Hà Nội cụ thể hóa sự quan tâm đối với lực lượng phòng, chống ma túy và Công an xã bán chuyên trách (2): Động lực to lớn dành cho lực lượng chuyên trách thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy

Với tính chất phức tạp của tội phạm ma túy và vô vàn những nguy hiểm, khó khăn trong công tác phòng, chống ma túy mà lực lượng làm nhiệm vụ liên quan phải đối mặt, Công an thành phố Hà Nội nhận thấy việc tham mưu UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố xem xét ban hành Nghị quyết số 13/2023/NQ-HDDND ngày 6-12-2023 là một quyết tâm chính trị, thể hiện sự quan tâm rất lớn và sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đối với công tác phòng, chống ma túy nói chung, các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng.

Một nghị quyết đúng đắn

Trong vai trò của đơn vị có ảnh hưởng, tác động trực tiếp đối với Nghị quyết số 13 của HĐND thành phố, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định: Nghị quyết 13 ra đời rất kịp thời để động viên cán bộ làm công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trong tình hình diễn biến tội phạm ma túy hết sức phức tạp: Tăng về số vụ việc và tính chất nguy hiểm của tội phạm ma túy với thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, thường chống trả quyết liệt cơ quan chức năng khi bị phát hiện.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội

Nhiệm vụ của Viện Kiểm sát và kiểm sát viên trong công tác phòng, chống ma túy có chức năng thi hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự trong đó có các vụ án ma túy. Viện Kiểm sát là cơ quan có trách nhiệm trực tiếp phối hợp với cơ quan điều tra, cùng tham gia điều tra từ đầu các vụ án ma túy, quyết định truy tố các bị can, thi hành quyền công tố và kiểm soát xét xử tại phiên tòa các vụ án ma túy.

Nhiệm vụ chính của kiểm sát viên là phối hợp với điều tra viên để điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng phạm tội ma túy phục vụ cho công tác truy tố, xét xử các bị can.

“Trước khi có Nghị quyết 13, không có chế độ riêng cho cán bộ Viện Kiểm sát làm công tác giải quyết án ma túy. Chúng tôi có thanh toán các chế độ như làm thêm giờ, công tác phí cho cán bộ theo chế độ… Nghị quyết số 13 được thông qua là sự ghi nhận những nỗ lực cố gắng của các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy trong thời gian qua, kịp thời động viên, khuyến khích, có chính sách ưu đãi, thu hút nhân tài trong công tác phòng, chống ma túy, phù hợp với chủ trương Luật Thủ đô đang dự thảo ban hành và phù hợp với thực tiễn, đặc thù địa bàn thành phố” - ông Nguyễn Thanh Sơn nhìn nhận.

Cùng với tinh thần phấn khởi và đồng quan điểm với đại diện các cơ quan liên quan được thụ hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết 13, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thanh Trì bày tỏ: “Nghị quyết 13 thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố với những người trực tiếp làm công tác liên quan đến phòng chống ma túy. Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Sở LĐ-TB&XH về triển khai thực hiện nội dung quy định tại Phụ lục 3 Nghị quyết số 13/NQ-HĐND thành phố, lãnh đạo UBND huyện Thanh Trì đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến tinh thần nghị quyết đến cán bộ làm công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội và các tầng lớp nhân dân tại địa phương để người dân nắm rõ các chính sách hỗ trợ của thành phố đối với công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Thanh Trì

Vai trò quan trọng của cơ quan tham mưu

Được biết, để thông qua được Nghị quyết quan trọng này, Cơ quan Tham mưu - Công an thành phố Hà Nội đã báo cáo Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP xin ý kiến chỉ đạo thực hiện các bước và có đầy đủ các văn bản theo đúng thủ tục tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của Sở Tư pháp tại Công văn số 1009/STP-VBPQ ngày 28-4-2022 hướng dẫn quy trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền HĐND, UBND thành phố.

