Hà Nội ngập trong rác thải: Chuyên gia 'hiến kế' để dân bớt khổ, chính quyền bớt đau đầu

Trước tình hình Hà Nội ngập trong rác thải, nhiều chuyên gia đã đóng góp ý kiến nhằm góp phần giữ gìn cho thủ đô xanh, sạch đẹp

Đây là lần thứ 15 trong 2 năm qua, nội thành Hà Nội ngập trong rác thải sinh hoạt do không thể thu gom để đưa đi xử lý. Nguyên nhân là bãi chôn lấp rác Nam Sơn đã quá tải, dẫn đến hàng nghìn tấn rác ùn ứ ở các quận nội thành.

Những lần trước là do người dân gần khu vực bãi rác Nam Sơn chặn không cho xe rác vào bãi chôn lấp, phản đối tình trạng ô nhiễm. Còn lần này ngay cả khi người dân không chặn xe chở rác, thì rác thải sinh hoạt cũng không thể được thu gom để đưa ra khỏi thành phố.

Theo cơ quan quản lý địa phương, nguyên nhân dẫn đến rác thải bị ùn ứ, chưa thể vận chuyển hết do dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn (thuộc khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn, trên địa bàn huyện Sóc Sơn) chậm tiến độ, chưa đốt rác theo kế hoạch, trong khi đó bãi chôn lấp rác thải đã quá tải.

Hà Nội ùn ứ rác thải gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Ảnh Internet

Hà Nội ùn ứ rác thải gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị. Ảnh Internet

Vậy làm thế nào để Hà Nội giải quyết dứt điểm vấn đề trên để về lâu dài sẽ không còn tiếp lần thứ 16 hay 17 hoặc n lần rác thải sinh hoạt ngập tràn các con phố ở Hà Nội.

Hiến kế cho Hà Nội, TS Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam cho rằng, để xử lý rác thành công thì các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cần thực hiện 3 nhiệm vụ chính.

Trước hết về công tác quy hoạch nhà máy rác, điểm tập kết rác thải phải tối ưu, khoa học. Riêng đối với TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nên quy hoạch từ 3-4 nhà máy rác đủ lớn xung quanh thành phố, giảm chi phí vận chuyển, phòng ngừa sự cố và an toàn trong mọi tình huống.

Bên cạnh đó là về vấn đề lựa chọn công nghệ và lựa chọn nhà đầu tư cần có đủ tâm và tầm. Nhà đầu tư đó phải có công nghệ “trong tay” thì mới làm được. Nếu giao cho các nhà đầu tư “ngang tay” không có kinh nghiệm lại không có cả “giờ bay”, không có công nghệ trong tay thì rất rủi ro. Không xử lý được rác thì dân khổ, quan chức đau đầu, nhà đầu tư cũng khổ vì thất bại.

“Cuối cùng là công tác quản lý sau đầu tư, cơ quan chức năng phải kiểm soát tốt và thanh toán sòng phẳng cho nhà đầu tư, không nên để nhà đầu tư lạm dụng, làm ẩu”, TS. Nguyễn Đình Trọng chia sẻ.

Ngày 13/2/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 192/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025” với mục tiêu tổng quát đến năm 2025 ngành công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu về bảo vệ môi trường trong nước… trong đó mục tiêu cụ thể là nhằm: Phát triển các công nghệ xử lý, tái chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường; công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ.

Tuy nhiên theo mục tiêu trên thì hiện nay phát triển các công nghệ xử lý rác thải trong nước còn rất hạn chế, các địa phương vẫn đang loay hoay để tìm giải pháp cho vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng: Chúng ta không thể giải quyết vấn đề cũ theo cách tiếp cận cũ không còn phù hợp với tinh thần mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Từ 2021 sau nhiều lần “lỗi hẹn” Nhà máy đốt rác thu hồi năng lượng Thiên Ý vẫn chưa thể đi vào hoạt động chính thức. Một năm đôi ba lần Hà Nội lại gặp vấn đề rác thải với các nguyên nhân khác nhau, vậy câu hỏi được đặt ra là giả sử khi Nhà máy đốt rác thu hồi năng lượng Thiên Ý đi vào hoạt động thì vấn đề rác thải của Hà Nội đã giải quyết được căn cơ chưa hay còn vấn đề gì nữa. Ví dụ có cần phải xem lại qui định đấu thầu đơn vị thu gom vận chuyển đã hợp lý chưa? có phù hợp không ? làm thế nào để tránh những hệ lụy như nhiều công trình đầu tư công về cơ sở hạ tầng đô thị mà Hà Nội đã gặp phải.

