Hai 'an toàn'ở các doanh nghiệp

BẮC GIANG - "An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn" là phương châm được các đơn vị, doanh nghiệp (DN) hướng đến trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ bảo đảm sự tăng trưởng lâu dài của DN mà còn bảo đảm phát triển kinh tế bền vững. Do đó thời gian qua, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư, cải thiện điều kiện làm việc, coi trọng xây dựng môi trường an toàn trong sản xuất. Từ đó, tạo thói quen làm việc khoa học, giúp người lao động (NLĐ) bảo đảm sức khỏe, nâng cao năng suất lao động.

Nhiều cách làm hiệu quả

Tại Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (Lạng Giang), thứ Tư hằng tuần được chọn là “Ngày an toàn tại LGG”. Trong ngày này, các đoàn kiểm tra của Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của công ty kiểm tra, đánh giá công tác ATVSLĐ tại tất cả các bộ phận, xưởng sản xuất. Trên cơ sở các tiêu chí đề ra sẽ chấm điểm, làm căn cứ để khen thưởng, xử phạt trong việc thực hiện các quy định. Các phân xưởng chấp hành nghiêm, không để xảy ra tai nạn, sự cố lao động được thưởng hằng tháng và duy trì sự an toàn càng lâu, mức thưởng càng lớn.

Công nhân bộ phận cắt Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG nghiêm túc sử dụng găng tay sắt trong vận hành máy.

Ông Lưu Tiến Chung, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: "Bên cạnh bảo đảm việc làm, thu nhập cho khoảng 7 nghìn công nhân, việc cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ luôn được ban lãnh đạo công ty đặt lên hàng đầu. Chỉ khi môi trường sản xuất an toàn, chế độ lao động phù hợp, NLĐ mới nhanh tái tạo sức lao động để làm ra những sản phẩm tốt. Vì vậy, hằng năm, công ty chi hơn 1 tỷ đồng để lắp mới, thay thế các máy hút, lọc bụi công suất lớn, giúp làm sạch, hạn chế tối đa bụi vải trong không khí; việc lắp trần chống nóng, giàn lạnh, quạt thông gió được thực hiện tại các xưởng". Nhờ đó, không gian làm việc tại công ty, nhất là trong các dây chuyền may đã cải thiện đáng kể, làm giảm độ nóng và bụi.

Để cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn lao động cho công nhân, mỗi năm một lần, DN phối hợp với lực lượng công an tổ chức huấn luyện, diễn tập về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ; thực hiện quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ đầy đủ cho NLĐ. Nhờ vậy, từ khi thành lập đến nay, trong công ty chưa xảy ra vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng nào.

Là DN sản xuất vật liệu xây dựng, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong vận hành máy móc, thiết bị nên hằng năm, Công ty cổ phần sông Cầu Hà Bắc, phường Quang Châu (Việt Yên) chi hơn 100 triệu đồng để mua sắm đồ bảo vệ cá nhân cho NLĐ. Ở những bộ phận đặc thù cần kính hàn, găng tay cách điện, mặt nạ phòng độc chuyên dụng đều được công ty rà soát và trang bị đầy đủ. Đặc biệt, với khẩu hiệu “Mỗi NLĐ là một an toàn viên”, DN thành lập mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở cả 5 phân xưởng với 10 an toàn viên là công nhân nòng cốt tham gia.

Mỗi thành viên trở thành “tuyên truyền viên” tích cực, thường xuyên nhắc nhở NLĐ tuân thủ các quy định về an toàn trong quá trình vận hành máy móc, sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ, đề phòng các yếu tố nguy hiểm. Anh Nguyễn Văn Tuấn, an toàn viên Phân xưởng Xi măng chia sẻ “Định kỳ 2 lần/ngày, chúng tôi thực hiện nghiêm lịch kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn tại mỗi bộ phận sản xuất. Với các thiết bị yêu cầu nghiêm ngặt khi vận hành yêu cầu công nhân thao tác đúng quy trình. Nếu phát hiện nguy cơ mất an toàn sẽ yêu cầu công nhân dừng thao tác, báo ngay với lãnh đạo công ty để xử lý kịp thời. Sau giờ làm việc, nhắc nhở công nhân dành 5 phút vệ sinh máy móc, khu vực làm việc sạch sẽ trước khi giao ca”.

