Hà Nội chật vật với ùn tắc giao thông

Vấn nạn ùn tắc giao thông tại Hà Nội đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn. Nguyên nhân chính là sự chênh lệch quá lớn giữa tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân và đầu tư phát triển hạ tầng cũng như mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng.

Hạ tầng quá tải

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của TP được định hướng theo hệ thống với 7 tuyến vành đai, 19 tuyến hướng tâm (trong đó có: 7 tuyến cao tốc hướng tâm; 8 tuyến quốc lộ hướng tâm; 4 tuyến kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh).

Vậy nhưng hiện tại mới chỉ cơ bản đầu tư hình thành được 7 tuyến cao tốc hướng tâm; còn lại các tuyến vành đai, hướng tâm khác hoặc đang mới hình thành từng đoạn hoặc chưa được đầu tư; đặc biệt chưa có tuyến vành đai nào được khép kín hoàn chỉnh.

Trong khi đó nhu cầu đi lại cũng như lượng phương tiện cá nhân gia tăng chóng mặt, gây áp lực vô cùng lớn lên hạ tầng giao thông.

Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng

Ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm trên đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng

Theo số liệu do Sở GTVT Hà Nội cung cấp, đến tháng 11/2022, TP có khoảng 7,9 triệu phương tiện tham gia giao thông, gồm: 1,1 triệu xe ô tô, 6,6 triệu xe máy, và 0,2 triệu xe điện. Tốc độ tăng trưởng phương tiện giai đoạn 2019 - 2022 bình quân trên 10%/năm đối với ô tô, 3%/năm đối với xe máy. Chưa kể, tham gia giao thông tại Hà Nội còn có hàng triệu phương tiện từ các tỉnh, TP khác.

Còn tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị của Thủ đô mới đạt khoảng 10,3% (yêu cầu đặt ra là 20 - 26%). Diện tích đất cho giao thông tăng bình quân hằng năm chỉ 0,26 - 0,3%/năm; quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%. Trong khi đó tốc độ gia tăng dân số tự nhiên và cơ học giai đoạn 2011 - 2020 là khoảng 2,48%/năm.

Sự chênh lệch đó tất yếu dẫn đến quá tải hạ tầng giao thông ngày càng trầm trọng, nhất là trên những tuyến đường cấp đô thị hướng tâm, vành đai, các cầu vượt sông Hồng…

Phó trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội Trần Hợp Dũng cho hay, qua rà soát cho thấy, cầu lưu lượng giao thông qua cầu Thanh Trì đã gấp 8,1 lần thiết kế; cầu Vĩnh Tuy gấp 6,3 lần. Một số tuyến giao thông hướng tâm như đường Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Huỳnh Thúc Kháng... vào giờ cao điểm lưu lượng phương tiện vượt từ 1,1 - 1,8 lần thiết kế. Nút Ngã Tư Sở và đường Láng có lưu lượng vượt gần gấp 3 lần thiết kế.

Ông Đỗ Xuân Trường - Phó Giám đốc Trung tâm III, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nhận định, hạ tầng giao thông của Hà Nội mới chủ yếu khai thác trên mặt đất (vốn rất hạn chế về quỹ đất).

Việc khai thác không gian trên cao, không gian ngầm, đặc biệt tại nhiều nút giao thông trọng điểm chưa hiệu quả, đa số các nút giao thông khác mức mới là các nút giao thông dạng trực thông. Chưa tách được các luồng giao thông đối ngoại ra khỏi khu vực nội thành do đường Vành đai 4 chưa hình thành, các bến xe liên tỉnh nằm sâu trong nội thành.

Mặt khác, đường đô thị ngoài chức năng cơ bản là giao thông còn để bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm và nổi. Hà Nội đang trong giai đoạn phát triển hạ tầng đô thị với tốc độ cao nên tình trạng phải đào đường, đào hè để xây dựng, cải tạo, sửa chữa những công trình ngầm nổi vẫn đang được thực hiện với với khối lượng lớn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến UTGT.

Vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh những khó khăn về hạ tầng, áp lực giao thông khổng lồ của Hà Nội còn khó giải tỏa do mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chưa đáp ứng nhu cầu đi lại.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, hệ thống VTHKCC của TP mới đảm nhận được thị phần vận tải khoảng 19,5%. Mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT) được xem như xương sống của VTHKCC chậm phát triển, mới chỉ có một tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành.

Hà Nội còn có mạng lưới xe buýt phủ sóng đến toàn bộ xã, phường, thị trấn với 153 tuyến. Tuy nhiên, do thiếu đường dành riêng, phải lưu thông chung với xe cá nhân, và chịu áp lực từ UTGT nên chưa bảo đảm được yêu cầu của hành khách.

Mặt khác, hành lang đi cho hành khách đi bộ đến điểm dừng đỗ, điểm trung chuyển xe buýt, điểm đầu cuối xe buýt đều rất thiếu so với yêu cầu, thậm chí bị chiếm dụng, khiến bộ phận không nhỏ người dân chưa mặn mà với loại hình VTHKCC, vẫn ưa chuộng sử dụng xe cá nhân. Hà Nội còn là TP có khí hậu không thuận lợi cho đi bộ nên việc sử dụng phương tiện giao thông cho đi lại chặng ngắn rất cao.

Ngoài ra, công tác tổ chức, điều hành giao thông của TP cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Đỗ Xuân Trường chia sẻ, Hà Nội là đô thị có lịch sử phát triển lâu đời nên còn tồn tại nhiều “làng trong phố", khu dân cư phát triển tự phát với hệ thống ngõ, ngách chẳng chịt nên việc tổ chức giao thông một cách tối ưu theo tầng bậc là rất khó khăn.

Việc tái cấu trúc đô thị theo hướng đa cực, đa trung tâm, di dời các trường đại học, bệnh viện lớn, cơ sở sản xuất công nghiệp và hệ thống công sở theo quy hoạch chưa đạt theo yêu cầu. Vì vậy áp lực lên hệ thống giao thông đô thị không được giảm bớt, thậm chí còn nặng nề hơn ở khu vực giữa đường Vành đai 2 và đường Vành đai 3.

Hệ thống thoát nước hiện cũng đang ở tình trạng thiếu và quá tải nên việc xảy ra ùn tắc nặng nề vào những ngày có mưa lớn thường xuyên xảy ra. Việc áp dụng công nghệ thông tin cho việc tổ chức, điều hành giao thông cũng gặp nhiều khó khăn do hạ tầng công nghệ thông tin còn yếu, chưa có cơ sở dữ liệu lớn của hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có giao thông.

Sự gia tăng dân số cơ học, việc chậm triển khai kế hoạch di dời các cơ sở gây ô nhiễm, trường đại học ra khỏi nội đô đang khiến cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có giao thông, quá tải.
Phó trưởng Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội Trần Hợp Dũng

Tình trạng UTGT đang gây lãng phí tiền bạc, thời gian, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa nói chung. Tình trạng này có thể còn kéo dài nhiều năm nữa do muôn vàn khó khăn đang bủa vây giao thông Hà Nội, hầu hết đều không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Minh Tường - Ngọc Trang

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-chat-vat-voi-un-tac-giao-thong.html