Hà Nội: Những dấu hiệu bất thường trong việc thành lập hàng loạt Văn phòng Thừa phát lại

Trong khi chưa giải quyết dứt điểm những nội dung khiếu nại liên quan đến bất cập trong việc đặt ra các tiêu chí để thành lập các Văn phòng Thừa phát lại (TPL) cũng như những vi phạm của TPL, Sở Tư pháp Hà Nội vẫn ban hành các quyết định thành lập 30 Văn phòng khiến dư luận xã hội không khỏi 'ngạc nhiên'…

Vừa rút khỏi Văn phòng TPL cũ vẫn đủ điều kiện thành lập văn phòng mới (!?)

Mới đây, Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) ban hành Kết luận kiểm tra công tác quản lý nhà nước về TPL của Sở Tư pháp TP Hà Nội liên quan đến việc xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng TPL được thực hiện theo Quyết định 3545/QĐ-UBND ngày 14/7/2021 của UBND TP Hà Nội. Kết luận này có 6 nội dung thì có đến 5 nội dung được Cục Bổ trợ Tư pháp chỉ ra những tồn tại của Sở Tư pháp Hà Nội thực hiện chưa đúng. Đáng chú ý, trong các nội dung kiểm tra có nội dung khiếu nại của TPL liên quan đến việc xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng TPL vẫn chưa được Sở Tư pháp Hà Nội giải quyết và chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 29/6/2021, Sở Tư pháp Hà Nội có Tờ trình 1749/TTr-STP trình UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3545/QĐ-UBND ngày 14/7/2021 về việc phê duyệt “Đề án phát triển Văn phòng TPL trên địa bàn TP Hà Nội” (gọi tắt là Đề án). Theo nội dung mục tiêu và yêu cầu của Đề án, việc thực hiện chế định TPL trên địa bàn Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ do thừa phát lại cung cấp cho tổ chức, cá nhân, cũng như đảm bảo các điều kiện cần thiết để Văn phòng TPL phát triển ổn định và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và tình hình phát triển của từng quận, huyện, thị xã.

Cũng theo nội dung của Đề án, mỗi quận, huyện và thị xã dự kiến được thành lập từ 1 đến 2 Văn phòng TPL. Sau khi được UBND TP Hà Nội chấp thuận Đề án, Sở Tư pháp Hà Nội đã thông báo về việc cho phép thành lập 35 Văn phòng TPL trên địa bàn các quận, huyện và thị xã, nâng tổng số Văn phòng TPL trên địa bàn TP Hà Nội lên 43 văn phòng (trong đó có 8 Văn phòng TPL được thành lập từ năm 2014). Tiếp nhận thông tin trên, các TPL đã nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng TPL.

Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận và xử lý xét duyệt hồ sơ, Sở Tư pháp Hà Nội đã vấp phải khiếu nại của TPL về việc tại Đề án không có các quy định cụ thể, chi tiết để làm căn cứ xét duyệt hồ sơ dẫn đến việc dễ phát sinh tiêu cực như: TPL vừa thôi làm Trưởng văn phòng (đối với Văn phòng TPL hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân) và TPL vừa chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của Văn phòng TPL (đối với Văn phòng TPL hoạt động theo loại hình Công ty hợp danh) trong thời gian 5 năm tính đến ngày nộp hồ sơ và TPL vi phạm quy định về bổ nhiệm và miễn nhiệm …

Điển hình trường hợp TPL Nguyễn Lệ Thủy (ở quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Theo đó, bà Thủy đã khiếu nại Sở Tư pháp Hà Nội về các tiêu chí thành lập Văn phòng TPL chưa chặt chẽ, công bằng; có TPL vi phạm miễn nhiệm, bổ nhiệm nhưng vẫn đủ điều kiện thành lập văn phòng mới (cụ thể trường hợp TPL Lê Đình Nam - Trưởng Văn phòng TPL Cầu Giấy); chưa trả lời đơn thư của người khiếu nại... Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thủy còn khiếu nại việc áp dụng quy định pháp luật hoàn toàn khác nhau giữa Sở Tư pháp Hà Nội và Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh đối với quy định tại khoản 1 Điều 28 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TPL.

Theo đó, tại TP Hà Nội thì TPL vừa chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của Văn phòng TPL đang hoạt động vẫn đủ điều kiện cấp phép thành lập văn phòng mới; trong khi đó tại TP Hồ Chí Minh, TPL vừa thôi làm Trưởng Văn phòng (đối với Văn phòng TPL hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân) và TPL vừa chấm dứt tư cách thành viên hợp danh của Văn phòng TPL (đối với Văn phòng TPL hoạt động theo loại hình Công ty hợp danh) trong thời gian 5 năm tính đến ngày nộp hồ sơ thì không được tính điểm trong hồ sơ để đủ điều kiện thành lập Văn phòng TPL mới.

