Hà Tĩnh phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm từ sớm, từ xa

Từ đầu năm đến nay, nhiều tỉnh, thành trong cả nước ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do bệnh truyền nhiễm. Với mục tiêu không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, ngành Y tế Hà Tĩnh đã và đang chủ động, tăng cường các biện pháp phòng, chống từ sớm, từ xa và ngay tại cơ sở.

Thời gian qua, dịch bệnh truyền nhiễm vẫn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp, khó lường; các dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, hoa gà, gia tăng đáng kể. Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là rất lớn.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Tĩnh, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay cơ bản vẫn đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát.

Trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 35 trường hợp sốt ban nghi sởi, trong đó 12 trường hợp được xác định dương tính virus sởi (Elisa), 2 trường hợp ho gà, 1 trường hợp rubella, 10 trường hợp sốt xuất huyết vãng lai. Đặc biệt đã xuất hiện ổ dịch tại thị trấn Đức Thọ với 11 ca dương tính sởi. Đến nay, đã được kiểm soát hoàn toàn, hơn 20 ngày không ghi nhân ca mắc mới.

Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát công tác phòng dịch sởi tại trường học ở Đức Thọ.

Ngay khi xác định chùm ca bệnh sởi, Sở Y tế Hà Tĩnh chỉ đạo CDC phối hợp Trung tâm Y tế huyện Đức Thọ nhanh chóng tổ chức giám sát điều tra dịch tể, thu dung bệnh nhân điều trị, tuyên truyền, khuyến cáo giáo viên và học sinh đeo khẩu trang với các trường, lớp có học sinh mắc sởi, khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ lớp học.

Bác sĩ Võ Hoài An, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Thọ cho biết, tất cả ca bệnh đều không xuất hiện biến chứng nặng, địa bàn huyện cũng chưa hình thành ổ dịch nào thêm.

"Hiện tại ngành y tế địa phương đang tích cực điều tra, giám sát. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh sởi và các dịch bệnh truyền nhiễm khác như ho gà, rubela, thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng… để phòng tránh dịch bệnh một cách hiệu quả", Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Thọ cho hay.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc CDC Hà Tĩnh, mặc dù dịch bệnh đang được kiểm soát tốt, nhưng hiện nay, đang trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi thất thường, làm cơ thể giảm sức đề kháng, gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt đối với các bệnh lây qua đường hô hấp. "Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chúng tôi tiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình; thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo tình hình dịch, chuẩn bị sẵn sàng các phương án.

Tăng cường giám sát chủ động các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại cơ sở y tế, trường học, cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên. Từ đó, có biện pháp cách ly, thu dung và điều trị kịp thời, cấp cứu bệnh nhân, xử lý ổ dịch, hạn chế lây lan, không để dịch bệnh lan rộng, bùng phát", Thạc sĩ Nguyễn Chí Thanh thông tin.

Cán bộ Y tế lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh.

Tiến sĩ Đường Công Lự, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, để chủ động phòng chống bệnh các dịch bệnh truyền nhiễm khác như ho gà, thủy đậu… tiêm chủng là một trong những giải pháp hiệu quả nhất. Thời gian qua ngành y tế Hà Tĩnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của vaccine và lợi ích của tiêm chủng.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng thời gian gần đây thấp hơn những năm trước. Nguyên nhân được xác định là do sự tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và tình trạng thiếu hụt cục bộ một số loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn quốc.

"Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Tĩnh cơ bản thiếu hụt vaccine 5 trong 1 sử dụng cho trẻ dưới 1 tuổi. Từ đó, nhiều trẻ em không được tiêm vaccine phòng bệnh theo đúng lịch, đủ liều. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền được bảo vệ sớm của trẻ, mà còn làm giảm tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, tiểm ẩn nguy cơ cao các bệnh truyền nhiễm có thể xuất hiện và bùng phát thành dịch trong cộng đồng", Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho hay.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh , đơn vị đã có văn bản chỉ đạo các địa phương thường xuyên rà soát và làm tốt công tác quản lý đối tượng, quản lý mũi tiêm để có thể kịp thời tiêm bù cho trẻ khi có vaccine được phân bổ từ tuyến trên. Đồng thời, thường xuyên đấu mối, nắm bắt thông tin về tình hình cung ứng vaccine từ tuyến Trung ương để kịp thời có chỉ đạo cho các địa phương trong công tác tổ chức tiêm chủng.

Cùng với đó tăng cường công tác tuyên truyền khuyến cáo phụ huynh cần thường xuyên theo dõi và nắm bắt thông tin về công tác tổ chức tiêm chủng của cơ quan y tế tại địa phương; có thể lựa chọn phương án tiêm chủng dịch vụ tại các cơ sở tiêm chủng đảm bảo chất lượng, uy tín thay thế tiêm chủng mở rộng để đảm bảo trẻ được tiếp cận vaccine theo đúng lịch.

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan triển khai các công tác phòng, chống dịch bệnh trên người, bệnh lây truyền từ động vật sang người. Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng vaccine, tập trung vào các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A/H5N1, cúm A/H5N7, sốt xuất huyết, bệnh dại,… và các bệnh mới nổi hoặc bệnh lưu hành có số ca mắc tử vong cao.

Sẵn sàng ứng phó với đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phối hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong.

Thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng, chống lây nhiễm chéo, không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Nhật Thắng - Nguyễn Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-tinh-phong-chong-dich-benh-truyen-nhiem-tu-som-tu-xa-169240426150107973.htm