Hà Nội: Phân cấp mạnh hơn trong công tác quy hoạch, kiến trúc

Với những nội dung quy định tại Quyết định 38/2023/QĐ-UBND sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực của chính quyền địa phương và các đơn vị trực thuộc UBND TP trong công tác quy hoạch, kiến trúc, từng bước hoàn thiện bộ máy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền của TP.

Chiều 12/1, Sở QH – KT Hà Nội tổ chức Hội nghị phố biến một số nội dung Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành Quy định một số nội dung về quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kiến trúc trên địa bàn TP Hà Nội tới lãnh đạo quản lý, cán bộ chuyên môn các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, Ban Quản lý Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội; Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Phó Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Đức Nguyên phổ biến nội dung chính Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội

Các nhiệm vụ được quy định cụ thể hơn, rõ hơn

Phó Giám đốc Sở QH – KT Hà Nội Nguyễn Đức Nguyên cho biết, trước đây UBND TP đã ban hành các quyết định liên quan đến công tác quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn như: Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND ngày 30/8/2011 về cấp Giấy phép quy hoạch trên địa bàn TP Hà Nội; Quyết định số 72/2014/QĐ-UBND ngày 17/9/2014 ban hành quy định về lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án và quản lý theo đồ án quy hoạch đô thị trên địa bàn TP Hà Nội và Quyết định số 82/2014/QĐ-UBND ngày 21/11/ 2014 ban hành Quy định về cắm mốc giới và quản lý mốc giới theo quy hoạch đô thị trên địa bàn TP Hà Nội.

Sau thời gian hơn 10 năm thực hiện, theo phản ánh từ các địa phương còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Do đó, Thành phố đã ban hành Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 thay thế các quyết định trên và có nhiều điểm mới.

Trong đó nổi bật là những quy định việc phân cấp, phân quyền cho các quận huyện trong thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng, thiết kế đô thị, cắm mốc giới; lập, thẩm định, phê duyệt, ban hành danh mục các công trình kiến trúc có giá trị, quy chế quản lý kiến trúc; quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch…

“Với những nội dung quy định tại Quyết định 38/2023/QĐ-UBND sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm và năng lực của chính quyền địa phương và các đơn vị trực thuộc UBND TP, từng bước hoàn thiện bộ máy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được phân cấp, ủy quyền của Thành phố” – ông Nguyễn Đức Nguyên nhấn mạnh.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở QH – KT đã phổ biến những nội dung cơ bản của quy định tại Quyết định 38/2023/QĐ-UBNB, gồm: Các khái niệm và nguyên tắc cơ bản; Trình tự các bước thực hiện; quy định đối với nguồn vốn ngân sách; Trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, trình, phê duyệt và xác nhận hồ sơ sau khi phê duyệt;

Trách nhiệm tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng trong khu vực phát triển đô thị, khu chức năng; phương án tuyến, vị trí công trình xây dựng theo tuyến; thỏa thuận phương án kiến trúc; Trách nhiệm rà soát quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý kiến trúc và danh mục các công trình kiến trúc có giá trị; Quy định về quản lý thực hiện theo quy hoạch và Tổ chức thực hiện.

Quang cảnh hội nghị

Về các giải pháp tăng cường năng lực Phòng Quản lý đô thị cấp huyện, để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ theo trách nhiệm và thẩm quyền quy định tại Quyết định 38/2023/QĐ-UBN, Phó Giám đốc Sở QH - KT Phạm Quốc Tuyến nêu, sau 10 năm thực hiện các quyết định của UBND TP (ban hành từ năm 2014) về quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kiến trúc, dù điều kiện cán bộ, nhân lực còn hạn chế nhưng các quận, huyện đã cố gắng thực hiện khối lượng công việc lớn liên quan đến thẩm định, phê duyệt quy hoạch và thực hiện các nội dung về quy chế quản lý kiến trúc, là công cụ để quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

Với Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND vừa được UBND TP ban hành, Phó Giám đốc Sở QH - KT nêu, về tổng quan, các vấn đề đặt ra không mới, các đầu việc không tăng nhiều nhưng diện phân cấp và mức độ, yêu cầu quản lý tăng lên. Các quy định về xây dựng quy chế quản lý, phương án kiến trúc, danh mục các công trình có giá trị… được quy định cụ thể, rõ hơn cùng với yêu cầu quản lý cao hơn. Đặc biệt, sự phân cấp này có tác dụng lớn đối với đồ án, dự án thuộc thẩm quyền, giúp các quận huyện đẩy nhanh tiến độ thực hiện công việc.

“Yêu cầu này chắc chắn đòi hỏi tiếp tục nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương, đặc biệt phần đô thị, giúp lãnh đạo thẩm định, phê duyệt. Do đó, để thực hiện tốt việc phân cấp quản lý theo Quyết định 38/2023/QĐ-UBND đòi hỏi tăng cường năng lực cán bộ và hoàn thiện các đồ án quy hoạch và quy định quản lý kèm theo. Làm tốt 2 nội dung này, khối lượng công việc và hiệu quả sẽ bảo đảm theo đúng yêu cầu Quy định đưa ra về phân cấp, nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch kiến trúc tại địa phương” - ông Phạm Quốc Tuyến khẳng định.

Biệt phái cán bộ của Sở QH - KT về làm việc tại các quận, huyện

Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh trao đổi với báo chí bên lề hội nghị

Trao đổi thêm với báo chí bên lề hội nghị, Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Hà Nội đang phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ với khoảng 800 thủ tục cho các địa phương. Trong quá trình thực hiện sẽ có nhiều khó khăn vướng mắc.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, nâng cao năng lực cán bộ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội cho biết, thực hiện Kế hoạch số 188 của Ban Thường vụ Thành ủy (về luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ các ban, ngành, sở thành phố và các quận, huyện, thị xã, cấp ủy trực thuộc Thành ủy giai đoạn 2024 - 2025) thời gian tới, Sở sẽ tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức Phòng Đô thị các quận, huyện, thị xã để giải quyết công việc của địa phương tại Sở, đồng thời biệt phái cán bộ của Sở QH - KT về làm việc tại các quận, huyện.

Bên cạnh đó, Sở QH - KT sẽ tổ chức các lớp hoặc ban hành các tài liệu, cung cấp hồ sơ, hướng dẫn; cử cán bộ làm việc trực tiếp, cụ thể với các quận, huyện, thị xã, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ…

“Việc luân chuyển, điều động cán bộ sẽ có một số rào cản trong công tác cán bộ. Chúng tôi đang đề xuất phương án biệt phái ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng. Như vậy sẽ đảm bảo được số lượng, nguồn lực cán bộ và cả các công việc chuyên môn mà cán bộ đang đảm nhận. Các trường hợp này sẽ làm việc tại sở, giải quyết các vấn đề tại địa phương và được hướng dẫn trực tiếp. Cách làm này sẽ mang lại hiệu quả, tiết kiệm thời gian. Sở sẽ bắt đầu tiếp nhận ngay trong quý I/2024” – Giám đốc Sở QH – KT Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho hay.

Vũ Lê

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-phan-cap-manh-hon-trong-cong-tac-quy-hoach-kien-truc.html