Hà Nội: Chuyển biến tích cực trong đánh giá, công nhận cấp xã, phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Đánh giá kết quả thực hiện các quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã hoàn thành thủ tục công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; có 556/579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,03%. Trong đó, nhiều quận, huyện, thị xã có số phường, xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ 100%.

Tư vấn, trợ giúp pháp lý tại huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Đăng Công

Tư vấn, trợ giúp pháp lý tại huyện Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Đăng Công

Xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đóng vai trò quan trọng tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và xã hội

Huyện Ba Vì là một trong những địa phương có 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có vai trò ý nghĩa quan trọng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và xã hội.

Trong quá trình thực hiện, quận tổ chức quán triệt phổ biến một cách kịp thời, sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức và Nhân dân về nhiệm vụ xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn, huyện Ba Vì đã phân công một chuyên viên phòng Tư pháp làm đầu mối. Đồng thời mỗi xã, thị trấn cử 1 công chức thực hiện công chức phụ trách.

Bên cạnh cán bộ đầu mối, huyện đã có sự phân công trách nhiệm cao cho các công chức khác vì nội dung các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời phát huy tốt vai trò của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thể tham gia thực hiện xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Cùng với đó, huyện Ba Vì cũng chú trọng đến công tác khảo sát, kiểm tra tình hình thực hiện, thành lập đoàn kiểm tra công tác xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và kiểm tra việc thực hiện tại các xã… Đề ra các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới. Tại các buổi làm việc, đoàn kiểm tra đã trao đổi, giải đáp các vướng mắc phát sinh từ thực hiện triển khai của địa phương. Đồng thời kiến nghị địa phương các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực Tư pháp

Tại quận Hai Bà Trưng, ngay từ đầu năm 2023, UBND quận đã ban hành Quyết định số 193/QĐ-UBND ngày 10/2/2023 của UBND quận công nhận phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Theo đó, năm qua, quận Hai Bà Trưng có 18 phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tại cho học sinh THCS quận Long Biên. Ảnh: UBND quận Long Biên

Tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tại cho học sinh THCS quận Long Biên. Ảnh: UBND quận Long Biên

Năm 2022 công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn được tuyên truyền, triển khai từng bước đạt hiệu quả thiết thực. Công tác tuyên truyền, PBGDPL chuyển biến tích cực. Quận đã vận dụng nhiều biện pháp phù hợp từng ngành và địa phương, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đưa nội dung pháp luật phù hợp từng đối tượng. Từ đó, giúp người dân tiếp thu, nhận thức pháp luật tốt hơn.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP và hướng dẫn của Sở Tư pháp Hà Nội về triển khai Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng”, quận Hai Bà Trưng đã hưởng ứng mạnh mẽ, cuộc thi được tổ chức một cách thiết thực, hiệu quả, phát động sâu rộng cuộc thi đến cán bộ, công chức, viên chức, các đơn vị, học sinh các trường học trên địa bàn quận.

Thực hiện Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh. Cuối năm 2022, Hội đồng chuẩn tiếp cận pháp luật quận Hai Bà Trưng đã tổ chức họp triển khai, thực hiện.

Quận đã tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Quyết định số 1723/QĐ-BTP cho cán bộ và Nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác tham mưu đánh giá, công nhận địa phương đạt chuẩn văn minh đô thị; đạt chuẩn nông thôn mới, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Phòng Tư pháp - cơ quan thường trực của Hội đồng tham mưu Hội đồng ban hành văn bản phân công nhiệm vụ thành viên Hội đồng để triển khai công tác đánh giá quận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo thực hiện chế độ báo cáo, biểu mẫu, thành phần hồ sơ và các điều kiện công nhận theo quy định của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; Quyết định số 1723/QĐ-BTP và các văn bản có liên quan.

Tại quận Long Biên, năm 2022, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật đã họp đánh giá chấm điểm, trình Chủ tịch UBND quận công nhận phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với 14/14 phường đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ và phòng chống ma túy học đường cho học sinh THPT tại quận Long Biên. Ảnh: UBND quận Long Biên

Tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ và phòng chống ma túy học đường cho học sinh THPT tại quận Long Biên. Ảnh: UBND quận Long Biên

Xác định tầm quan trọng của công tác Tư pháp đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, quận Long Biên đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các phường triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ công tác Tư pháp.

Phòng Tư pháp quận đã thực hiện tốt công tác văn bản pháp quy, triển khai rà soát, thẩm định văn bản theo quy định; tham gia góp ý dự thảo 6 quy chế dân chủ trên địa bàn; góp ý dự thảo văn bản của Bộ Tư pháp về hướng dẫn thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu thuộc bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025...

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận đã ban hành nhiều kế hoạch tuyên truyền các văn bản pháp luật mới, các văn bản pháp luật liên quan đến đời sống của người dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức phù hợp, theo từng địa bàn, từng nhóm đối tượng.

Quận cũng xây dựng Kế hoạch triển khai Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng”; tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; biên soạn, tổ chức in tờ gấp một số hành vi vi phạm pháp luật (hành chính, hình sự) trong phòng, chống dịch Covid-19 và chế tài xử lý phát đến các hộ dân.

Để tạo sự đồng thuận của người dân về công tác giải phóng mặt bằng, quận Long Biên đã biên soạn tài liệu về chính sách giải phóng mặt bằng phát đến các hộ dân liên quan và tổ chức tuyên truyền về chính sách giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng đô thị cho các hộ dân liên quan tại phường Thượng Thanh, Gia Thụy, Bồ Đề, Cự Khối, Long Biên.

Bên cạnh đó, quận Long Biên cũng phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý TP, Hội luật gia quận tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền, trợ giúp pháp lý lưu động cho gần 750 lượt người; trợ giúp pháp lý trực tiếp cho 88 trường hợp, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân trên địa bàn.

Được biết, trong thời gian tới, quận Long Biên sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực Tư pháp; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lĩnh vực tư pháp; thực hiện hiệu quả thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát văn bản, thực hiện tốt công tác tự kiểm tra, rà soát; triển khai đầy đủ các nội dung quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính; triển khai tốt công tác tuyên truyền phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tuyên truyền phổ biến các văn bản mới ban hành, triển khai có hiệu quả “Ngày Pháp luật”...

Dương Quyên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-no-i-chuyen-bien-tich-cuc-trong-danh-gia-cong-nhan-cap-xa-phuo-ng-dat-chuan-tiep-can-phap-lua-t-347072.html