Hà Nội: Cột đèn, trụ điện 'thách thức' người khiếm thị

Hà Nội vẫn đang tích cực xây dựng những vỉa hè có lối đi dành cho người khiếm thị. Tuy nhiên, nhiều cột đèn, trụ điện xuất hiện ngay trên lối đi gây khó khăn cho người khiếm thị.

Theo luật giao thông đường bộ năm 2018, phần đường của người khiếm thị phải tránh các nắp cống, cây xanh, tủ cáp quang, trụ điện…Tuy nhiên, nhiều công trình xây dựng “có cũng như không” chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại cho người khiếm thị.

Nhiều nắp cống nổi xuất hiện liên tục trên đường người khiếm thị. Ảnh: Trà My

Cụ thể, trên trục đường Đại La, Minh Khai… có xây dựng tuyến đường cho người khiếm thị nhưng chưa đạt chuẩn, đường dẫn đâm thẳng vào các trụ điện, hay các cột đèn biển báo, gốc cây…

Người khiếm thị sẽ gặp phải cột đèn, trụ điện, mặc dù họ đi đúng làn đường dành cho người khiếm thị trên phố Minh Khai. Ảnh: Trà My

Theo ghi nhận của PV, cứ khoảng chục mét lại xuất hiện những nắp cống nổi ngay trên lối đi của người khiếm thị, điều này khiến người khiếm thị dễ vấp ngã, không xác định được hướng đi đúng. Không những thế, nhiều cột đèn đường, biển đón của xe bus cũng xuất hiện giữa lối đi, khiến người đi dễ bị va đập. Chính những điều này, đã khiến phần đường dành cho người khiếm thị trở nên vô dụng và làm cho người khiếm thị phải dè dặt khi sử dụng phần đường cho mình.

Những gốc cây xanh “mọc” giữa lối đi của người khiếm thị trên phố Đại La. Ảnh: Trà My

Trong khi, luật Xây dựng và luật Người Khuyết tật 2010 đã quy định cụ thể các công trình nhà chung cư, công trình công cộng khi thiết kế, thi công phải đảm bảo cho người khuyết tật có thể tiếp cận được, nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn chưa quan tâm đến điều này, dẫn đến thực trạng nêu trên tại các tuyến phố Hà Nội hiện nay.

Chị Mai (quận Hoàng Mai), một người khiếm thị chia sẻ: “Mỗi lần ra đường làm tôi cảm thấy áp lực, vì nếu không có người thân đi cùng, tôi đều loay hoay, chật vật để dò đường. Dù đã đi theo phần đường dành cho người khiếm thị nhưng không ít lần, tôi bị vấp ngã bởi những nắp cống, hay bước hụt vào những hốc cây, va vào xe đỗ trên đường. Dù là đường dành cho mình nhưng đi trong sự dò dẫm, lo sợ”.

Phần đường cho người khiếm thị trở thành chỗ để xe máy, xe đạp trước các cửa hàng. Ảnh: Trà My

Không những thế, trên các lối đi của người khiếm thị người dân còn ngang nhiên chiếm chỗ bày bán những hàng quán ăn, chiếm dụng làm chỗ đỗ xe, biển quảng cáo của các cửa hàng…Chúng chiếm một nửa, thậm chí là toàn bộ phần đường của người khiếm thị.

Cô Hạnh (quận Hai bà Trưng) sinh sống gần khu vực phản ánh: “Nhiều khi nhìn thấy người khiếm thị dò dẫm từng bước chân, nhưng vẫn ngã ngửa hay đập đầu vào các cột đèn đường. Nhiều người còn không biết đây là phần đường dành cho người khiếm thị còn để xe ngay trên đó, thật sự rất khó cho người khiếm thị”.

Nhiều hàng quán ăn bày bán, lấn chiếm toàn bộ vỉa hè. Ảnh: Trà My

Sự phát triển của khoa học và công nghệ, giúp nhiều người khiếm thị có thể đến gần hơn với các công trình công cộng. Song, do chính sự cẩu thả của các chủ thầu xây dựng và sự thiếu ý thức của người dân, vô hình đã đẩy người khiếm thị vào tình thế hoang mang lo sợ khi đi phần đường dành cho mình.

Để người khiếm thị Hà Nội thực sự có lối đi và mang lại hiệu quả, các chủ thầu cần sửa chữa, cải tạo lại các công trình xây dựng cũ, lỗi và thiết kế thêm lối đi dành riêng cho người khiếm thị.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền tới người dân về việc không lấn chiếm làn đường dành riêng cho người khiếm thị để đảm bảo cho họ có sự di chuyển an toàn, hòa nhập với xã hội một cách tốt nhất.

Đinh Trà My

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-cot-den-tru-dien-thach-thuc-nguoi-khiem-thi-post237794.html