Hai bộ phận bẩn của cá dễ bị bỏ quên khi chế biến

Khi chế biến cá, người dân thường mổ bóc ruột, mang, đánh vảy. Tuy nhiên, lớp nhầy trên da và màng đen trong bụng cá cũng là nơi ẩn chứa nhiều vi khuẩn cần được loại bỏ.

Nếu mua cá đã đánh vảy, tôi chỉ rửa lại với nước sạch trước khi chế biến. Gần đây, hàng xóm mách khi chế biến cá cần bỏ thêm lớp nhầy trên da vì đây là ổ vi khuẩn, điều này có đúng không? Xin chuyên gia tư vấn (Thu Hương, Hà Đông, Hà Nội).

Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội), tư vấn:

Các loại cá có vảy thường được sơ chế như mổ bỏ ruột, đánh vảy, bóc mang. Việc bạn chỉ rửa qua nước thông thường sẽ chưa đảm bảo thịt cá ngon, sạch. Bạn cần loại bỏ lớp nhầy trên da và màng đen trong bụng cá. Đây là hai bộ phận bẩn nhưng ít người để ý, thường bỏ qua khi sơ chế.

Sau khi đánh vảy, bạn cần bỏ lớp nhày trên da cá. Ảnh: Cooky.vn

Lớp nhầy trên da cá là nơi trú ngụ của vi khuẩn. Nếu không được làm sạch, lớp nhầy còn làm tăng độ tanh khi ăn cá. Vì vậy, bạn nên rửa sạch cá với nước chanh hoặc giấm. Khi da cá hết nhớt bạn mới chế biến món ăn.

Ngoài ra, bụng cá còn lớp màng đen có tác dụng bảo vệ phần nội tạng. Lớp màng là nơi tích tụ nhiều chất độc hại trong quá trình sinh trưởng của cá. Khi chế biến, bạn phải làm sạch, lọc bỏ lớp màng giúp thịt cá không còn hôi, tanh.

Thịt cá chứa nhiều protein, omega, DHA... Mỗi loại cá có giá trị dinh dưỡng khác nhau và đều là thực phẩm tốt cho đối tượng nhất là người già, trẻ nhỏ. Do đó, bạn nên bổ sung 2-3 bữa cá mỗi tuần.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hai-bo-phan-ban-de-bi-bo-quen-khi-che-bien-ca-gay-mui-tanh-va-chua-vi-khuan-2273582.html