Hà Nội: Xử lý nghiêm những sai phạm trên đất nông nghiệp

Tại phiên chất vấn của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về nhóm vấn đề vi phạm trong nông nghiệp, vấn đề trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra sai phạm được các đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi.

Lảm rõ hướng xử lý đối với các công trình vi phạm

Chất vấn nhóm vấn đề vi phạm trên đất nông nghiệp, đại biểu Vũ Ngọc Anh nêu câu hỏi tới Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND quận Long Biên, UBND huyện Phúc Thọ về tình trạng vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp ở bãi bồi ven sông trên địa bàn nhiều năm chưa được xử lý; nhiều khu sản xuất nông nghiệp chuyển đổi trái phép làm nhà hàng khu vui chơi, giải trí. Qua đó, yêu cầu lãnh đạo các địa phương cho biết trách nhiệm quản lý với các sai phạm trên và giải pháp xử lý thời gian tới?

Trả lời câu hỏi đại biểu, Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà cho biết: tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp tại địa bàn các phường Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối phát sinh trong quá trình quận thực hiện chuyển đổi vùng bồi ven sông khi một số diện tích sử dụng chưa đúng mục đích do quá trình triển khai chưa triệt để.

Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà trả lời tại phiên chất vấn

Chủ tịch UBND quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà trả lời tại phiên chất vấn

"Quận đã tập trung cương quyết tháo dỡ, phá dỡ công trình vi phạm. Các nhà mái, mái che nằm ở diện tích đất bãi bồi, không phải đất nông nghiệp hay đất công ích. Với các vùng này khi nước lên thì ngập, nước rút tạo thành bãi bồi và đã được duyệt quy hoạch 1/2.000 và 1/5.000. Hiện, đã đo đạc, lập hồ sơ đánh giá, quyết tâm không để vi phạm mới phát sinh. Đồng thời, lập đề án, phương án quản lý khai thác đất vùng bãi và mong muốn có chính sách phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch", ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết.

Trong khi đó, thông tin về trường hợp vi phạm ở vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay, đại diện UBND huyện Phúc Thọ cho biết: công trình này nằm ở xã Hợp Thuận (thuộc bờ Hữu sông đáy), diện tích khó canh tác, thường bỏ hoang mọc cỏ dại. Qua khảo sát, xã đã lập tờ trình xin ý kiến huyện phê duyệt làm vùng hoa cây cảnh. Việc xây dựng trong diện tích 9.400m2 được phê duyệt không sai, quá trình làm chủ dự án thuê thầu thêm 14.000m2 đất của dân để trồng hoa, trong quá trình làm thì khách đến chụp ảnh, huyện đã lập biên bản xử lý.

Tổng rà soát các dự án nông nghiệp chậm triển khai

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Hợp Dũng đánh giá trong chính sách về phát triển nông nghiệp của Trung ương có nội dung về hỗ trợ công trình xây dựng trên đất nông nghiệp như nhà màng, nhà kính để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên thực tế có nơi không dám xây do sợ vi phạm, có nơi xây lại không nhận được hỗ trợ. "Vậy nội dung hướng dẫn này thuộc thẩm quyền thành phố hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn?", đại biểu đặt câu hỏi.

Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Việt nêu thực trạng nhiều diện tích đất nông nghiệp trong phạm vi nghiên cứu dự án hoặc chậm triển khai chưa giải phóng mặt bằng, dẫn đến dân có tư tưởng chờ dự án hoặc triển khai không đầy đủ, từ đó đất để không, hoang hóa gây lãng phí nguồn lực. Qua đó, đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trên?

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường phát biểu tại phiên chất vấn

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường phát biểu tại phiên chất vấn

Trả lời tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết: HĐND thành phố đã có nghị quyết và UBND thành phố cũng có kế hoạch tổng rà soát toàn bộ 404 dự án liên quan chậm, muộn triển khai. Quá trình kiểm tra, rà soát đã phát sinh thêm 173 dự án. Sau khi thực hiện Nghị quyết 04 của HĐND thành phố, các cơ quan liên ngành của thành phố đã ra quyết định chấm dứt với 15 dự án trên địa bàn; 44 dự án tiếp tục gia hạn 24 tháng, thu về ngân sách cho thành phố 500 tỷ đồng.

Như vậy, toàn bộ quỹ đất giao cho chủ đầu tư thì chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm. Quá trình triển khai thực hiện, giải phóng mặt bằng liên quan phân cấp, phân quyền. Thành phố đã giao cho quận, huyện trong công tác quản lý đất đai, thực hiện dự án chưa đúng theo chủ trương đầu tư (biến tướng thành nhà chòi, khu sinh thái) thì địa phương phải xử lý nghiêm.

Với quỹ đất chưa giao nhà đầu tư, quá trình thực hiện dự án hệ thống mương, thủy lợi không đưa vào sử dụng nữa thì người dân có thể tận dụng; hoặc với khu ngoài đất bãi bồi ở quận Long Biên, huyện Gia Lâm, Sở đã làm việc với các quận, huyện và lên phương án xác định là quỹ đất công, giao cho các Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý dự án quản lý toàn bộ 2 bên bờ sông.

"Những quỹ đất này giao cho các địa phương xem xét nếu có thể khai thác được thì có đề án báo cáo, căn cứ vào toàn bộ cơ sở pháp lý, các sở, ngành sẽ hỗ trợ địa phương đưa vào khai thác sử dụng, không để lãng phí tài nguyên mà không quản lý được. Đến khi nhà nước triển khai thực hiện quy hoạch, dự án, các dự án này sẽ được chính quyền địa phương bàn giao lại để thực hiện", Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết.

Giải quyết những vướng mắc trong sử dụng đất nông nghiệp

Trả lời làm rõ các câu hỏi của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, về việc xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp, hiện chưa có quy định cụ thể do còn vướng mắc ở Luật Đất đai. Với các dự án đầu tư xây dựng các công trình trên đất để triển khai dự án phải được được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đầu tư đảm bảo. Tuy nhiên tại khu vực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản thì thực hiện theo Nghị định 94 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và theo kế hoạch hàng năm của thành phố.

Trong Nghị định 94 đối với vùng chuyển đổi được phép trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên đất nông nghiệp, nhưng chưa có hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu để phục vụ chăn nuôi. Đồng nghĩa với đó, các công trình xây dựng trên đất lúa là chưa phù hợp. "Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị sửa đổi hoàn thiện Luật Đất đai, rà soát bổ sung vào Luật Thủ đô", ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Riêng với việc lắp đặt nhà màng nhà lưới, nhiều mô hình sản xuất tốt, thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các ngành, địa phương hướng dẫn vùng sản xuất để lắp đặt phục vụ trực tiếp sản xuất, không phục vụ mục đích khác như du lịch.

Phi Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-dong/ha-noi-xu-ly-nghiem-nhung-sai-pham-tren-dat-nong-nghiep-i327794/