Hà Nội: Các cấp công đoàn chi hỗ trợ 1,2 triệu lượt đoàn viên

Giai đoạn 2018-2023, từ nguồn 'Quỹ Xã hội Công đoàn' và ngân sách công đoàn, các cấp Công đoàn TP. Hà Nội đã chi hỗ trợ cho 1,2 triệu lượt đoàn viên, người lao động, với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn TP. Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp Công đoàn Thành phố luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động với nội dung và hình thức đa dạng hơn, gắn với nhu cầu thực tế.

Đối tượng chăm lo không chỉ là đoàn viên, người lao động gặp khó khăn mà cả các đoàn viên, người lao động có thành tích cao trong lao động, sản xuất, cán bộ công đoàn tiêu biểu, qua đó khích lệ tinh thần vươn lên và nhân rộng điển hình tiên tiến.

Giai đoạn 2018-2023, từ nguồn “Quỹ Xã hội Công đoàn” và ngân sách công đoàn, các cấp Công đoàn Thành phố đã chi hỗ trợ cho 1,2 triệu lượt đoàn viên, người lao động, với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các hoạt động như: tổ chức chương trình “Tết sum vầy”; “Chuyến xe 0 đồng”; “Chợ tết công đoàn”, các hoạt động chăm lo nhân Tháng công nhân hàng năm…

Ảnh minh họa.

Đồng thời, đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 285 nhà “Mái ấm Công đoàn” với số tiền 9,8 tỷ đồng; ủng hộ 41,6 tỷ đồng cho các Quỹ do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội phát động;

Các cấp Công đoàn TP. Hà Nội cũng đã làm tốt Chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên công đoàn”, tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên với giá ưu đãi.

Các hoạt động này đã góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, thông qua đó thể hiện rõ hơn vai trò của tổ chức Công đoàn - là tổ ấm của người lao động.

Trong đầu năm 2023, trước tình hình các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị thiếu việc làm, mất việc làm; LĐLĐ TP. Hà Nội đã nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 06/NQ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để hỗ trợ kịp thời cho người lao động khó khăn ở các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, với số tiền 1,5 tỷ đồng.

Cùng với đó, Quỹ trợ vốn công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình hiện đang quản lý 69 tỷ 306 triệu đồng.

Trong nhiệm kỳ qua đã giải ngân 283,1 tỷ đồng cho 11.500 lượt đoàn viên, công nhân lao động vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống.

Đến nay đã có gần 3.000 đoàn viên, CNVCLĐ tại 179 Công đoàn cơ sở lần đầu được tiếp cận nguồn vốn, với số tiền giải ngân 73 tỷ 590 triệu đồng; xét duyệt 36 dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, với số tiền giải ngân 6,3 tỷ đồng cho 120 hộ gia đình đoàn viên, CNVCLĐ.

Qua hoạt động của Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, CNVCLĐ, hạn chế và đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn Thủ đô.

Điểm nhấn nữa trong hoạt động chăm lo cho CNVCLĐ của các cấp Công đoàn TP Hà Nội là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, các cấp Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô đã thể hiện được trách nhiệm, bản lĩnh, sự kiên cường; xứng đáng là lực lượng gương mẫu, tiên phong, đi đầu trong công tác phòng chống dịch và thực hiện thắng lợi “Mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa ổn định phát triển sản xuất kinh doanh.

Trước bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động; hàng chục nghìn công nhân lao động đã phải ngừng việc, mất việc làm, mất thu nhập.

Để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với đoàn viên, người lao động, riêng trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 các cấp Công đoàn TP. Hà Nội đã trích từ ngân sách Công đoàn và vận động nguồn lực xã hội hóa với số tiền trên 100 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ cho 120 nghìn đoàn viên, người lao động; thăm hỏi các lực lượng tuyến đầu; ủng hộ Quỹ Vaccine và công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ bữa ăn ca “3 tại chỗ”…

Trong lúc TP. Hà Nội áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, nhiều công nhân lao động đang đối diện với những khó khăn và thường xuyên bị mắc kẹt tại các khu nhà trọ. Đã có nhiều mô hình và phương pháp sáng tạo được LĐLĐ TP. Hà Nội hướng dẫn triển khai và thực hiện thí điểm.

Cụ thể như chương trình “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ ứng phó khẩn cấp”, thiết lập “Đường dây nóng hỗ trợ Công nhân”, “Tổ an toàn Covid-19”… Các mô hình này đã hỗ trợ công tác phòng dịch, tiếp nhận thông tin; vận chuyển, hỗ trợ kịp thời 90.000 “Túi An sinh Công đoàn” đến với CNLĐ gặp khó khăn trong dịch bệnh. Với tính hiệu quả đó, các mô hình đã tiếp tục được nhân rộng áp dụng trong toàn hệ thống.

Trong khoảng thời gian này, nhiều cán bộ Công đoàn đã thể hiện sự hy sinh và sẵn sàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh để tự mình chăm sóc, hỗ trợ và động viên đoàn viên cũng như người lao động tại các khu cách ly và những nơi bị phong tỏa.

Họ cũng đã tích cực thúc đẩy việc thuyết phục chủ nhà trọ giảm giá thuê hoặc miễn giá thuê trọ cho công nhân. Tất cả những nỗ lực này đã để lại ấn tượng mạnh mẽ.

Những việc làm này đã góp phần làm cho đoàn viên và người lao động tin tưởng và yên tâm, cũng như kết nối sâu sắc với tổ chức công đoàn, doanh nghiệp, và cả lòng tin vào chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc đối phó với dịch bệnh. Tất cả những đóng góp này đã đóng phần quan trọng trong thành công chung của Thủ đô và toàn quốc trong cuộc chiến đấu chống lại dịch bệnh.

N.T.D

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ha-noi-cac-cap-cong-doan-chi-ho-tro-1-2-trieu-luot-doan-vien-401031.html