Hà Tĩnh không còn huyện Lộc Hà sau sáp nhập

Hà Tĩnh dự kiến sắp xếp, sáp nhập 4 đơn vị hành chính cấp huyện. Sau sắp xếp, tỉnh sẽ giảm 1 đơn vị, không còn huyện Lộc Hà; chưa sắp xếp thị xã Hồng Lĩnh.

Hà Tĩnh có là một trong những địa phương có số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp, sáp nhập nhiều nhất nhì cả nước với 4 đơn vị (chỉ sau Lâm Đồng sắp xếp 7 đơn vị).

Theo phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hà Tĩnh trình Bộ Nội vụ xem xét, cho ý kiến, trong 5 địa phương này sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập 4 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố và 3 huyện).

Kiến nghị chưa sắp xếp thị xã Hồng Lĩnh và 42 đơn vị hành chính cấp xã

Điểm đáng chú ý là cả 4 đơn vị hành chính cấp huyện này không có trường hợp nào thuộc diện bắt buộc sắp xếp, có 3 đơn vị thuộc diện liền kề và 1 đơn vị thuộc diện khuyến khích sắp xếp.

Cụ thể, Hà Tĩnh điều chỉnh, mở rộng thành phố Hà Tĩnh trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 14 xã giáp ranh liền kề thuộc các huyện: Thạch Hà, Lộc Hà và Cẩm Xuyên vào thành phố Hà Tĩnh.

Toàn cảnh trung tâm hành chính huyện Lộc Hà. Ảnh: Tiến Dũng

Trong đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 11 xã: Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Hội, Thạch Khê, Thạch Lạc, Thạch Thắng, Thạch Trị, Thạch Văn, Tượng Sơn, Tân Lâm Hương và Thạch Đài thuộc huyện Thạch Hà vào thành phố Hà Tĩnh.

Cùng với đó là nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Cẩm Vịnh và Cẩm Bình thuộc huyện Cẩm Xuyên; xã Hộ Độ thuộc huyện Lộc Hà vào thành phố Hà Tĩnh.

Toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 11 xã, thị trấn còn lại gồm: Thị trấn Lộc Hà; các xã Thịnh Lộc, Tân Lộc, Hồng Lộc, Ích Hậu, Phù Lưu, Thạch Mỹ, Mai Phụ, Bình An, Thạch Kim và Thạch Châu thuộc huyện Lộc Hà nhập vào huyện Thạch Hà.

Như vậy, sau sắp xếp, Hà Tĩnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 1 huyện là Lộc Hà; trong đó có 1 thành phố (Hà Tĩnh), 2 thị xã (Hồng Lĩnh, Kỳ Anh) và 9 huyện.

Đối với cấp xã, Hà Tĩnh thực hiện sắp xếp 24 đơn vị gồm: 17 xã, 5 phường, 2 thị trấn (trong đó có 11 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 5 đơn vị khuyến khích, 8 đơn vị liền kề), giảm 7 đơn vị.

Bên cạnh đó, có 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 42 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 nhưng Hà Tĩnh kiến nghị và đề xuất Trung ương chưa thực hiện sắp xếp.

Đó là thị xã Hồng Lĩnh và 39 xã, 2 phường, 1 thị trấn do có yếu tố đặc thù và đánh giá tình hình thực tiễn của từng địa phương.

Dự báo có thể kéo dài sang năm 2025

Theo Phương án tổng thể, sau khi sắp xếp, tỉnh Hà Tĩnh có 10 đơn vị hành chính đô thị. Trong đó có thành phố Hà Tĩnh mở rộng và các phường, thị trấn: Thạch Trung, Thạch Hạ, Đồng Môn, Thạch Hưng (thành phố Hà Tĩnh); Kỳ Ninh, Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh); thị trấn huyện lỵ Kỳ Anh (huyện Kỳ Anh); thị trấn Hương Kê mở rộng (huyện Hương Kê) và thị trấn Đồng Lộc mở rộng (huyện Can Lộc).

Theo quy định, việc này phải lập, điều chỉnh quy hoạch; lập chương trình phát triển đô thị; lập đề án phân loại đô thị; hồ sơ công nhận đạt tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị (đối với phường). Từ đó mới đủ điều kiện để xây dựng đề án, tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình Trung ương xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên phải mất nhiều thời gian, dự báo có thể kéo dài sang năm 2025.

Cụ thể, thành phố Hà Tĩnh hiện chưa có quy hoạch chung. Thời gian dự kiến lập quy hoạch chung của thành phố Hà Tĩnh theo phương án mở rộng mất ít nhất 14 tháng; chưa tính đến thời gian lập chương trình phát triển đô thị, lập hồ sơ phân loại đô thị trình Bộ Xây dựng thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với các phường, thị trấn mới chỉ có Kỳ Nam và Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng (Bộ Xây dựng yêu cầu tiếp tục báo cáo, giải trình và hoàn thiện một số nội dung).

Các đơn vị còn lại chưa hoàn thành hồ sơ phân loại đô thị để trình Sở Xây dựng thẩm định, thậm chí một số đơn vị như thị trấn Hương Khê mở rộng, thị trấn Đồng Lộc mở rộng chưa lập, phê duyệt quy hoạch chung, chương trình phát triển đô thị để làm cơ sở cho việc xây dựng đề án phân loại độ thị.

Với thực trạng này, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, nếu không có các giải pháp tháo gỡ khó khăn thì rất khó để địa phương hoàn thành đề án và trình Trung ương đúng mốc thời gian quy định (chậm nhất là ngày 30/6/2024).

Hà Tĩnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 5.994,45km2, dân số hơn 1,6 triệu, phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ với đường bờ biển dài 137km, phía Tây giáp 2 tỉnh Bô Ly Khăm Xay và Khăm Muộn của Lào với đường biên giới dài 164km.

Giai đoạn 2019-2021, tỉnh Hà Tĩnh là địa phương trong nhóm thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính nhiều nhất của cả nước (đứng thứ 4 cả nước), thực hiện sắp xếp 80 đơn vị cấp xã, giảm được 46 đơn vị.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ha-tinh-khong-con-huyen-loc-ha-sau-sap-nhap-2275131.html