Hà Nội tiếp tục 'căng thẳng' điểm trông giữ xe ôtô

Trước tình trạng thiếu điểm đỗ xe, mới đây tại cuộc họp về an toàn giao thông, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội một lần nữa đề xuất Bộ GTVT, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ủng hộ cho sử dụng vỉa hè, gầm cầu cạn làm nơi trông giữ xe.

Xe cá nhân tăng "chóng mặt"

Theo Sở GTVT Hà Nội, số lượng phương tiện cá nhân tại Hà Nội liên tục tăng, kéo theo tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu điểm trông giữ xe gia tăng. Hiện nay, Hà Nội có trên 7.860 nghìn phương tiện các loại, trong đó, ôtô là trên 1.073.000 xe; xe máy, môtô các loại là 6.602.000 xe; xe máy điện là 184.471 xe. Mỗi năm Hà Nội tăng hơn 390.000 phương tiện; mỗi tháng tăng khoảng 32.700 phương tiện; mỗi ngày tăng khoảng 1.100 phương tiện các loại.

Hà Nội tiếp tục đề xuất được dùng gầm cầu để trông giữ phương tiện.

Với số lượng xe cá nhân gia tăng nhanh chóng, theo quy hoạch diện tích đất cho giao thông tĩnh Hà Nội phải đạt 4%/diện tích đất đô thị nhưng hiện mới chỉ đạt 0,6% nên thiếu điểm trông giữ xe. Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT cho phép TP Hà Nội tiếp tục sử dụng lòng đường, vỉa hè, gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện giao thông, đặc biệt là ôtô.

Ông Thường cho rằng, hiện nay, năm 2023, trên địa bàn thành phố có 6.000 ôtô mới được đăng ký, tốc độ tăng bình quân trên 5%. Đầu tháng 5/2023, TP Hà Nội có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét, thống nhất việc tiếp tục tạm thời tổ chức trông giữ xe tại các điểm dưới khu vực gầm cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch để phục vụ nhu cầu gửi xe của nhân dân.

Hồi đáp về vấn đề này, Bộ GTVT đã có văn bản nêu rõ quan điểm: Thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giao thông đường bộ, Bộ GTVT nhận thấy nhu cầu sử dụng gầm cầu cạn để tận dụng quỹ đất tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng là rất lớn. Theo Bộ GTVT, quỹ đất để xây dựng bãi đỗ xe theo quy hoạch được duyệt còn hạn chế, kết hợp với khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt khu vực đô thị.

Nhận thấy điều này, quá trình xây dựng dự thảo Luật Đường bộ, ban soạn thảo đã cập nhật, đưa nội dung cho phép quản lý, sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông vào dự thảo luật. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông không được chấp nhận đưa vào dự thảo Luật Đường bộ. Hiện Chính phủ đã giao cho các tỉnh bố trí các bãi đỗ xe trong nội đô và các quận.

Theo đó, Hà Nội cũng phê duyệt quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn. Theo đó, đến năm 2025 ưu tiên đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ở 122 vị trí với quy mô diện tích khoảng 168ha; giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030 đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ở 115 vị trí với quy mô diện tích khoảng 58ha.

Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị chính quyền thành phố sớm triển khai xây dựng. Trong thời gian đang thực hiện đầu tư, UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội và các quận có điểm trông giữ xe hiện hữu thực hiện kiểm tra, rà soát và xử lý những vấn đề vướng mắc về phòng, chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc, đáp ứng nhu cầu đỗ xe của người dân.

Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, trong quý 1 năm nay, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 385 vụ tai nạn giao thông, làm chết 175 người và 313 người bị thương. Ba tháng đầu năm 2024, Sở GTVT Hà Nội đã tập trung xử lý 2/33 điểm ùn tắc, xử lý 2/5 điểm đen về tai nạn giao thông; tổ chức rà soát 234 vị trí tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; xử lý 38/72 vị trí cổng trường có nguy cơ mất an toàn giao thông liên quan đến hạ tầng giao thông trong tổng số 154 vị trí cần xử lý.

Đánh giá tình trạng "xe dù, bến cóc," "xe trá hình" tuyến cố định hiện diễn biến phức tạp, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật Đường bộ theo hướng phân biệt rõ giữa các loại hình vận tải, không để đơn vị vận tải và lái xe lợi dụng để "lách luật"; bổ sung loại hình vận tải mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, phù hợp với tình hình trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo không thất thu thuế và quyền lợi hợp pháp của hành khách.

Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT tham mưu Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý triệt để các hành vi vi phạm về sử dụng ôtô kinh doanh vận tải hành khách dừng, đỗ tại văn phòng đại diện để bốc xếp, hàng hóa; đơn vị có xe hoạt động tái vi phạm nhiều lần các quy định về hoạt động kinh doanh vận tải, các quy định khác, tổ chức, cá nhân vi phạm về trách nhiệm tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như thu hồi giấy phép kinh doanh có thời hạn.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin thêm, trong quý 2/2024, các cơ quan chức năng TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (ATGT), đặc biệt các hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn như vi phạm tốc độ, vượt ẩu, đi sai làn đường, xe chở quá khổ; tiếp tục xử lý dứt điểm 3/5 điểm đen về tai nạn giao thông. Tăng cường công tác duy tu, duy trì hệ thống hạ tầng giao thông quản lý theo phân cấp; tiếp tục xử lý dứt điểm 3/5 điểm đen về tai nạn còn tồn tại của năm 2023; xử lý các điểm ùn tắc giao thông, xây dựng phương án xử lý các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; tiếp tục tập trung xử lý 34/72 vị trí khu vực trường học nhằm bảo đảm ATGT. Ngoài ra, Hà Nội cũng yêu cầu Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh, kịp thời xử lý bất cập gây mất ATGT.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/ha-noi-tiep-tuc-cang-thang-diem-trong-giu-xe-oto-i729478/