Hà Nội 'mạnh tay' với các dự án chậm tiến độ

Hàng loạt vấn đề đã được đề cập trong cuộc tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành ủy Hà Nội tại các huyện Thanh Oai, Thanh Trì và quận Hà Đông, trong đó nóng nhất là các vấn đề về hạ tầng giao thông khu vực phía Nam Thủ đô và xử lý dự án chậm tiến độ.

Sáng 29/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội (Đơn vị bầu cử số 6) đã tiếp xúc cử tri quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, Thanh Trì báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Giảm sức ép hạ tầng giao thông

Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, Thanh Trì đã phản ánh nhiều vấn đề đặt ra trên địa bàn, kiến nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm giám sát, đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm giải quyết: ùn tắc giao thông, bất cập trong giao đất dịch vụ, chậm giải phóng mặt bằng...

Cụ thể, cử tri Bùi Tiến Dũng (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai) kiến nghị Thành phố sớm đầu tư cầu vượt nút giao Phan Trọng Tuệ - Nguyễn Xiển để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Cử tri Hoàng Bá Long nêu thực trạng đoạn đê tả Đáy qua địa phận huyện Thanh Oai bắt đầu từ K26+650 đến K43+700, dài 17,05km. Qua nhiều năm đưa vào sử dụng, với mật độ giao thông đi lại lớn nên nhiều đoạn đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

Để đảm bảo an toàn giao thông, đê điều, phòng chống lụt bão, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân, chống lấn chiếm hành lang đê, đề nghị Thành phố quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến đê tả Đáy kết hợp giao thông đoạn từ K26+650 đến K40+750 trên địa bàn huyện Thanh Oai.

Nhiều vấn đề nóng về đất đai, giải phóng mặt bằng, giao thông... được nêu ra tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 29/6.

Nhiều vấn đề nóng về đất đai, giải phóng mặt bằng, giao thông... được nêu ra tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 29/6.

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Việt Hưng (xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) phản ánh, Dự án Tổ hợp ga Ngọc Hồi đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng được 107,5ha, còn 63,4ha chưa xong.

Từ năm 2021 đến nay không được bố trí vốn, diện tích đất đã giải phóng mặt bằng đơn vị chủ đầu tư (Ban đường sắt thuộc Bộ Giao thông vận tải) không nhận bàn giao nên việc quản lý, chống lấn chiếm gặp khó khăn và không có kinh phí để thực hiện.

Theo đó, cử tri đề nghị đại biểu Quốc hội quan tâm, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải bố trí vốn thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng. Kiến nghị Ban đường sắt - Bộ Giao thông vận tải tiếp nhận diện tích đất đã giải phóng mặt bằng để đưa vào đầu tư dự án tránh tình trạng lấn chiếm, đổ phế thải gây mất an ninh trật tự tại địa phương và khó khăn trong công tác quản lý.

Cử tri cũng đề nghị Thành phố làm rõ thời gian, lộ trình triển khai tiếp tục đầu tư tuyến đường trục phía Nam để thông tuyến, đã 14 năm chưa xong, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, nhất là các huyện phía Nam và gây lãng phí công tác đầu tư.

“Siết” dự án chậm tiến độ

Bên cạnh các vấn đề về giao thông, các dự án chậm tiến độ, gây lãng phí lớn về nguồn lực đất đai trên địa bàn Thủ đô cũng được các cử tri đặc biệt quan tâm. Trước vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tới đây, Thành phố cũng sẽ quyết liệt rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai; tiếp tục kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm.

Thực tế, trong thời gian qua, Thành phố Hà Nội cũng đã và đang đẩy mạnh rà soát, thu hồi các dự án chậm triển khai. Mới đây, UBND TP đã ban hành Quyết định số 3202/QĐ-UBND ngày 13/6/2023 về việc chấm dứt, dừng thực hiện Quyết định số 2729/QĐ-UBND ngày 29/7/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc cho phép đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị Việt Á tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh.

