Hà Nam: Tiếp tục 'vượt bão', tận dụng mọi cơ hội để bứt tốc

Với quyết tâm, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành và địa phương, tỉnh Hà Nam đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục 'vượt bão', làm bừng sáng hơn nữa bức tranh kinh tế năm 2024.

Tăng trưởng ngoạn mục

Năm 2023, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức; tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân. Tuy nhiên, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, ủng hộ, đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, Hà Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, qua đó đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng –an ninh...

Cụ thể, ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thực hiện nghiêm quy chế làm việc và nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, quản lý, điều hành của UBND, MTTQ và các đoàn thể.

Kinh tế - xã hội của tỉnh giữ được ổn định và có bước phát triển, tốc độ tăng trưởng đạt 9,41% (đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 8 cả nước); Thu ngân sách Nhà nước vượt kế hoạch đề ra (là một trong 17 tỉnh tự cân đối ngân sách năm 2023).

Công nghiệp, thương mại - dịch vụ có bước tăng trưởng khá. Công nghiệp hóa nông nghiệp được đẩy mạnh, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu vượt kế hoạch đề ra (toàn tỉnh đã có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu).

Chương trình phát triển đô thị được đẩy mạnh. Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với định hướng: Đến năm 2030, xây dựng tỉnh Hà Nam giàu đẹp, văn minh, phấn đấu đạt mức phát triển khá của Vùng đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; kinh tế thịnh vượng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; con người Hà Nam phát triển toàn diện.

Đây là cơ sở để tỉnh Hà Nam huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, kết nối với các tỉnh thành phố trong cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng an ninh.Hạ tầng khung kết nối liên vùng được đầu tư xây dựng; Văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, trong năm qua, Hà Nam vinh dự được Giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới". Năm 2023, Hà Nam cũng tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước Châu Âu (Đức, Hà Lan, Hungary), Singapore, Úc, Malaysia và Mỹ...nhằm giới thiệu chủ trương thu hút đầu tư cũng như tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; trực tiếp kêu gọi, ký kết hợp tác với các đối tác nước ngoài.

Năm 2023, Hà Nam thu hút được 35 dự án FDI đầu tư cấp mới tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư là 549 triệu USD (bằng 156% so với cùng kỳ năm 2022).

Bên cạnh đó, Hà Nam tiếp tục là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về giáo dục. Mặt khác, tỉnh cũng thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; quan tâm thăm hỏi, tặng quà người có công với cách mạng, hộ nghèo, người cao tuổi, người lao động gặp khó khăn...; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,11%.

Năm qua, Hà Nam cũng tổ chức thành công Cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh; giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành 100% chỉ tiêu cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử.

 Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: hanam.gov.vn

Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh: hanam.gov.vn

Kết quả đạt được trong năm qua là sự kế thừa và phát huy thành quả của cả quá trình phấn đấu, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh và các thế hệ cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa và cán bộ chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ với quyết tâm xây dựng quê hương Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Tiếp tục 'vượt bão' tạo đà phát triển

Năm 2024 được xác định là năm then chốt, tạo đà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2024, Ban thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh xác định những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng- an ninh, an sinh xã hội…

Đó là, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động...

Các cấp chính quyền cần tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, tạo quỹ đất sạch để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện các dự án có thu tiền sử dụng đất hoặc bàn giao mặt bằng sạch cho các địa phương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; trọng tâm là giải phóng mặt bằng để triển khai đầu tư các dự án thuộc Quy hoạch phân khu khu đô thị Bắc Châu Giang, thành phố Phủ Lý; khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, thể dục thể thao tại các xã Liên Sơn, Thi Sơn, huyện Kim Bảng; Khu Đại học Nam Cao, khu đô thị khu vực phía Bắc đô thị Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân...

Rà soát tất cả các đối tượng thu, nguồn thu để thu sát số phát sinh, chống thất thu, chuyển giá, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu thu cân đối ngân sách tăng 25,5% so với thực hiện năm 2023.

Tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các đồ án quy hoạch, chương trình, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển; đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án giao thông liên kết vùng, dự án được bố trí vốn lớn; phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2024.

Riêng đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp, tỉnh đã và đang chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, địa phương liên quan tập trung hoàn thiện thủ tục để hình thành và phát triển khu công nghệ cao Hà Nam tạo động lực tăng trưởng mới. Hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án có vốn đầu tư lớn, dự án nhà ở công nhân và các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp… hoàn thiện thủ tục, sớm đi vào khởi công, đầu tư xây dựng. Trên tinh thần, đồng hành cùng doanh nghiệp “vượt bão”, Hà Nam sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện hiệu quả kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2024 tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Singapore, Malaysia...

Về du lịch, dựa trên lợi thế đặc trưng của Khu du lịch Tam Chúc, Hà Nam sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, thể thao có quy mô, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, vui chơi giải trí của khách du lịch.

Nông nghiệp vẫn được xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, vì vậy, cùng với việc tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án, mô hình có hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương rà soát, đánh giá tổng thể hiệu quả các mô hình, đề án, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu ban hành mới các cơ chế, chính sách, mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, nhằm không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân; thay thế, bãi bỏ các cơ chế, chính sách người dân khó tiếp cận, không phù hợp thực tiễn, hiệu quả không cao.

Tiếp tục huy động và lồng ghép các nguồn lực để củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới; phấn đấu đến hết năm 2024, toàn tỉnh có ít nhất 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân trong tỉnh.

Trần Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-nam-tiep-tuc-vuot-bao-tan-dung-moi-co-hoi-de-but-toc-post282899.html