Hà Nội: Bát nháo xe điện không biển số ở Đường Lâm

Thời gian gần đây, làng cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội xuất hiện nhan nhản xe điện chở khách hoạt động tự do, không biển số.

Điều này gây bất an cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm làng cổ này.

Hoạt động bát nháo

Những ngày cuối tuần qua, có mặt tại khu du lịch làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây), ghi nhận của PV cho thấy, nhiều chiếc xe điện không biển số vẫn vô tư đưa đón khách.

Đơn vị được cấp phép hoạt động nhưng vẫn tồn tại nhiều phương tiện chưa có biển số.

Ở cổng làng Mông Phụ, Ban quản lý quy định cấm ô tô, xe máy của khách du lịch vào làng. Điều này được hiểu rằng, nếu không muốn đi bộ, khách du lịch chỉ có thể thuê phương tiện vào làng.

Phương tiện duy nhất xuất hiện phục vụ khách du lịch chính là xe điện. Theo quan sát của PV, quanh khu vực làng cổ Đường Lâm có khoảng 25 - 30 chiếc xe điện hoạt động. Đáng nói, trong số này chỉ có vài xe mới, có biển số. Còn lại là xe cũ nát, không biển số, biển hiệu, chỉ có số điện thoại gắn lên xe.

Theo Sở GTVT Hà Nội, những năm trước hoạt động xe điện chở khách ở chùa Hương diễn ra bát nháo, thu giá sai quy định thì năm nay hoạt động đã nền nếp hơn. Qua kiểm tra cho thấy, xe điện ở chùa Hương được kiểm định và cấp giấy chứng nhận. Khi tham gia giao thông chở khách đều được đăng ký, gắn biển số. Với lái xe, đơn vị cũng yêu cầu phải có giấy phép lái xe hạng B2 trở lên và được huấn luyện tập huấn nghiệp vụ theo quy định của Bộ GTVT.

Trong vai một hành khách, PV di chuyển trên chiếc xe điện không biển số và được lái xe cho biết, đa phần khách tới đây đều di chuyển bằng xe điện nên nhiều thời điểm bị quá tải, nhất là dịp cuối tuần. Người lái xe cho biết, mức giá theo thương lượng, số người ngồi trên xe cũng lúc đông, lúc vài người chứ không có quy định gì.

Đáng nói, quá trình di chuyển, lái xe lao đi vun vút, trên xe có người già, trẻ em, phụ nữ đang mang bầu nhưng không có dây an toàn. Một quãng đường di chuyển chưa đến 500m, nhưng lái xe lấy tới 150.000 đồng/người, trong khi thử đi ở tuyến xe điện được cấp phép, mức giá này chỉ 70.000 đồng/người.

Quan sát của PV cho thấy, một số xe thậm chí ghi rõ thuộc HTX Dịch vụ vận tải du lịch Xuân Nội song cũng không có biển số.

Chị Nguyễn Thị Thu Hương (trú Sơn Tây) bày tỏ bức xúc: "Công ty tôi vừa đi vãn cảnh ở đây. Tôi làm về tài chính nên rất bức xúc khi thấy giá vé xe điện rất loạn, thu tùy tiện. Có xe hoen gỉ, lái xe phải liên tục dừng lại trên đường để sửa nhưng vẫn đem ra phục vụ người dân".

Sẽ yêu cầu kiểm tra, xử lý

Ông Hà Quang Lực, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ du lịch Quang Lực (Công ty Quang Lực) cho biết, hiện ở Đường Lâm chỉ có 5 xe được Sở GTVT Hà Nội cấp phép (3 xe thuộc Công ty Quang Lực, 2 xe thuộc HTX Dịch vụ vận tải du lịch Xuân Nội). Các xe này được cấp phép từ khoảng tháng 3/2023.

Xe điện không biển số vô tư chở khách tại Đường Lâm.

Theo ông Lực, để có thể cấp phép, đơn vị của ông phải đầu tư mua xe mới, đầy đủ giấy chứng nhận, kiểm định an toàn. Chưa kể, để được cấp phép, tốn rất nhiều công sức, thời gian. Thế nhưng, các xe cũ nát, không biển số ngang nhiên hoạt động khiến các xe được cấp phép rất khó cạnh tranh.

Ông Lực cũng cho biết đang xin Sở GTVT Hà Nội cấp phép thêm cho một số xe do nhu cầu của du khách tăng cao.

Trước thông tin phản ánh trên, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã tiếp nhận thông tin và đang yêu cầu địa phương phối hợp xử lý. Sở GTVT cũng giao Thanh tra rà soát, kiểm tra xử lý các phương tiện hoạt động không đúng quy định về kinh doanh vận tải.

Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, loại hình xe điện phục vụ khách du lịch được UBND TP Hà Nội cho phép thí điểm hoạt động từ tháng 6/2010 với 20 chiếc hoạt động trong khu vực phố cổ. Đến nay, toàn thành phố đã có 96 phương tiện thuộc 5 doanh nghiệp khai thác vận hành.

"Xe điện được đánh giá có hiệu quả cao, mức giá hợp lý, đáp ứng khá tốt nhu cầu đi lại của du khách. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới hơn 67% người được phỏng vấn có nhu cầu sử dụng xe điện làm phương tiện tham quan tại Hà Nội. Tuy nhiên, để hoạt động kinh doanh được bình đẳng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, rất cần các địa phương, thanh tra GTVT phối hợp, quản lý chặt, xử lý nghiêm các hoạt động tự phát, bất chấp quy định gây thất thu thuế", vị đại diện Sở GTVT Hà Nội bày tỏ.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy - chuyên gia giao thông cho rằng, việc để các xe cũ nát không phép vẫn hoạt động là không đúng quy định, điều này gây ra bất bình đẳng với xe đã đăng ký. Trong khi đó đơn vị kinh doanh đã đầu tư rất lớn để mua sắm các xe mới đạt tiêu chuẩn, phí thu được bị quản lý, nộp thuế cơ quan Nhà nước. Vì thế, để bất cập này tồn tại phải truy trách nhiệm của địa phương về việc quản lý, kiểm soát ra sao.

Từ ngày 25/10/2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt đề án Quy định số lượng xe chở người 4 bánh sử dụng động cơ điện phục vụ kinh doanh vận tải theo khu vực trên địa bàn Hà Nội phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông.

Từ năm 2024, UBND thành phố Hà Nội sửa đổi quyết định bổ sung đề án này. Theo đó, ngoài Đường Lâm còn có 8 tuyến thí điểm xe điện chở khách du lịch như khu vực phố cổ, khu vực Hồ Tây, khu vực chùa Hương, khu du lịch Bát Tràng, điểm đỗ xe Bãi Đá (Trần Quang Khải), khu du lịch Thiên Sơn - Suối Ngà, công viên Yên Sở, khu du lịch Thác Bạc - Suối Sao.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-bat-nhao-xe-dien-khong-bien-so-o-duong-lam-192240319075439869.htm