Quay lại vấn đề rác thải sinh hoạt của Hà Nội mấy ngày nay bị ùn ứ, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, các cấp chính quyền phải thay đổi cách tiếp cận, quản lý. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã chính thức có hiệu lực, cách tiếp cận của chúng ta phải nhìn nhận trách nhiệm của các bên theo hướng kinh tế tuần hoàn. Việc Hà Nội ngập rác không chỉ lần đầu, rõ ràng các cơ quan quản lý của Hà Nội biết rất rõ, và biết bãi rác Nam Sơn đã quá tải như thế nào? Vậy tại sao chúng ta không có những giải pháp ứng phó triệt để? Không có ai chịu trách nhiệm cho vấn đề này vì chẳng có lãnh đạo nào bị khiển trách hay kỷ luật, khi người dân kêu thì chúng ta vội hứa và cam kết để “xoa dịu” dân”.

“Cách giải quyết như vậy khiến chúng ta mất đi rất nhiều thứ: hình ảnh của Hà Nội, ô nhiễm môi trường, người dân bức xúc, công nhân rác vất vả và quan trọng hơn cả là xói mòn niềm tin của nhân dân, vì lãnh đạo cứ “hứa” và sự việc lại tiếp tục tái diễn”, ông Tùng cho biết.

Biên pháp trước mắt, theo ông Tùng là phải xử lý triệt để không để tái diễn tình trạng rác ùn ứ. Biện pháp lâu dài bên cạnh đẩy nhanh tiến độ Nhà máy điện rác Sóc Sơn và các cơ quan quản lý cũng phải đưa ra một số kịch bản ứng phó nếu như trong quá trình vận hành nhà máy gặp trục trặc thì số lượng rác sẽ xử lý tiếp theo như thế nào? Không nên trông chờ khi nhà máy đi vào hoạt động thì mọi vấn đề về rác thải sinh hoạt tại Hà Nội đã được xử lý.

“Tiếp theo Hà Nội cần có những biện pháp tổng thể để sớm triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020 theo hướng kinh tế tuần hoàn, để làm được như vậy chúng ta phải có cơ chế chính sách cụ thể về phí môi trường, cơ chế kiểm soát các bên liên quan, chế tài đi kèm, danh mục hướng dẫn cụ thể loại rác nào tái chế được và người dân phải phân loại rác ra sao… phải có những chính sách rất cụ thể để tạo môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp tham gia thu gom, xử lý, tái chế… đi kèm với đó là công tác quy hoạch. Hà Nội phải trở thành mô hình điểm để các địa phương khác học hỏi thay vì những hình ảnh chưa đẹp và xấu xí về một thủ đô tràn ngập trong rác như vừa qua”, ông Tùng chia sẻ.

Cũng theo ông Tùng, bên cạnh các luật, nghị định, chiến lược, đề án, chúng ta cần phải có các giải pháp đi kèm để đạt được các mục tiêu đó, và các chế tài cần thiết trên nền tảng tích hợp các cơ chế chính sách liên quan để đảm bảo các mục tiêu đề ra đạt được.

Cuối cùng ông Tùng cho rằng, Hà Nội đang xây dựng phát triển theo hướng đô thị thông minh không có nghĩa là chúng ta chỉ cần ứng dụng công nghệ thông tin vào là thành thông minh. Một đô thị thông minh phải giải quyết được các vấn đề dân sinh làm sao để chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Công tác quản lý chất thải phải là một trong những vấn đề đó. Nếu chúng ta đặt rác thải là một nội dung trọng tâm của đô thị thông minh, việc áp dụng công nghệ số trong quản lý rác thải là yêu cầu bắt buộc. Các thông tin, số liệu hỗ trợ cho quản lý rác hiệu quả như chỗ nào rác đã đầy, khu phố nào rác chưa được vận chuyển, nhà máy rác nào đang xử lý bao nhiêu, khối lượng rác có khả năng tái chế tái sử dụng là bao nhiêu, số tiền thu được bao nhiêu v.v… đều được cập nhật, công khai minh bạch giúp các cơ quan quản lý, đơn vị thực hiện ra các quyết định kịp thời.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-ngap-trong-rac-thai-chuyen-gia-hien-ke-de-dan-bot-kho-chinh-quyen-bot-dau-dau-180773.html