gũi với người dân Việt Nam, đồng thời cũng đan xen những câu thoại bằng tiếng Việt. Do đó, khán giả có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ, cảm nhận sức hấp dẫn của Kyogen và nhận được những tràng cười thoải mái.

Nghệ sĩ Ogasawara Tadashi chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Lê An)

Nghệ sĩ Ogasawara Tadashi chia sẻ tại sự kiện. (Ảnh: Lê An)

Đúng như lời nghệ sĩ chia sẻ: “Kyogen là một loại hình nghệ thuật của sự tưởng tượng. Sân khấu của Kyogen không có những đạo cụ cồng kềnh hay chi tiết phức tạp. Khi nghệ sĩ biểu diễn, các khán giả của chúng tôi cũng được phát huy hết trí tưởng tượng phong phú của mình”.

Sự gặp gỡ và kết nối di sản giữa hai nước

Mang loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nhật Bản tới di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nghệ sĩ Ogasawara Tadashi cũng mong muốn cảm nhận không gian nghệ thuật được tạo nên từ sự kết hợp Nhật Bản-Việt Nam.

Dịp này, ông cũng mang theo 20 chiếc mặt nạ Nohgaku - tên gọi của nghệ thuật sân khấu truyền thống Nhật Bản bao gồm kịch Noh và Kyogen. Các tác phẩm độc đáo này do chính Ogasawara Tadashi chế tác được trưng bày tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám trong suốt thời gian diễn ra sự kiện “Thế giới của hài kịch Kyogen”.

Chia sẻ về chương trình, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho rằng người Nhật Bản và Việt Nam có điểm tương đồng là yêu thích sự hài hước. Do đó, Kyogen sẽ mang đến tiếng cười cho khán giả Việt Nam và những người Nhật đang sinh sống tại Thủ đô.

Đại sứ cũng cho biết với tâm huyết giới thiệu nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nhật Bản tới khản giả Việt Nam, cha con nghệ sĩ Ogasawara Tadashi đã đến Việt Nam để khảo sát chuẩn bị chu đáo cho chương trình này.

Đại sứ hy vọng thông qua chương trình các khán giả cũng có thể cảm nhận và khám phá ra những nét tương đồng gần gũi trong văn hóa, nghệ thuật cũng như những nhận thức đối với tự nhiên giữa hai nước.

Khán giả khám phá những chiếc mặt nạ Nohgaku tại không gian triển lãm. (Ảnh: Lê An)

Khán giả khám phá những chiếc mặt nạ Nohgaku tại không gian triển lãm. (Ảnh: Lê An)

Đồng hành cùng Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức sự kiện này, ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám bày tỏ niềm tự hào khi đây là địa điểm diễn ra nhiều sự kiện ngoại giao, văn hóa quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản như chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản năm 2017, trình diễn thư pháp của "Đại sứ giao lưu văn hóa Nhật Bản" Takeda Souun năm 2013...

Theo ông Lê Xuân Kiêu, trình diễn Kyogen tại nơi có 82 bia tiến sĩ triều Lê và triều Mạc có thể ví như một sự gặp gỡ và kết nối di sản giữa hai nước. Ông tin rằng chương trình biểu diễn thú vị và ý nghĩa này sẽ góp phần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, cũng như tăng cường sự giao lưu "từ trái tim đến đến trái tim" giữa người dân hai nước.

Lê An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hai-kich-nhat-ban-thang-hoa-trong-khong-gian-van-mieu-quoc-tu-giam-226681.html