Hà Nội: Khắc phục triệt để các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy

Mới đây, UBND TP Hà Nội có báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện chỉ thị của Thành ủy Hà Nội về việc nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn.

Theo đó, từ năm 2018 đến 2021, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.333 vụ cháy, trong đó có 19 vụ gây thiệt hại nghiêm trọng, làm 38 người chết, thiệt hại khoảng 272 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố hệ thống thiết bị điện (696 vụ), ngoài ra còn do sơ suất khi sử dụng nguồn lửa (92 vụ), do sự cố máy móc (21 vụ). Bên cạnh đó còn có 38 vụ cháy do thắp hương, đốt vàng mã, rò khí gas, hàn cắt kim loại...

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Tính đến tháng 6-2022, toàn thành phố có 8.546 cơ sở tiềm ẩn nguy cơ về cháy, nổ. Số cơ sở này đã được UBND các quận, huyện nắm tình hình để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Một nội dung đáng chú ý nữa là thành phố còn 2.921 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng đã đưa vào hoạt động. Thành phố đã giao các quận, huyện yêu cầu tất cả chủ đầu tư cam kết khắc phục vi phạm, đồng thời tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động 541 cơ sở.

Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hà Nội liên tục xảy ra các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản. Điển hình là vụ cháy trưa 1-8 tại quán karaoke ISIS (số 231, phố Quan Hoa, quận Cầu Giấy) làm 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC hy sinh khi làm nhiệm vụ. Mới đây, khoảng 15 giờ ngày 22-8, một đám cháy bất ngờ bùng phát tại kho xưởng của Công ty TNHH Thương mại Anh Phong Pháp thuê mặt bằng tại Công ty Cổ phần Hóa phẩm dầu khí DMC-miền Bắc (ngõ 145, đường Đình Xuyên, thôn Tế Xuyên, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm). Đáng chú ý là cơ sở này tự ý cho thuê, thay đổi công năng các hạng mục công trình nhưng không tổ chức thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định...

Để ngăn chặn nguy cơ xảy ra cháy, nổ, chính quyền và các cơ quan chức năng cần kiên quyết yêu cầu chủ các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC khắc phục triệt để vi phạm; xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành. Đồng thời, người dân cũng cần nâng cao ý thức PCCC, như: Thường xuyên kiểm tra thiết bị điện, tránh xảy ra các sự cố chập cháy; không tự ý câu móc, đấu nối dây điện tùy tiện, không để dây điện luồn qua mái lá, mái tôn, qua tấm lót sàn hoặc treo trên tường, vách làm bằng vật liệu dễ cháy; không dự trữ xăng, dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà. Ô tô, xe máy và các phương tiện, dụng cụ chứa xăng, dầu, hàng hóa dễ cháy để trong nhà phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt...

VĂN LA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/ha-noi-khac-phuc-triet-de-cac-vi-pham-ve-phong-chay-chua-chay-705271