Viện Kiểm sát nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) kiểm sát việc mở niêm phong giám định ma túy và phối hợp ghi lời khai đối tượng bị tạm giữ

Cụ thể, đã báo cáo của Sở Tư pháp thẩm định Nghị quyết; Tờ trình của UBND thành phố đề nghị ban hành Nghị quyết kèm theo dự thảo Nghị quyết; Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy; Các Báo cáo đánh giá tác động, Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Báo cáo đánh giá tác động việc thực hiện chính sách, Báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức về dự thảo Nghị quyết, Báo cáo thuyết minh, giải trình liên quan đề nghị ban hành...

Về việc xin ý kiến đóng góp tác động các đơn vị chịu trách nhiệm của chính sách, Công an thành phố đã có văn bản xin ý kiến các các sở, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tham gia góp ý và văn bản đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông đăng tải hồ sơ dự thảo Nghị quyết trên Cổng thông tin điện tử thành phố (bao gồm hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết và hồ sơ đề nghị ban hành Nghị quyết); UBND thành phố có văn bản xin ý kiến các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế và Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao; Tổ chức lấy ý kiến (bằng Phiếu ghi ý kiến) của các đồng chí Ủy viên Ban Cán sự Đảng, các Ủy viên UBND thành phố đối với dự thảo Tờ trình, Nghị quyết tại Phiên họp trực tuyến UBND thành phố thường kỳ tháng 11-2023 do Chủ tịch UBND thành phố chủ trì vào ngày 9-11-2023 tại Trụ sở UBND thành phố.

Cùng với đó, ngày 14-11-2023, UBND thành phố có Tờ trình số 428/TTr-UBND báo cáo Thường trực HĐND thành phố về đề nghị xây dựng Nghị quyết và ngày 16-11t2023, HĐND thành phố có Công văn số 338/HĐND-BPC thông báo chấp thuận chủ trương xây dựng Nghị quyết.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đơn vị, Công an thành phố đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp bằng văn bản của các đơn vị tham gia góp ý. Đồng thời, có Công văn gửi Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo kết quả tiếp thu các góp ý dự thảo và tiến độ xây dựng Nghị quyết.

Công an thành phố đã tiếp thu cơ bản các ý kiến góp ý, đề nghị bổ sung nguyên tắc đối với chi hỗ trợ người được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ người bị quản lý sử dụng trái phép chất ma túy tại cấp xã theo phân công của Chủ tịch UBND cấp xã: 1 người được giao nhiệm vụ quản lý 2 hoặc 3 nhóm đối tượng thì được hưởng 1 chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của HĐND thành phố và Nghị quyết này.

“Trên cơ sở tham khảo một số đơn vị (UBND các tỉnh, thành phố) và xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan, Công an thành phố đã rà soát, đề xuất mức hỗ trợ theo đề nghị tại dự thảo Nghị quyết đảm bảo cân đối, không tác động quá lớn đến ngân sách thành phố, tương ứng với giá trị công sức, chức năng, nhiệm vụ và vị trí việc làm của cán bộ lực lượng chuyên trách và tính phù hợp với mức tiêu dùng, chi phí sinh hoạt tối thiểu trên địa bản thành phố Hà Nội” - Đại tá Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng phòng Tham mưu - CATP Hà Nội cho biết.

Sự điều chỉnh thiết thực

Thông qua kết quả khảo sát, đánh giá về mức, chi phí tối thiểu của 1 gia đình ở Hà Nội sẽ phục thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: chỗ ở, ăn uống, điện nước, y tế, giáo dục... được dao động từ 20-30 triệu đồng (với điều kiện không thuê nhà), trong khi đó, mức lương của CBCS Công an cũng như cán bộ viên chức các ngành còn tương đối thấp, điều kiện về nhà ở chưa đảm bảo, tỉnh trạng cán bộ thuê nhà, ở nhà tạm tương đối nhiều dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu để đảm bảo điều kiện CBCS, cán bộ viên chức có điều kiện sinh hoạt, làm việc tốt nhất phát huy được trí tuệ, công sức, hiệu quả cho công tác chuyên môn và công tác phòng, chống ma túy; chi phí đi lại, xăng xe, cũng như các chi phí trong quá trình hoạt động nghiệp vụ trinh sát, theo dõi, mật phục của lực lượng CSĐTTP về ma túy tương đối nhiều...