Dự án Khu đô thị Việt Á có diện tích khoảng 23 ha, do Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư. Năm 2018, Hà Nội có quyết định thu hồi vì lý do sau 10 năm không triển khai, đầu tư.

Theo Quyết định chấm dứt, nguyên nhân thu hồi dự án là do Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á đã có văn bản đề nghị được trả lại và thôi không thực hiện dự án, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi lại diện tích đất đã giao tại Quyết định số 2335/QĐ-UBND ngày 10/7/2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Cử tri kiến nghị thành phố Hà Nội dành nhiều nguồn lực hơn để thúc đẩy hạ tầng phía Nam Thủ đô.

Cử tri kiến nghị thành phố Hà Nội dành nhiều nguồn lực hơn để thúc đẩy hạ tầng phía Nam Thủ đô.

Cùng ngày, UBND TP Hà Nội cũng ký Quyết định số 3203/QĐ-UBND về việc chấm dứt thực hiện 2 dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và đô thị (HUD) sau khoảng thời gian dài chậm triển khai.

Cụ thể, hai dự án bị thu hồi là Khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh và Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 1, với tổng diện tích 189,7 ha nằm trên địa bàn các xã Đại Thịnh, Thanh Lâm và Mê Linh. Trong đó, dự án Khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh có diện tích 136,6 ha và dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 có diện tích 53,1 ha.

Theo UBND TP Hà Nội, lý do chấm dứt thực hiện dự án là trước đây, hai dự án mới có văn bản phê duyệt địa điểm lập quy hoạch của UBND tỉnh Vĩnh Phúc (trong đó có nêu tên chủ đầu tư), nhưng chưa thực hiện thủ tục thẩm định, cho phép đầu tư theo quy định tại thời điểm phê duyệt địa điểm nêu trên.

Bên cạnh đó, hai dự án hiện đều không thuộc diện chuyển tiếp theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021 về quy định, hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Đầu tư.

UBND TP giao UBND huyện Mê Linh nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, khai thác khu đất (sau khi chấm dứt, dừng thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND TP Hà Nội), nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành.

Trao đổi thêm về các ý kiến cử tri nêu, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, tới đây, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị nhằm khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Giải bài toán ô nhiễm sông hồ

Vấn đề ô nhiễm sông hồ và nước sạch cũng được quan tâm trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 29/6. Theo cử tri Hoàng Bá Long (huyện Thanh Oai), ở các nước phát triển có các dòng sông chảy trong thành phố rất đẹp và du lịch rất phát triển ở khu vực này.

Trong khi đó, trên địa bàn huyện Thanh Oai có dòng sông Đáy và sông Nhuệ chảy qua nhưng hiện nay đang bị ô nhiễm nặng nề, không sử dụng nước sông để canh tác được. Để giải quyết được việc này, cử tri đề nghị Trung ương, Thành phố quan tâm xử lý ô nhiễm môi trường và làm sống lại 2 dòng sông.

Thay mặt lãnh đạo Thành phố trả lời kiến nghị cử tri, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết về việc cung cấp nước sạch cho hai dòng sông Nhuệ và sông Đáy, Hà Nội đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 với việc đầu tư xây dựng trạm bơm Liên Mạc. Theo kế hoạch, việc trên sẽ được tập trung đầu tư xây dựng từ năm 2024.

"Đến nay, UBND TP đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung chuẩn bị đầu tư, dự kiến trong kỳ họp HĐND cuối năm nay sẽ trình để phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm Liên Mạc", ông Quyền nói.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thêm, khi trạm bơm trên đưa vào hoạt động sẽ giải quyết được một phần bài toán ô nhiễm trước mắt. Về dài hạn, Hà Nội sẽ tính toán tách nước thải sinh hoạt, sản xuất ra khỏi nước mặt.

"Đây là một quá trình rất dài và sẽ cần đầu tư rất nhiều kinh phí, chúng tôi đang thực hiện theo lộ trình" - ông Quyền thông tin.

Mỹ Chí

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/ha-noi-apos-manh-tay-apos-voi-cac-du-an-cham-tien-do-1093541.html