Sau đó, Cục Bổ trợ Tư pháp và Thanh tra Bộ Tư pháp đã vào cuộc xác minh, đồng thời yêu cầu Sở Tư pháp Hà Nội xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và thông báo kết quả đến Thanh tra Bộ Tư pháp, còn riêng đối với Cục Bổ trợ Tư pháp là cơ quan quản lý nhà nước về chuyên môn nên đã trả lời việc áp dụng pháp luật giữa Sở Tư pháp Hà Nội và Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh về quy định tại khoản 1 Điều 28 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP là “… để phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương…”. Tuy nhiên, nội dung này là chưa thỏa đáng đối với người khiếu nại.

Còn đối với Sở Tư pháp Hà Nội, tính đến nay, sau nhiều lần gửi đơn khiếu nại (năm 2021 và năm 2023) nhưng sự việc trên vẫn chưa được người có thẩm quyền (Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội) xem xét giải quyết, trả lời nội dung khiếu nại của bà Thùy. theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc giải quyết khiếu nại chưa được xem xét giải quyết dứt điểm nhưng vẫn ban hành quyết định cho phép thành lập Văn phòng TPL hoạt động trên địa bàn Hà Nội.

Văn phòng TPL Cầu Giấy do TPL Vũ Đình Nam làm Trưởng văn phòng được Sở Tư pháp Hà Nội ký Quyết định thành lập và đi vào hoạt động.

Văn phòng TPL Cầu Giấy do TPL Vũ Đình Nam làm Trưởng văn phòng được Sở Tư pháp Hà Nội ký Quyết định thành lập và đi vào hoạt động.

Những mánh khóe mua, bán, chuyển nhượng

Liên quan đến vụ việc, sau khi thành lập đoàn kiểm tra, ngày 8/4/2022, Cục Bổ trợ Tư pháp đã ban hành Kết luận công tác quản lý nhà nước về TPL của Sở Tư pháp TP Hà Nội do ông Vũ Văn Đoàn, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) nay là Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp ký. Theo nội dung bản Kết luận kiểm tra có 6 nội dung thì có tới 5 nội dung được Cục Bổ trợ Tư pháp chỉ ra, Sở Tư pháp Hà Nội đều có những nội dung, hạn chế, thiếu sót áp dụng không đúng quy định pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện, ban hành quyết định thành lập các Văn phòng TPL trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua.

Qua kiểm tra ngẫu nhiên 9 hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng TPL do Sở Tư pháp Hà Nội cung cấp cho Đoàn kiểm tra thì có 3 hồ sơ không đủ điều kiện. Bên cạnh đó, nhiều hồ sơ tài liệu chưa đảm bảo đầy đủ quy định của pháp luật, có dấu hiệu vi phạm nhưng Sở Tư pháp Hà Nội vẫn tiến hành đưa vào xét duyệt và cấp phép thành lập Văn phòng TPL mới.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Đoàn Văn Hường, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp cho rằng, việc phát ngôn không thuộc thẩm quyền của mình. Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Hường cũng cho biết, sau khi có dư luận xã hội phản ánh, Bộ Tư pháp đã rất kiên quyết và thành lập đoàn kiểm tra do Cục Bổ trợ Tư pháp chủ trì xuống kiểm tra việc quản lý nhà nước về hoạt động TPL trên địa bàn TP Hà Nội. Đối với đơn thư khiếu nại, đoàn kiểm tra không giải quyết các đơn thư tố cáo mà đơn thư đó chuyển Sở Tư pháp Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền.

Đối với thông tin liên quan đến những tiêu cực mua, bán, chuyển nhượng các Văn phòng Công chứng hay Văn phòng TPL hiện nay, ông Đoàn Văn Hường chia sẻ: “Không chỉ riêng gì người ngoài nói mà ngay anh em trong ngành cũng nắm được. Nhưng để có bằng chứng xử lý rất khó. Chúng tôi cũng muốn làm rõ, xử lý nhưng không biết phải giải quyết bằng cách nào? Bản thân mình đang làm công tác thanh tra, kiểm tra nếu “vào vai” đi hỏi mua, bán để củng cố chứng cứ thì nó đã sai ngay từ đầu. Do vậy, cũng rất mong các cơ quan chức năng, báo chí có sự phát hiện, có chứng cứ để chúng tôi xử lý. Chứ dù biết nó có việc như thế nhưng chúng tôi cũng chịu chết! Không biết làm gì?”.

