Hai kịch bản để nước Anh kiềm chế lạm phát

Ngân hàng trung ương Anh cho biết, dù điều gì đã xảy ra, kinh tế Anh cũng đang rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài ít nhất là trong năm tới.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở London, Anh. Ảnh: AFP/ TTXVN

Người dân mua sắm tại siêu thị ở London, Anh. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 3/11, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã vẽ hai bức tranh về triển vọng kinh tế Anh. Tuy nhiên, theo nhận định của tờ The Financial Times, cả hai kịch bản này đều ảm đạm, bởi ngay cả trong dự báo ôn hòa nhất của BoE thì Anh cũng đang tiến vào một cuộc suy thoái kéo dài.

Ngân hàng trung ương Anh cho biết, dù điều gì đã xảy ra, kinh tế Anh cũng đang rơi vào một cuộc suy thoái kéo dài ít nhất là trong năm tới. Không giống như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn hy vọng về một kịch bản "hạ cánh mềm" cho kinh tế Mỹ, quan điểm của BoE là tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh đang đối mặt với một triển vọng “rất thách thức”.

Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết, điều này là khó tránh khỏi bởi hiện có “sự khác biệt quan trọng giữa những gì Anh và châu Âu phải đối mặt liên quan đến những cú sốc và những gì Mỹ đang trải qua”.

Châu Âu, không giống như Mỹ, đang vật lộn với giá khí đốt tăng vọt sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

BoE cho rằng lạm phát sẽ duy trì trên 10% trong sáu tháng tới và trên 5% trong cả năm 2023. Tỷ lệ thất nghiệp, hiện ở mức thấp nhất trong 50 năm là 3,5%, sẽ kết thúc vào năm tới ở mức trên 4%. Nếu tất cả tác động này là chung cho cả hai kịch bản của BoE, thì sự khác biệt giữa hai kịch bản là chìa khóa cho thông điệp của ngân hàng trung ương.

Trong kịch bản đầu tiên của BoE - thường được coi là dự báo toàn phần - các dự đoán dựa trên giả định rằng lãi suất đạt đỉnh 5,25% vào năm tới.

Nếu lãi suất cao nhất ở mức này, Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BoE cho rằng rất có thể Anh sẽ phải chịu đựng đến 8 quý suy thoái kinh tế. Đây sẽ là cuộc suy thoái dài nhất kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 6,4%. Điều này sẽ đè nặng lên lạm phát, đẩy chỉ số này giảm xuống 0 vào cuối năm 2025.

Kịch bản thay thế của BoE - vốn thường được ẩn trong các tài liệu dự báo của ngân hàng trung ương - rằng lãi suất không đổi ở mức hiện tại là 3% đã được ông Bailey và nhóm của ông đưa ra với nhiều điểm nổi bật hơn trong các bài thuyết trình.

Theo dự đoán này, sản lượng sẽ vẫn giảm, nhưng chỉ giảm khoảng một nửa so với kịch bản đầu tiên, dẫn đến suy thoái nhẹ theo tiêu chuẩn lịch sử. Lạm phát sẽ giảm xuống 2,2% trong thời gian hai năm, trước khi trượt xuống dưới mục tiêu của BoE. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, nhưng chỉ ở mức 5,1%.

Nhiều nhà kinh tế cho biết kịch bản thay thế của BoE cho thấy một tín hiệu rõ ràng rằng ngân hàng này sắp hoàn thành việc tăng lãi suất. Lãi suất hiện tại ở Anh đã tăng từ mức 0,1% của một năm trước lên 3% - mức cao nhất kể từ năm 2008.

Ông Kallum Pickering, chuyên gia kinh tế học tại ngân hàng Berenberg, cho biết suy thoái quá mức cần thiết trong kịch bản đầu tiên của BoE có nghĩa là ngân hàng trung ương "có thể cần phải làm nhiều hơn”.

Khi được hỏi tình huống nào trong hai kịch bản mà BoE cho rằng có nhiều khả năng xảy ra hơn, ông Bailey không nói cụ thể. Ông nói rằng mặc dù không có dự đoán nào là chính xác nhưng rủi ro chính là lạm phát sẽ vẫn cao hơn dự báo trung tâm trong cả hai kịch bản của BoE.

Rủi ro chính đối với BoE là tăng trưởng tiền lương có thể dễ dàng ở mức cao hơn mong muốn, với việc các công ty có thể tăng giá bán.

Ông Ruth Gregory, chuyên gia kinh tế học tại Capital Economics, cho biết nhiều bản điều chỉnh kỳ vọng của BoE về lãi suất tương lai trong năm qua cho thấy lạm phát có thể chứng tỏ đã dai dẳng hơn kỳ vọng. Kỳ vọng của thị trường đối với chính sách tiền tệ trong tương lai sẽ thay đổi và ông Bailey rất muốn nhấn mạnh điều gì sẽ dẫn dắt các quyết định của BoE trong những tuần tới.

Ông nói, quan trọng nhất sẽ là diễn biến của các dữ liệu kinh tế, đặc biệt là tiền lương và chiến lược định giá của các công ty. Nếu những áp lực đối với các lĩnh vực này giảm xuống, BoE sẽ cảm thấy ít cần phải tăng lãi suất hơn.

Trong khi đó, sự biến động của giá năng lượng bán buôn cũng sẽ rất quan trọng và BoE hy vọng rằng mức giá này sẽ giảm hơn nữa.

Yếu tố quan trọng khác sẽ là tuyên bố mùa Thu của Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt vào ngày 17/11. Nếu Chính phủ Anh tiến hành cắt giảm chi tiêu công ngay lập tức và tăng thuế để lấp đầy lỗ hổng tài chính công, nền kinh tế sẽ suy giảm hơn nữa và áp lực khiến BoE tăng lãi suất sẽ “hạ nhiệt”.

Phó Thống đốc BoE Ben Broadbent đề xuất rằng bất kỳ hành động tài khóa nào của chính phủ sẽ cần phải xảy ra “trong tương đối gần” để tác động đến các quyết định lãi suất của ngân hàng trung ương./.

Vân Hải (P/v TTXVN tại London)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hai-kich-ban-de-nuoc-anh-kiem-che-lam-phat/264684.html