Hà Nội tập trung hoàn chỉnh các vành đai, các tuyến xuyên tâm

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, chiều 7/12, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, UBND TP sẽ tập trung cao độ vào việc hoàn chỉnh các vành đai, các tuyến xuyên tâm.

Giải pháp nào đối với các dự án giao thông chậm triển khai?

Liên quan đến các dự án giao thông chậm triển khai, ĐB Trần Hợp Dũng (Tổ huyện Thanh Trì) chất vấn Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn: “UBND TP đã rà soát kiểm tra tổng thể hay chưa? Giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này là phân các nhóm cũng như điều chỉnh thứ tự ưu tiên cho phù hợp để đảm bảo linh hoạt trong điều hành ngân sách đảm bảo tiến độ đề ra”.

Liên quan đến các dự án giao thông chậm triển khai, ĐB Trần Hợp Dũng (Tổ huyện Thanh Trì) chất vấn Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn

Trả lời đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, dự án đầu tư phát triển giao thông gồm hai chủng loại (giao thông động và tĩnh). Đến nay hệ thống quy hoạch liên quan quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và đặc biệt các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành đang thiết lập. Đối với quy hoạch giao thông có quy hoạch giao thông nội cảng Thủ đô, Quyết định 519 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ hay như giao thông bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận, trạm dừng nghỉ; quy hoạch không gian ngầm toàn TP… đã được UBND TP phê duyệt năm 2022.

Theo đó, các công cụ về quy hoạch đô thị, xây dựng, kỹ thuật chuyên ngành đều đã được thiết lập. Hiện nay, nội dung quy định mật độ chiếm đất của giao thông động đảm bảo 20 – 26% nhưng TP hiện nay mới chỉ đáp ứng gần 13% và sẽ phấn đấu từng năm một. Tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đang thấp và đạt 0,5%. Trong khi đó, tốc độ gia tăng phương tiện là gần 5% và dân số 8,5 triệu dân với 1,5 triệu dân cơ động. Với quy mô lớn và khả năng chất tải hạ tầng kỹ thuật, nhất hạ tầng giao thông rất chậm.

Trên cơ sở đó, triển khai các quy hoạch, chương trình, kế hoạch và tập trung các nguồn lực, cơ chế, vốn của các dự án đều có có liên quan hạ tầng giao thông. Đối với các dự án ngoài ngân sách nhận được sự quan tâm cao của HĐND, UBND nên đã kiểm tra, rà soát, thúc đẩy, xử lý khoảng 713 dự án.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, rà soát, thúc đẩy quản lý phát triển 900 hệ thống các dự án đầu tư công. Khi tỷ lệ giải ngân đáp ứng thực tiễn thì đồng nghĩa với việc các dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm chiếm 60% lĩnh vực giao thông được phát triển. Tuy nhiên, do các dự án giao thông liên quan vấn đề GPMB nên có có những lúc việc triển khai bị kéo dài, chậm. Trong quá trình này, có một số dự án chậm triển khai từ 2-3 năm.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn trả lời vấn đề đại biểu nêu

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, ngoài nguyên nhân là do điều chỉnh nhiều lần, đối với những dự án có liên quan thu hồi GPMB lại có những quy trình, thủ tục riêng; việc phức tạp trong bốc thăm nhận căn hộ tái định cư. Ngoài ra, còn có khó khăn trong thi công, hệ thống hạ tầng, vật liệu xây dựng.

Do đó, thời gian tới, UBND TP và các sở, ngành, địa phương sẽ phải tăng cường trong việc kiểm tra, rà soát, tổng hợp các dự án đầu tư công để đẩy mạnh, đáp ứng khả năng phát triển kết cấu hạ tầng giao thôn. Đồng thời, đẩy mạnh quá trình tổng hợp nguồn lực, cơ chế và không phân định dự án đầu tư công.

Chủ động, linh hoạt trong công tác GPMB

Về giải pháp, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, hiện nay ưu tiên trọng tâm, trọng điểm cho cả thiết lập chủ trương đầu tư, dự án đầu tư và tổ chức triển khai chủ trương đầu tư, dự án đầu tư có trọng tâm xây dựng. UBND TP sẽ tập trung cao độ vào việc hoàn chỉnh các vành đai, các tuyến xuyên tâm.

