Hà Nội và tỉnh Hòa Bình liên kết cung cấp nông sản an toàn: Thêm nguồn cung bảo đảm chất lượng

Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành phố nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng trong việc xây dựng vùng, chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản an toàn.

Từ cơ chế này, nhiều nông sản sạch của tỉnh Hòa Bình thông qua các doanh nghiệp cung cấp cho thị trường Hà Nội được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng sản phẩm.

Nông sản an toàn của tỉnh Hòa Bình được giới thiệu và bán tại cửa hàng của Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Lâm Nguyễn

Kiểm soát chặt chẽ các khâu

Là doanh nghiệp cung cấp một lượng lớn thủy sản cho Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Cường Thịnh (tỉnh Hòa Bình) Phạm Văn Tịnh cho biết, để tiêu thụ được sản phẩm trong siêu thị, nhà hàng của Hà Nội, công ty đã đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm cá sông Đà đạt tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm cá, tôm sông Đà - Hòa Bình. Nhờ đó, mỗi năm công ty cung cấp khoảng 500-600 tấn cá các loại, chủ yếu cho thị trường Hà Nội và được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao về chất lượng.

Còn theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình Vương Đắc Hùng, thực hiện Chương trình phối hợp số 06/CTPH-SNNHN-SNNHB ngày 7-1-2022 về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giao thương giữa thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Đến nay, có 165 cơ sở đã và đang duy trì sản xuất và áp dụng quy trình VietGAP, tiêu chuẩn GlobalGAP, hữu cơ và các chuỗi liên kết nông sản an toàn để cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại Hà Nội. Qua đó, nhiều sản phẩm chủ lực và có lợi thế của tỉnh Hòa Bình như: Cá sông Đà, cam Cao Phong, bưởi đỏ Tân Lạc, chuối Viba, rau hữu cơ Lương Sơn, gà đồi Lạc Thủy... đã vào được các siêu thị, cửa hàng tiện ích tại Hà Nội.

Cũng về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng và phát triển được 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; trong đó, tỉnh Hòa Bình có 65 chuỗi. Các nông sản an toàn của tỉnh Hòa Bình cung cấp cho Hà Nội khá lớn: Hơn 1.600 tấn cá sông Đà/năm, hơn 18.000 tấn quả/năm; hàng nghìn tấn rau xanh, thủy sản… Điều đáng nói, các mặt hàng nông sản an toàn của tỉnh Hòa Bình đều được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, chất lượng được bảo đảm, nên được các doanh nghiệp, cửa hàng tiện ích cũng như người tiêu dùng đánh giá cao.

Bà Lê Thị Hoài Thu, chủ cửa hàng thực phẩm sạch Hai Sương (quận Hà Đông) chia sẻ: “Trung bình mỗi tháng cửa hàng nhập, tiêu thụ hơn 20kg rau hữu cơ; 1,5-2 tạ lợn sinh học… của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Các khách hàng sử dụng thực phẩm sạch của cửa hàng nhập từ tỉnh Hòa Bình về đều yên tâm về chất lượng”.

Quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm chủ lực

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình Vương Đăng Hùng, tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục xây dựng những vùng sản xuất nông nghiệp an toàn quy mô lớn; khuyến khích người dân đầu tư công nghệ cao… Tỉnh Hòa Bình cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố, nhất là thị trường Hà Nội. Cùng với đó, Sở NN&PTNT tỉnh tăng cường công tác giám sát lấy mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản của các doanh nghiệp trên địa bàn để kịp thời cảnh báo cho người tiêu dùng biết về mối nguy mất an toàn thực phẩm từ các cơ sở sản xuất.

Ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam (quận Nam Từ Liêm) cho biết, để thêm nhiều nông sản an toàn của tỉnh Hòa Bình có mặt tại các siêu thị, nhà hàng, cửa hàng tiện ích của Hà Nội, các ngành chức năng của tỉnh Hòa Bình cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ vùng sản xuất đến cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn và sản xuất theo chuỗi gắn với bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng đủ số lượng hàng hóa theo hợp đồng đã ký kết.

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, tỉnh Hòa Bình cần quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương; kêu gọi đầu tư, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra những sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, rõ nguồn gốc. Hà Nội và tỉnh Hòa Bình sẽ chủ động phối hợp, thông tin hai chiều về những vấn đề nóng, như: Tình hình dịch bệnh, các cơ sở an toàn dịch bệnh, đủ điều kiện vệ sinh thú y..., để thuận lợi trong công tác quản lý. Tỉnh Hòa Bình cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã, bao bì nông sản để cung cấp cho doanh nghiệp phân phối tại Hà Nội, giúp người tiêu dùng nhận biết và an tâm sử dụng.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-va-tinh-hoa-binh-lien-ket-cung-cap-nong-san-an-toan-them-nguon-cung-bao-dam-chat-luong-664456.html