'Hạ nhiệt' chi phí logistics để doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh

Chi phí logistics cao không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành vật cản đối với doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường mới.

Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, so với bình quân thế giới là 10,7%. Tính trong ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore đang ở mức 8,5%, Malaysia 13% và Thái Lan là 15,5%.

Chi phí cao làm hạn chế sức cạnh tranh của hàng hóa Việt

Theo các chuyên gia bán lẻ, hàng hóa Việt phải chịu quá nhiều chi phí logistics như vận tải nội địa, phí và phụ phí vận tải do các hãng tàu tự ý thu của chủ hàng.

Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc miền cao cấp, chuỗi bán lẻ Winmart cho biết: Chi phí logistics cho các sản phẩm nông sản rất cao chiếm 30%, làm thế nào giảm chi phí này? Đây là vấn đề thách thức đối với các đơn vị bán lẻ, nhà sản xuất, bởi nó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các ngành hàng, địa phương, thậm chí là ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của quốc gia.

"Sau khi làm việc với các doanh nghiệp vận chuyển trong nước và quốc tế hiện nay Wincommerce vẫn chưa tìm ra được giải pháp, nhất là trong thời kỳ cao điểm thu hoạch nông sản, đặc biệt là vấn đề tồn kho", ông Hà cho hay.

Chi phí logistics cho các sản phẩm nông sản chiếm 30% giá trị hàng hóa.

Chi phí logistics cho các sản phẩm nông sản chiếm 30% giá trị hàng hóa.

Đồng tình với phản ánh này, đại diện Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho rằng, mặc dù hệ thống cảng biển, sân bay đã được đầu tư, mở rộng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của ngành logistics, dẫn đến tình trạng quá tải và chậm trễ trong thủ tục xếp dỡ hàng hóa.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hơn 50% số cảng biển phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics. Trong khi đó, hơn 50% số đường bộ phải chịu tình trạng kém chất lượng và không đảm bảo an toàn cho việc vận chuyển hàng hóa. Hơn 40% số sân bay phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics. Còn với các kho bãi tại Việt Nam, có đến hơn 50% số cơ sở kho bãi phải chịu tình trạng quá tải và thiếu hụt các tiện ích phục vụ logistics.

Chính sự lép vế của doanh nghiệp logistics Việt Nam trước doanh nghiệp nước ngoài khiến doanh nghiệp Việt Nam thường xuyên bị hãng tàu nước ngoài ép giá ở mức cao nhưng không có giải pháp xử lý. Ngoài ra, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chồng chéo giữa nhiều bộ ngành khiến cho thời gian thông quan bị kéo dài, gây phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Phan Thanh Hưng, Công ty CP Dịch vụ Giao nhận vận tải quốc tế cho biết: "Doanh nghiệp chúng tôi làm hàng quá cảnh, trong thời gian qua có nhiều chi phí phát sinh đối với hàng quá cảnh, khiến chi phí logistics tăng cao. Chẳng hạn như, phí hạ tầng cảng biển TP.HCM, một container hàng quá cảnh doanh nghiệp phải nộp 4,4 triệu đồng; lên Mộc Bài doanh nghiệp phải đóng thêm 2,5 triệu đồng. Như vậy, 1 container hàng doanh nghiệp vận chuyển từ TP.HCM lên Mộc Bài mất 6,9 triệu đồng cho chi phí hạ tầng".

Bên cạnh đó, chi phí cho công tác kiểm tra chuyên ngành, như kiểm dịch… cũng rất tốn kém do doanh nghiệp phải đóng phí lưu container, lưu bãi dài ngày. Chẳng hạn, với mặt hàng sữa lon, doanh nghiệp phải thực hiện kiểm dịch động vật, phải ra Hà Nội xin giấy kiểm dịch và phải chờ trong 1-2 tháng, trong khi thời gian kéo hàng từ cảng Cát Lái đi Mộc Bài chỉ mất vài tiếng đồng hồ. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải nộp nhiều khoản phí do các hãng tàu đặt ra khá nhiều…

“Với những yếu tố này, khiến chi phí logistics của doanh nghiệp ở mức cao. Trong thời gian qua, hàng hóa quá cảnh của doanh nghiệp đã giảm rất nhiều. Từ thực tế trên, đề nghị các cơ quan quản lý chuyên ngành cần xem xét cắt giảm các mặt hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành”, ông Hưng kiến nghị.

Giải pháp nào để hạ chi phí logistics?

Trước tình trạng chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn trên tổng giá trị hàng hóa đang làm tiêu hao nguồn lực quốc gia, đẩy giá thành sản xuất và giá hàng hóa lên cao, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và sức hấp dẫn đầu tư của nền kinh tế, các chuyên gia cho rằng cần thiết phải giảm chi phí này xuống ít nhất là bằng với mức chi phí chung trên toàn cầu.

Để có thể làm được điều này, nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng các cơ quan chức năng liên quan cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư vào xây dựng các sân bay và các cơ sở kho bãi hiện đại để nâng cao khả năng lưu thông và quản lý hàng hóa. Đồng thời, tăng cường đầu tư vào các tuyến đường vận tải, bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy để nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa.

Liên quan đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm dịch vụ logistics khu vực Đông Nam Á, Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, trung tâm dịch vụ logistics bởi đầu tư lĩnh vực này cần kinh phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rủi ro cao. “Phải có cơ chế chính sách, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển, đặc biệt xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế”, ông Hiệp đề xuất.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đề xuất tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, bao gồm việc giảm các quy định pháp lý rườm rà, giảm chi phí vận hành và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào ngành.

Có chính sách phát triển cụm cảng trên sông Đồng Nai, đặc biệt là cảng Cát Lái, tăng năng lực, đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải xanh (vận chuyển sà lan) kết nối cảng Cát Lái với các Cảng, ICD tại các khu vực kinh tế Bình Dương, Đồng Nai, ĐBSCL... Trong quy hoạch hạ tầng, cần tính toán đến kế hoạch nạo vét, quy định độ tĩnh không phù hợp để kết nối mang tính lâu dài, có tiềm năng phát triển theo xu hướng vận tải quốc tế.

Tại Diễn đàn Logistics khu vực châu Âu - châu Mỹ vừa tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Sam Mo cũng kiến nghị, Việt Nam nên hình thành hệ thống EDI (hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử).

Cụ thể, các bên liên quan đến logistics như công ty vận tải, kho hàng, hải quan… được kết nối thông qua hệ thống điện tử duy nhất để giúp doanh nghiệp tiếp nhận thông tin nhanh chóng, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí. “Chính phủ tiêu chuẩn hóa dịch vụ hạ tầng logistics bằng việc áp dụng giá cước chuẩn hóa, thống nhất hệ thống thu phí, giúp nâng cao lòng tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp”- ông Mo hiến kế.

Đồng thời, Việt Nam cần có chính sách để thu hút FDI vào ngành logistics. Các cơ quan quản lý cần nới lỏng tỷ lệ vốn đầu tư vào logistics trên vốn đầu tư nước ngoài để không kìm hãm nguồn vốn FDI vào ngành logistics Việt Nam.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-thuong/ha-nhiet-chi-phi-logistics-de-doanh-nghiep-nang-cao-suc-canh-tranh-1094578.html