UBND xã Tân Triều, huyện Thanh Trì ra mắt điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng

Tham khảo mức hỗ trợ của Chính phủ tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được quy định: ngoài khoản hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu phi của cơ sở đào tạo nơi theo học, Nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/ tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường (khoản 2 Điều 4). Như vậy, với mức hỗ trợ 3,63 triệu được xác định là chi phí sinh hoạt tối thiểu của cá nhân (sinh viên sư phạm) tại các tỉnh, thành phố lớn nơi các trường Đại học sư phạm thường trú đóng (thời điểm này, mức lương cơ sở quy định là 1.490.000đồng/tháng); Chính sách trên đã có tác động tích cực tới việc thu hút học sinh có năng lực học tập tốt vào ngành đạo tạo giáo viên, là tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục.

Căn cứ tính chất công việc, công sức đóng góp trong công tác phòng, chống ma túy chung của thành phố, cơ quan soạn thảo đề xuất mức hỗ trợ cao nhất là 3.600.000đ/người/tháng đối với lực lượng chuyên trách trực tiếp đấu tranh tội phạm ma túy (lực lượng CSĐTTP về ma túy Công an Thành phố), các lực lượng khác tham gia phối hợp hoặc chuyên trách phòng, chống ma túy theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đề xuất các mức hỗ trợ thấp hơn (mức 2.700.000đ/người/tháng đối với lực lượng kỹ thuật nghiệp vụ (giám sát viễn thông); mức 1.800.000đ/người/tháng áp dụng đối với các đối tượng còn lại). Các mức trên còn được tính trên cơ sở hệ số lương cơ sở (bằng 2 lần, bằng 1,5 lần, bằng 1 lần), tuy nhiên, đề xuất hỗ trợ bằng mức tiền cụ thể, không quy định theo mức lương cơ sở (mức này dưa vào tham khảo ý kiến của Bộ Nội vụ trả lời UBND tỉnh Quảng Ninh tại Công văn số 2342/BNV-TL ngày 18/5/2023 "đề nghị rà soát quy định các mức hỗ trợ bằng mức tiền, không quy định theo mức lương cơ sở").

Hà Nội là địa phương có lợi thế về điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tuy nhiên, đối với công tác phòng, chống ma túy góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo ANTT, TTATXH trên địa bàn Thủ đô chưa có chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút số cán bộ chuyển trách có năng lực, phẩm chất, trình độ để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, trong khi đó với vị trí việc làm của cán bộ còn nhiều ràng buộc bởi quy định, nội quy đơn vị, lực lượng,... dễ dàng dẫn tới tỷ lệ cán bộ chiến sỹ, cán bộ, viên chức sẵn sàng rời vị trí công tác để ra ngoài kinh doanh tự do hoặc làm trong các doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài được trả lương cao, phù hợp với công sức, trí tuệ, tay nghề của cán bộ, đáp ứng được nhu cầu phát triển và duy trì điều kiện vật chất tốt hơn, là nguy cơ "chảy máu chất xám".

Với chủ trương tạo thể chế vượt trội cho Hà Nội, tạo "cú hích" phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã chú trọng tạo thêm cơ chế đặc thù về lương cán bộ, công chức, cụ thể tại Điều 18 nêu rõ: thực hiện chỉ thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, hội có tính chất đặc thù, một số cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên cho Thành phố Hà Nội quản lý theo năng lực, hiệu quả công việc, ngoài việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng chung trong cả nước. Với chủ trương trên, cơ quan thẩm tra (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đã đánh giá việc quy định về chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô là cần thiết, qua đó đảm bảo đời sống, giúp yên tâm công tác, cống hiến lâu dài, có hiệu quả phát triển của Thủ đô.

(Còn nữa)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ha-noi-cu-the-hoa-su-quan-tam-doi-voi-luc-luong-phong-chong-ma-tuy-va-cong-an-xa-ban-chuyen-trach-2-dong-luc-to-lon-danh-cho-luc-luong-chuyen-trach-thuc-hien-nhiem-vu-phong-chong-ma-tuy-post568329.antd