Hai 'anh tài' trong dòng máy bay chiến đấu nổi tiếng của Nga

Trong số các khí tài được Nga sử dụng cho chiến dịch tấn công quân sự ở Ukraine có hai mẫu máy bay chiến đấu lợi hại là Su-27 SK và Su-35.

Tiêm kích Su-27 SK

Tiêm kích Su-27 SK. Ảnh: aerocontact.com

Là một sản phẩm của Phòng thiết kế Sukhoi, chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 đầu tiên của Liên Xô thực hiện chuyến bay thử đầu tiên vào tháng 5/1977. Chiếc máy bay mang ký hiệu T-10-1 này chính là tiền thân của dòng máy bay chiến đấu Su-27, từ năm 1984 đến nay được nhà máy sản xuất máy bay mang tên Yu. A. Gagarin ở Komsomolsk-on-Amur (KnAAPO) sản xuất hàng loạt và trang bị cho không quân Liên Xô trước đây, Nga ngày nay và xuất khẩu.

Từ giữa những năm 2000, với yêu cầu mới về cả kỹ-chiến thuật và công nghệ, các máy bay Su-27 bắt đầu được hiện đại hóa. Ở phiên bản Su-27SK, bên cạnh nhiệm vụ tiêm kích, máy bay được nâng cấp, cải tiến để nâng cao hiệu suất chiến đấu trong chế độ không đối không và tăng cường năng lực đất đối đất. Trong đó, đáng chú ý có:

Nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực, tăng cường năng lực giao chiến với các mục tiêu trên không, trên mặt đất và trên biển;

Buồng lái kiểu mới với hiển thị tinh thể lỏng (LCD/Liquid Crystal Display) đa năng;

Nâng cấp bộ thiết bị đạo hàng tích hợp với các hệ thống đạo hàng vệ tinh Glonass và Navstar;

Hệ thống ngắm bắn có chế độ phụ, dùng cho tên lửa không đối đất có đầu tự dẫn bán laser bán chủ động;

Tự động nhập dữ liệu phi vụ vào các khối thiết bị điện tử; có hệ thống tiếp liệu trên không;

Mang nhiều loại vũ khí không-không và không-đất, trong đó có nhiều tên lửa với các hệ dẫn khác nhau có năng lực tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất và trên mặt biển.

Bộ vũ khí của Su-27SK được bổ sung đáng kể. Ngoài các tên lửa tầm trung R-27 ER1, R-27 T1 và tên lửa tầm gần R-73E, máy bay còn có thể mang tới 6 tên lửa không đối không tầm trung dẫn bằng radar chủ động RVV-AE.

Về mặt không đối đất, máy bay Su-27SK được lắp 4 tên lửa tầm gần Kh-29T và Kh-29L có đầu tìm vô tuyến và laser; 4 tên lửa KAB 500 kg dẫn bằng vô tuyến hoặc 1 tên lửa KAB-1500. Để chống radar, máy bay còn được trang bị 4 tên lửa mang đầu tìm radar thụ động Kh-31P và 4 tên lửa đối hạm dẫn bằng laser chủ động Kh-31 A.

Máy bay chiến đấu đa năng Su-35

Chiến đấu cơ đa năng Su-35. Ảnh: Military Watch

Từ đầu những năm 1980, Phòng thiết kế Sukhoi bắt đầu phát triển biến thể mới của máy bay Su-27, tên mã Su-27M, với đặc trưng có thêm bào khí ở phía mũi máy bay. Đây chính là nền tảng công nghệ của máy bay Su-35 sau này, cũng được chế tạo tại KnAAPO.

Là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4, Su-35 sử dụng 2 động cơ AL-41F-1S (mạnh hơn động cơ AL-31F lắp trên Su-27), giúp tăng cả lực đẩy đốt sau và không đốt sau, nâng trọng lượng cất cánh tối đa của máy bay lên 34,5 tấn; tầm bay thực tế khi không cần tiếp nhiên liệu là 3.600 km. Radar mạng pha Irbis-E trên máy bay bảo đảm phát hiện và khóa các mục tiêu trên không ở khoảng cách 200 km, trong một số điều kiện lên đến 350-400 km.

Hệ thống điều khiển kỹ thuật số của Su-35 cung cấp khả năng hoạt động trên không cho một nhóm tác chiến lên đến 16 máy bay. Tất cả các máy bay chiến đấu này đều có thể trao đổi dữ liệu ở chế độ tự động và phân phối mục tiêu.

Theo trang tin RT, xét về đặc điểm, Su-35 là máy bay thế hệ thứ 4, song có nhiều tính năng gần giống với máy bay thế hệ thứ 5. Điểm khác biệt cơ bản của máy bay này là ở hình dáng của thân sau, diện tích bánh lái rộng hơn và cánh dày hơn để có thể đặt thêm 2 điểm treo đạn. Máy bay có thể được sử dụng để tiêu diệt nhiều loại mục tiêu, như các cơ sở hạ tầng quân sự, các mục tiêu được bảo vệ bởi hệ thống phòng không hiện đại hay các phương tiện trinh sát đường không của đối phương.

Ngoài đạn chống radar và tên lửa không đối không, Su-35 còn được trang bị bom và vũ khí dẫn đường không đối đất và đạn không điều khiển thuộc dòng S-8, S-13, S-25. Đặc biệt, trên giá treo của Su-35 có tên lửa chống radar tốc độ cao Kh-31P và tên lửa không đối không tầm trung R-77.

Tên lửa Kh-31P có trọng lượng 600 kg, đầu đạn phân mảnh nổ cao nặng 87 kg, có 3 modul đầu dẫn radar thụ động (GOS) có thể hoán đổi cho nhau và có thể bao phủ toàn bộ dải tần của mục tiêu radar. Kh-31P có tầm bắn tối đa 110 km, độ cao từ 100 m đến 15.000 m. Việc tìm kiếm mục tiêu được thực hiện bởi hệ thống trinh sát điện tử của máy bay hoặc thiết bị tìm kiếm của Kh-31P. Sau khi phát hiện mục tiêu, phi công điều chỉnh đường bay cho phù hợp và nhập dữ liệu chỉ định mục tiêu vào tên lửa.

Còn R-77 là một biến thể của tên lửa K-77, trọng lượng 190 kg, đầu đạn nặng 22,5 kg, tầm bắn 110 km, có thể đạt tốc độ 4-4,5 Mach, độ cao bay đánh trúng mục tiêu từ 20 m đến 25.000 m.

Được triển khai chiến đấu ở các vị trí bay thấp, trung bình và cao, máy bay Su-35 nổi bật nhờ hiệu quả cao trong không chiến tầm xa, tầm bao quát rộng-có thể đồng thời nhiều mục tiêu.

Nguyên Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/hai-anh-tai-trong-dong-may-bay-chien-dau-noi-tieng-cua-nga-824223.html