Được biết năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức, hướng dẫn huấn luyện ATVSLĐ cho hơn 111 nghìn lượt người sử dụng lao động, cán bộ phụ trách công tác ATVSLĐ, NLĐ tại 381 DN, hợp tác xã. Cùng đó, 656 DN tự tổ chức huấn luyện an toàn cho NLĐ theo quy định. Các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn tỉnh trích kinh phí gần 14 tỷ đồng trang bị phương tiện bảo hộ, đầu tư nâng cấp dây chuyền công nghệ, cải thiện môi trường làm việc...

Nâng cao nhận thức về ATVSLĐ

Dù đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên qua kiểm tra của ngành chức năng cho thấy vẫn có tình trạng DN chưa có thiết bị an toàn, trang bị phương tiện bảo hộ không tốt, chưa thực hiện huấn luyện hoặc huấn luyện ATVSLĐ không đầy đủ; thiếu nghiêm túc trong xây dựng phương án phòng ngừa sự cố trong sản xuất… Chính vì thế, theo thông tin từ LĐTBXH, năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 155 vụ TNLĐ, làm chết 5 người và bị thương nặng 29 người, tập trung chủ yếu ở ngành sản xuất linh kiện điện tử, cơ khí, xây dựng, dệt bao bì.

Hằng năm, Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG tổ chức huấn luyện ATVSLĐ; phòng, chống cháy nổ, bảo đảm sản xuất an toàn.

Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ, làm 1 người bị thương nặng, 4 người bị thương nhẹ. Cũng theo Sở LĐTBXH, con số nói trên chưa phản ánh hết thực tế bởi có một số DN, địa phương không báo cáo đầy đủ vụ việc hoặc các vụ tai nạn ở các công trình xây dựng dân sinh, không có hợp đồng lao động nên rất khó để thống kê chính xác. Phân tích nguyên nhân các vụ TNLĐ nặng, chết người, ngoài lỗi chủ quan của NLĐ thì có đến gần 50% do DN không bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn cho NLĐ.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ nên nhiều DN đã quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, nhắc nhở NLĐ nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm quy trình sản xuất. Điển hình như: Công ty cổ phần Alpha (Khu công nghiệp (KCN) Đình Trám) lắp đặt hệ thống bảng nội quy vận hành máy móc ở nhiều nơi, gắn với từng bộ phận sản xuất để công nhân dễ theo dõi, thực hiện; Công ty TNHH Nichirin Việt Nam (KCN Quang Châu) yêu cầu NLĐ tuân thủ nghiêm các quy định về tác phong, trang phục gọn gàng mới được phép vào khu vực sản xuất; Công ty cổ phần May Tiên Lục (Lạng Giang) duy trì mô hình 5S, mỗi 2 giờ nhắc nhở công nhân vệ sinh khu vực làm việc một lần.

Tháng Hành động về ATVSLĐ năm nay (tháng 5) được phát động với chủ đề: “Tăng cường bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Sở LĐTBXH sẽ chủ động phối hợp với tổ chức công đoàn, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực vào cuộc, tổ chức thanh tra, kiểm tra, yêu cầu chủ sử dụng lao động quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho NLĐ; chú trọng công tác tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ. Từ đó, xây dựng môi trường làm việc an toàn để công nhân phát huy năng lực, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.

Tháng Hành động về ATVSLĐ năm nay (tháng 5) được phát động với chủ đề: “Tăng cường bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Bám sát kế hoạch tổ chức, đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước về ATVSLĐ, hạn chế tối đa TNLĐ, theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH, đơn vị sẽ chủ động phối hợp với tổ chức công đoàn, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực vào cuộc, tổ chức thanh tra, kiểm tra, yêu cầu chủ sử dụng lao động quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho NLĐ; chú trọng công tác tập huấn, huấn luyện ATVSLĐ, nhất là thực hiện nghiêm quy trình vận hành máy móc, thiết bị, kỹ năng làm việc, xử lý sự cố bất ngờ ở những ngành nghề sản xuất độc hại, nguy hiểm… Từ đó, xây dựng môi trường làm việc an toàn để công nhân phát huy năng lực, thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.

Bài, ảnh: Tường Vi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/hai-an-toan-o-cac-doanh-nghiep-101349.bbg