Bên cạnh đó, nhận thức được nguyên nhân khó khăn là GPMB nên Thành ủy, UBND TP xác định sẽ cố gắng tách GPMB đối với nhóm B và C; đi trước một bước về công tác chuẩn bị đầu tư mang tính tổng thể để đảm bảo hiệu quả khi quy hoạch, triển khai thực hiện đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đồng thời, chủ động các nguồn lực đầu tư hợp lý hơn.

Kỳ họp thứ 14, HĐND TP Hà Nội khóa XVI

Đối với công tác GPMB sẽ phải chủ động, linh hoạt. Hiện nay, UBND TP phân công tác đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP linh hoạt trong việc chỉ đạo GPMB cho từng dự án theo đúng lĩnh vực. TP dự kiến cũng thiết lập các tổ công tác thường trực để phối hợp với các sở ngành, địa phương. Đồng thời, nghiên cứu định hình các chính sách đặc biệt để đáp ứng tính khả khi.

Đối với nội dung liên quan phát triển không gian giao thông tĩnh, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, hiện nay đã có quy hoạch bãi xe, bến đỗ xe, trung tâm tiếp vận… đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Theo đó, có 1.620 điểm giao thông tĩnh. Tuy nhiên, qua quan sát chưa phát triển được dự án giao thông tĩnh ngầm nào. Nguyên nhân do liên quan đến cơ chế chính sách đối với Luật Đất đai, các cơ chế có liên quan; chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư…

“Thời gian tới, song song với việc kiện toàn, bổ sung Luật Đất đai, Luật Quản lý phát triển đô thị thiết lập mới, cơ chế chính sách phát triển không gian ngầm thì UBND TP sẽ củng cố, kiểm tra, rà soát, đánh giá, phân loại và báo cáo HĐND TP để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 07. Chủ động thiết lập các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù cho khu vực này” - Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn thông tin.

ĐB Lê Thị Thu Hằng (quận Tây Hồ) chất vấn: “Dự án đường đê Âu Cơ được kéo dài lâu và cử tri thấy TP đã gia hạn hết năm 2024. Vậy xin hỏi Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội tiến độ thực hiện như nào để hoàn thành đúng tiến độ?”.

Trả lời, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, đối với Dự án cầu vượt nút giao An Dương đường Thanh Niên được chia 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư 815 tỷ. Trong đó, giai đoạn 1 do áp dụng 1 số cơ chế đặc thù của Thủ tướng nên triển khai nhanh hơn và đáp ứng tiến độ dự án.

Trên cơ sở giao đoạn 1 triển thì TP triển khai giai đoạn 2 dài 3,7km (từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân). Gia đoạn này khi triển khai có phát sinh một số vướng mắc liên quan: ý kiến Bộ NN&PTNT, khác nhau giải pháp kỹ thuật khi thực hiện, tường chắn… Đến nay, toàn bộ tường chắn để hai bên cơ bản hoàn thành.

Để đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo UBND TP, Ban đã thực hiện cam kết theo chỉ đạo UBND TP rút ngắn tiến độ thực hiện 6 tháng và theo đó tiến độ phải hoàn thành dự án trong 6/2024.

Đại biểu Đoàn Việt Cường (huyện Đông Anh) chất vấn, thực tế hiện nay một số Dự án đầu tư công triển khai qua nhiều địa bàn đang được chia nhỏ theo từng địa bàn dẫn đến việc đầu tư tổng thể thiếu đồng bộ, không phát huy hiệu quả và gây khó khăn trong triển khai, gây bức xúc trong Nhân dân. Đại biểu đề nghị Sở KH&ĐT cho biết giải pháp để giải quyết việc đầu tư thiếu đồng bộ và kế hoạch khắc phục tình trạng này?

Trả lời, Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Anh Quân cho hay, đối với hệ thống đầu tư giao thông trên địa bàn, TP dành 127.000 tỷ đầu tư cho hạ tầng giao thông. Vừa qua, trong rà soát đầu tư công trên địa bàn TP, Sở đã đề xuất với TP đầu tư tiếp tục 31 tuyến hạ tầng khung. Theo đó, sẽ khép kín các tuyến đường vành đai, quốc lộ, trục hướng tâm bảo đảm thông suốt theo chỉ đạo của Thành ủy. Đối với các dự án quá lớn sẽ chia theo phân kỳ để khi đầu tư đến đâu dự án, đoạn đường phát huy tác dụng và khớp nối được hạ tầng.

Thái An - Long Tiên. Ảnh: Thanh Hải

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-tap-trung-hoan-chinh-cac-vanh-dai-cac-tuyen-xuyen-tam.html