Hạ viện Pháp thông qua dự luật hạn chế thời trang nhanh

Hạ viện Pháp đã thông qua dự luật hạn chế thời trang nhanh nhằm giảm thiểu tác động của chúng đối với môi trường. Động thái này khiến Pháp trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới nhắm đến dòng hàng may mặc sản xuất hàng loạt, giá rẻ…

Sự phát triển của ngành may mặc theo hướng thời trang không bền vững, kết hợp với số lượng tăng và giá thấp, đang ảnh hưởng đến thói quen mua hàng của người tiêu dùng bằng cách tạo ra các xung lực mua hàng và nhu cầu đổi mới liên tục. Tình trạng này khiến cho ngành công nghiệp thời trang trở thành một trong những ngành thải ra lượng khí thải nhà kính lớn nhất thế giới. Do đó, Pháp đang tìm cách giảm sức hấp dẫn của các mặt hàng thời trang nhanh, tạo tiền lệ trong cuộc chiến chống suy thoái môi trường mà chúng gây ra.

Nguồn: ITN

Bộ trưởng Bộ Môi trường Pháp Christophe Bécu nhận định rằng, dự luật là một bước tiến lớn trong nỗ lực giảm ảnh hưởng tới môi trường của ngành dệt may. Dự luật này được đưa ra trong bối cảnh Bộ Môi trường Pháp sẽ đề xuất lệnh cấm xuất khẩu quần áo đã qua sử dụng của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giải quyết vấn đề rác thải dệt may ngày càng trầm trọng. Các nhà lập pháp đang kêu gọi tăng dần các hình phạt lên tới 10 Euro (11 USD) cho mỗi mặt hàng quần áo đến năm 2030, đồng thời cấm quảng cáo các sản phẩm này.

Dự luật của Pháp mở đường cho hành động trong tương lai, bao gồm đề xuất cấm xuất khẩu quần áo đã qua sử dụng trên toàn EU để giải quyết vấn đề rác thải dệt may ngày càng gia tăng. Động thái này nhằm mục đích thúc đẩy ngành hướng tới các hoạt động bền vững hơn, khuyến khích tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Nổi tiếng với các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton và Chanel của LVMH, Pháp đã chứng kiến phân khúc thị trường cấp thấp của mình bị ảnh hưởng do sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà bán lẻ thời trang nhanh như Zara, H&M và các cường quốc mới nổi của Trung Quốc như Shein và Temu. Thông qua dự luật mới, Pháp cũng hướng tới tạo ra một sân chơi bình đẳng và thúc đẩy bối cảnh thời trang bền vững hơn.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất như Shein đã phản bác lại những lời chỉ trích liên quan đến mô hình kinh doanh của họ, mặc dù nhanh chóng, nhưng vẫn giữ tỷ lệ hàng may mặc tồn kho ở mức rất thấp, đồng thời khẳng định điều này góp phần giảm thiểu rác thải.

Năm 2023, Pháp đã đưa ra chương trình khuyến khích người dân sửa và tái sử dụng quần áo và giày dép cũ thay vì vứt chúng đi. Chính phủ Pháp cam kết chi 154 triệu Euro cho sáng kiến này, hoàn trả cho người mua hàng số tiền lên tới 25 Euro cho mỗi sản phẩm may mặc họ đã sửa chữa. Nhóm phi lợi nhuận Refashion được giao thực hiện kế hoạch này cho biết, thị trường Pháp có 3,3 tỷ mặt hàng quần áo, đồ vải lanh gia dụng và giày dép đã được bán ra vào năm 2022. Vào thời điểm đó, Bộ Sinh thái nước này cho biết, người dân Pháp đã vứt đi 700.000 tấn quần áo, và 2/3 trong số đó được đưa vào bãi rác mỗi năm.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/ha-vien-phap-thong-qua-du-luat-han-che-thoi-trang-nhanh--i363188/