Luật gia Nguyễn Thị Thủy cho biết, theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL “… TPL đã chuyển nhượng văn phòng TPL không được phép thành lập và tham gia thành lập văn phòng TPL mới trong thời hạn 5 năm kể từ ngày chuyển nhượng…”. Tuy nhiên, trong 30 Văn phòng TPL vừa có Quyết định thành lập do Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương ký ngày 11/01/2023 đã có nhiều TPL vừa rút khỏi thành viên hợp danh tại các Văn phòng TPL đang hoạt động, lập tức nộp hồ sơ xin thành lập văn phòng mới nhưng vẫn đủ điều kiện thành lập. Thậm chí có TPL tại thời điểm Sở Tư pháp xét duyệt và trình UBND TP thì vẫn đang là TPL hợp danh tại Văn phòng TPL.

Việc các TPL xin rút khỏi thành viên hợp danh trước thời điểm nộp hồ sơ thực chất là chuyển nhượng cổ phần của mình tại văn phòng đã được cấp phép thành lập vào năm 2014. Điển hình như trường hợp TPL Lê Đình Nam - Trưởng Văn phòng TPL Cầu Giấy (đã có Quyết định thành lập ngày 11/1/2023 do Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương ký) tham gia thành lập Văn phòng TPL Ba Đình từ năm 2014, vừa rút khỏi thành viên hợp danh tại Văn phòng TPL Ba Đình để xin thành lập mới Văn phòng TPL Cầu Giấy cùng trong tháng 11/2021. Trong khi Văn phòng TPL Ba Đình vẫn đang hoạt động rất hiệu quả, khẳng định thương hiệu từ năm 2014 đến nay, có doanh thu cao, số lượng vi bằng hàng năm dẫn đầu trong 8 Văn phòng TPL tại Hà Nội.

“Ngoài ra, TPL Lê Đình Nam đã vi phạm quy định về miễn nhiệm, bổ nhiệm nhưng vẫn đủ điều kiện cấp phép thành lập Văn phòng TPL Cầu Giấy là do có tổng thời gian hành nghề TPL là 7 năm 5 tháng và 13 ngày tại Văn phòng TPL Ba Đình. Nhưng trong thời gian hơn 7 năm đó, TPL Lê Đình Nam vẫn làm việc tại ngân hàng. Điều này có nghĩa rằng, thời gian hành nghề của TPL Lê Đình Nam từ ngày 17/3/2014 đến ngày 24/2/2021 khi vẫn kiêm nhiệm tại ngân hàng là không hợp lệ (vì vi phạm quy định tại Điều 10 của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của TPL). Do vậy, TPL Lê Đình Nam phải thực hiện thủ tục miễn nhiệm, sau đó mới thực hiện thủ tục bổ nhiệm lại thì mới được hành nghề và thời gian hành nghề chỉ được tính từ sau khi bổ nhiệm lại đến ngày nộp hồ sơ mở Văn phòng TPL Cầu Giấy (tháng 11/2021). Như vậy, thời gian hành nghề TPL của ông Lê Đình Nam tại Văn phòng TPL Ba Đình không thể là 7 năm 5 tháng và 13 ngày để là căn cứ quyết định cho việc đủ điều kiện thành lập Văn phòng TPL Cầu Giấy”, bà Thủy phân tích.

Ngày 15/3, phóng viên Báo CAND cũng đã liên lạc với ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội nhằm làm rõ nội dung liên quan đến những dấu hiệu bất thường trong việc thành lập hàng loạt Văn phòng TPL trên địa bàn Hà Nội thì ông Tuấn trả lời: “Nếu anh quan tâm đến việc này, tôi sẽ cử đồng chí Phó Giám đốc phụ trách mảng này liên hệ với anh”. Cùng ngày, phóng viên Báo CAND nhận được cuộc điện thoại từ một người đàn ông xưng tên Cường, giới thiệu đang làm ở Sở Tư pháp Hà Nội và đề nghị phóng viên cung cấp nội dung muốn làm việc để bố trí lịch tiếp. Ngày 16/3, phóng viên cũng đã mang giấy giới thiệu, đặt lịch làm việc với Sở Tư pháp Hà Nội qua bộ phận văn thư. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 tháng trôi qua, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội vẫn “bặt vô âm tín”.

Q.Trường – C.Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/ha-noi-nhung-dau-hieu-bat-thuong-trong-viec-thanh-lap-hang-loat-van-phong-thua-phat-lai-i696039/