Hà Nội ghi nhận nhiều nét mới trong công tác tổ chức lễ hội đầu năm

Theo thống kê, thành phố Hà Nội hiện có 1.661 lễ hội, trong đó có 1.051 lễ hội được thông báo tổ chức trong năm 2024. Năm nay, việc tổ chức lễ hội đã có nhiều nét mới đáng ghi nhận, tạo không khí phấn khởi, yên tâm cho du khách khi đi lễ đầu năm.

Năm nay, Đoàn kiểm tra Lễ hội của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số lễ hội lớn, tiêu biểu của Thành phố như: Lễ hội Gò Đống Đa, Lễ hội Đền Sóc, Lễ hội Đền Cổ Loa, Lễ hội Đền Sái, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng, Lễ hội Chùa Hương, Lễ hội Đền Phù Đổng, Phủ Tây Hồ, Lễ tế khai sắc - rước khai xuân, Lễ hội Đền Núi Sưa, Chùa Bà Tấm...

Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tại Lễ hội Chùa Hương.

Đặc biệt, đã ghi nhận nhiều nét mới trong công tác tổ chức lễ hội. Tiêu biểu tại Lễ hội Chùa Hương năm 2024 đã áp dụng hình thức bán vé điện tử tạo sự văn minh, minh bạch, công khai về giá, tránh thất thu ngân sách, vé giả, vé lậu trong việc kiểm soát vé. Việc tiếp tục đổi mới bỏ bán vé tại 2 vị trí cổng, đưa vào bán vé tại các vị trí trong bãi đậu xe cùng với việc phân luồng giao thông hợp lý đã giảm tối đa tình trạng ùn tắc giao thông, giảm bớt nhân lực của Ban Tổ chức trong công tác điều phối tại các điểm cổng.

Còn tại Phủ Tây Hồ, ông Trương Tiến Hồi - Trưởng tiểu Ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ cho biết, Ban Quản lý di tích quyết tâm đưa việc trông giữ xe, trông giữ phương tiện vào quy củ. Khu vực trông giữ xe có người hướng dẫn với giá niêm yết công khai theo bảng niêm yết của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Cụ thể, đối với xe máy gửi ban ngày là 5.000 đồng/xe, buổi tối 8.000 đồng/xe; xe ô tô dưới 20 chỗ 20.000 đồng/xe. Đặc biệt, người dân và du khách thập phương sẽ trả phí thông qua hình thức quét mã QR nhờ vậy gần như chấm dứt hoàn toàn việc thu lời bất chính của các đơn vị trông giữ xe.

Tại quận Ba Đình, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận Lê Thị Khanh thông tin, nét mới là ngoài các hoạt động văn hóa, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống diễn ra trong lễ hội, quận Ba Đình đã tổ chức Hội thi bày mâm Lễ đẹp trong khuôn khổ Lễ hội truyền thống "Tế khai sắc –Rước khai xuân" và Lễ hội kỷ niệm ngày sinh Đức Thánh Huyền Thiên Hắc Đế (Đền Núi Sưa) năm Giáp Thìn 2024 tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân khi tham gia Lễ hội.

Điểm mới năm nay tại Đình - Chùa Hà là Ban Quản lý di tích đã thực hiện số hóa với mã quét QR code để người dân và du khách dễ dàng tra cứu, tìm hiểu thông tin về di tích. Hiện nay, chùa Hà thu hút ngày càng đông du khách đến lễ, nhất là trai gái Hà Nội hay đến chùa Hà để cầu tình duyên. Nơi đây được biết đến là di tích nghệ thuật - di tích cách mạng kháng chiến, di tích lịch sử văn hóa.

Là khu vực ngoại thành, công tác tổ chức lễ hội tại thị xã Sơn Tây nhìn chung được chuẩn bị chu đáo. Các hoạt động mê tín dị đoan không đúng với thuần phong mỹ tục; tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm phản động, dịch vụ đổi tiền lẻ, nạn ăn xin... trong lễ hội được ngăn chặn triệt để.

Tuy có nhiều điểm đáng ghi nhận nhưng Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá, tại các lễ hội, việc tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng chưa được Ban Tổ chức chú trọng, một số lễ hội các bảng, biển quảng cáo, loa đài mở công xuất lớn chưa được kiểm soát chặt chẽ làm ảnh hưởng đến môi trường và sự tôn nghiêm của di tích.

Lễ hội kỷ niệm ngày sinh Đức Thánh Huyền Thiên Hắc Đế tại Đền Núi Sưa.

Từ nay đến hết năm, tại Hà Nội còn diễn ra khoảng hơn 1.000 lễ hội. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm việc quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy định của pháp luật, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần lành mạnh của nhân dân.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa công tác tuyền truyền về các di tích lịch sử - văn hóa, ý nghĩa lễ hội truyền thống, đồng thời phổ biến các quy định của pháp luật về lễ hội đến cán bộ và nhân dân, chú trọng tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng, tiếp tục triển khai thực hiện "Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống".

Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, Ban quản lý di tích lịch sử văn hóa tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời giải quyết những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội; quản lý chặt chẽ, thực hiện công khai, minh bạch hoạt động thu chi nguồn công đức tại di tích, lễ hội; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm tại lễ hội; kịp thời ngăn chặn những hành vi tiêu cực, lệch chuẩn, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống của dân tộc.

P.B

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-ghi-nhan-nhieu-net-moi-trong-cong-tac-to-chuc-le-hoi-dau-nam-167006.html