Hai chuyến bay liên tiếp bị 'dập đuôi' vì phần mềm lỗi

Phi công đột nhiên nhận thấy máy bay rung lắc như bị va đập nhẹ, còn các hành khách ở khoang cuối lại nghe thấy tiếng cạch cạch kỳ lạ.

 “Dập đuôi” là sự cố thường xuyên xảy ra trong hàng không nhưng hai sự kiện này lại rất bất bình thường. Ảnh: Captain Airplane.

“Dập đuôi” là sự cố thường xuyên xảy ra trong hàng không nhưng hai sự kiện này lại rất bất bình thường. Ảnh: Captain Airplane.

Vào một buổi sáng cuối tháng 1, 2 chuyến bay của Alaska Airlines đi từ Seattle đến Hawaii đã gặp sự cố trong cùng một ngày. Chỉ 6 phút sau khi khởi động động cơ, phi công của cả hai chuyến bay đột nhiên nhận thấy máy bay rung lắc như bị va đập nhẹ, còn các hành khách ở khoang cuối lại nghe thấy tiếng cạch cạch kỳ lạ.

Nguyên nhân là khi phần đầu máy bay bắt đầu rời mặt đất, phần đuôi đập xuống, cọ xát với mặt đất. Cuối cùng, cả 2 chuyến bay phải quay đầu ngay lập tức và đáp cánh ở sân bay quốc tế Seattle-Tacoma.

Hãng hàng không hoãn toàn bộ chuyến bay trong ngày

Cụ thể, sự cố đầu tiên diễn ra với chiếc máy bay Boeing MAX 9 mang mã số 801 đi đến Big Island, Hawaii vào lúc 8h48 (giờ địa phương). Sự cố tiếp theo diễn ra ngay sau đó, vào lúc 8h54 (giờ địa phương) với chiếc Boeing 737-900ER đi đến Honolulu.

Theo Gizmodo, trong lĩnh vực hàng không, “dập đuôi” là sự cố thường xuyên xảy ra khi đuôi máy bay đập xuống mặt đường băng. Thông thường, các trường hợp máy bay bị dập đuôi xảy ra trong quá trình cất cánh, hạ cánh và không nguy hiểm. Tuy nhiên, sự kiện hai chiếc máy bay bị “dập đuôi” trong cùng một ngày ở Seattle rất bất bình thường.

Bret Peyton, Giám đốc vận hành của hãng bay Alaska Airlines, đã nhanh chóng yêu cầu hoãn tất cả chuyến bay trong hệ thống trên quy mô toàn quốc nếu chưa cất cánh. “Với 2 sự cố xảy ra liên tiếp như vậy, tôi bắt buộc phải ngừng lại mọi hoạt động”, ông Peyton nói.

Chiếc Boeing 737 gặp sự cố. Ảnh: Captain Airplane.

Nhưng may mắn là tình trạng đóng băng hoạt động chỉ kéo dài 22 phút. Các nhân viên của hãng hàng không Alaska Airline đã nhanh chóng tìm ra nguyên nhân sự cố nằm ở lỗi phần mềm hệ thống đã gửi nhầm thông tin trọng tải cất cánh cho phi hành đoàn. Dữ liệu này liên quan đến kết cấu hoặc các giới hạn khác của máy bay, giúp phi công cất cánh đúng cách.

Phần mềm tính toán nhầm, khiến phi công cất cánh quá sớm

Cụ thể, một phần mềm gửi thông tin về trọng tải và độ thăng bằng của máy bay có tên DynamicSource của Thụy Điển đã gặp lỗi trong quá trình hoạt động. Theo lý thuyết, nó sẽ gửi những thông tin như số người trên máy bay, không gian trống, trọng lượng rỗng và điểm trung tâm trọng lực của máy bay.

Những thông tin này giúp phi công xác định lực đẩy của động cơ và tốc độ máy bay cần đạt để cất cánh. Trong trường hợp này, cả hai chuyến bay đều kín chỗ ngồi, rất nhiều hành lý nên trọng tải rất lớn. Tuy nhiên, DynamicSource đã gửi thông tin sai, khiến họ tính toán nhầm trọng tải của máy bay.

Trưởng đoàn Alaska 737 cho biết phần mềm đã tính toán sai trọng tải, nhẹ hơn 9.000-13.000 kg so với thực tế. Với một chiếc máy bay nặng khoảng 77.000 kg, nhầm lẫn này đã đủ để làm sai lệch tính toán lực đẩy và tốc độ cần có.

Do đó, cả hai chuyến bay đều đã cất cánh với ít nguồn nhiên liệu và tốc độ chậm hơn mức quy định. Thông tin về trọng tải sai cũng khiến phi công điều khiển đầu máy bay rời đường băng quá sớm. Với lượng hành khách lớn ở khoang cuối, cả hai chiếc MAX 9 và 737-900ER đều dễ có nguy cơ bị “dập đuôi” nếu phần đầu máy bay rời mặt đất quá sớm.

 Phần đuôi máy bay đập xuống đường băng vì cất cánh quá sớm nhưng may mắn là đã kịp thời quay đầu. Ảnh: AP.

Phần đuôi máy bay đập xuống đường băng vì cất cánh quá sớm nhưng may mắn là đã kịp thời quay đầu. Ảnh: AP.

Hãng Alaska Airline cho biết trong số 727 chuyến bay khởi hành cùng ngày, chỉ có 30 chuyến bị lỗi thông tin và duy nhất 2 chuyến bay đến Hawaii là gặp trường hợp “dập đuôi”.

Biết được vấn đề, hãng bay đã nhanh chóng giải quyết sự cố và quay lại hoạt động như bình thường. Hai máy bay MAX 9 và 737-900ER cũng trở lại hoạt động và khởi hành vào lúc 12h30 (giờ địa phương) cùng ngày.

Theo Seattle Times, sự cố phần mềm đã được phát hiện nhanh chóng vì một số thành viên trong phi hành đoàn đã nhận thấy thông tin về trọng tải thiếu hợp lý và đề xuất xác thực chúng.

Sau sự cố, hãng Alaska Airline đã yêu cầu tất cả phi công mỗi khi nhận thông tin từ phần mềm DynamicSource cần kiểm tra kỹ lưỡng thêm một lần nữa cho mọi số liệu. Nếu thông tin có vấn đề, các phi công có quyền yêu cầu dữ liệu từ trung tâm kiểm soát. “Nhưng thông thường 99,8% dữ liệu đều chính xác”, trưởng đoàn Alaska Airline cho biết.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-chuyen-bay-lien-tiep-gap-su-co-dap-duoi-vi-phan-mem-loi-post1406668.html