HÀ TĨNH: LẤY Ý KIẾN GÓP Ý XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)

Chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 20/9, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh Trần Đình Gia và Chánh án TAND tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu chủ trì hội nghị.

Việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh Trần Đình Gia và Chánh án TAND tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu chủ trì hội nghị

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Tĩnh Trần Đình Gia và Chánh án TAND tỉnh Phan Thị Nguyệt Thu chủ trì hội nghị

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gồm 9 chương, 151 điều; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức TAND năm 2014, dự thảo luật giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều. Dự thảo Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023.

Bố cục của dự thảo luật gồm: những quy định chung; nhiệm vụ, quyền hạn của TAND; hội đồng tư pháp quốc gia; tổ chức bộ máy; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác trong TAND; hội thẩm; tổ chức xét xử; bảo đảm hoạt động của TAND; điều khoản thi hành.

Phó Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nguyễn Phan Lệ Thúy phát biểu

Phó Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nguyễn Phan Lệ Thúy phát biểu

Đại biểu tham dự hội nghị cơ bản thống nhất cao với nội dung dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Một số ý kiến cho rằng, việc bổ sung nội hàm quyền tư pháp là hết sức cần thiết, quan trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế; thống nhất với quy định theo hướng tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ; thống nhất với chủ trương thành lập các tòa án chuyên biệt để tăng tính chuyên nghiệp của tòa án trong việc giải quyết một số loại án có tính chất đặc thù, đòi hỏi tính chuyên môn sâu; tán thành phương án của dự thảo luật về việc hình thành thiết chế hội đồng tư pháp quốc gia; giữ nguyên nhiệm kỳ của thẩm phán theo quy định hiện hành; đề nghị bỏ thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của tòa án; cần đặt ra trách nhiệm của tòa án trong việc hướng dẫn và hỗ trợ thu thập chứng cứ để bảo vệ đối tượng yếu thế; đổi mới về chế định hội thẩm nhân dân.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu tại hội nghị

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia phát biểu tại hội nghị

Một số đại biểu cũng đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của hội đồng tư pháp quốc gia; khi thành lập hội đồng tư pháp quốc gia cần nâng cao vai trò giám sát đối với viện kiểm sát; không hạn chế thời gian ghi âm, ghi hình tại phiên tòa...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia đánh giá cao các ý kiến chất lượng của đại biểu, từ đó góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự án luật. Những ý kiến, kiến nghị tại hội nghị này sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, hoàn thiện để trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Xuân Thúy

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=80107