Hà Nam phát triển cụm công nghiệp phù hợp với mục tiêu chung

Hà Nam đang chuẩn bị triển khai phương án phát triển cụm công nghiệp đã được xây dựng nhằm thực hiện mục tiêu chung phát triển công nghiệp công nghệ cao.

Nhu cầu lớn

Theo thông tin từ UBND tỉnh Hà Nam, từ trước năm 2009 (thời điểm ban hành Quyết định 105/2009/QĐ-TTg về quản lý cụm công nghiệp), Hà Nam thành lập các cụm công nghiệp (CCN) với mục đích chính tạo mặt bằng cho các cơ sở sản xuất thuộc diện giải tỏa, cơ sở trong các làng nghề di dời ra khỏi khu dân cư; nguồn vốn xây dụng cơ sở hạ tầng chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước, nhà đầu tư chưa quan tâm nên hạ tầng CCN còn chưa đầy đủ.

Thời gian gần đây, thu hút đầu tư hạ tầng vào CCN tăng nhanh do các hiệp định thương mại có hiệu lực, xung đột chính trị, thương mại trên thế giới khiến làn sóng đầu tư vào Hà Nam tăng nhanh. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư xin mở rộng, bổ sung mới CCN để đầu tư hạ tầng.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Nam với trên 60 làng nghề và trên 110 làng có nghề tiểu thủ công nghiệp đang rất cần mặt bằng để di dời các cơ sở sản công nghiệp nông thôn nhằm khắc phục tình trạng sản xuất chật chội, nguy cơ ô nhiễm môi trường, phòng chống cháy nổ...

Hà Nam phát triển cụm công nghiệp phù hợp với mục tiêu chung. Ảnh minh họa

Hà Nam phát triển cụm công nghiệp phù hợp với mục tiêu chung. Ảnh minh họa

Mặt khác, hiện các CCN đã thành lập và đi vào hoạt động cơ bản đã lấp đầy. Đối với các cụm dự kiến phát triển đều có nhà đầu tư hạ tầng xin nghiên cứu và cam kết cơ bản lấp đầy CCN ngay trong giai đoạn 2021-2025.

Có thể thấy nhu cầu mặt bằng trong các CCN hiện nay và những năm tới rất lớn. Do vậy cần phải quy hoạch, bố trí quỹ đất phù hợp để đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư hạ tầng và tình hình thu hút đầu tư hiện nay.

Góp sức thực hiện mục tiêu chung

Trước nhu cầu mặt bằng ngày càng cao, UBND tỉnh Hà Nam đã giao đơn vị chức năng xây dựng Phương án phát triển CCN của tỉnh giai đoạn 2021-2023. Theo đó, đến năm 20230 trên địa bàn tỉnh có 28 CCN với tổng diện tích khoảng 1.196ha.

Cụ thể, đối với 15 CCN đã có quyết định thành lập: Rút CCN An Mỹ- Đồng Xá (huyện Bình Lục) ra khỏi phương án do vị trí không có khả năng phát triển; thực hiện điều chỉnh CCNThi Sơn, Kim Bình; mở rộng CCN Trung Lương; giữ ổn định và phát triển các CCN còn lại.

Cùng đó, thành lập mới 14 CCN với tổng diện tích 805ha, trong đó, thành lập mới 4 CCN trên địa bàn thị xã Duy Tiên; 3 trên địa bàn huyện Kim Bảng; 3 CCN trên địa bàn huyện Lý Nhân; 2 CCN trên địa bàn huyện Thanh Liêm và 2 CCN trên địa bàn huyện Bình Lục.

Với phương án phát triển CCN đã xây dựng, UBND Hà Nam cũng phân kỳ đầu tư đảm bảo đủ nguồn lực cho các dự án xây dựng. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 triển khai đầu tư đồng bộ các CCN đã thành lập; mở rộng và hoàn thiện hạ tầng đối với 14 CCN đã có quyết định thành lập; thành lập mới 14 CCN.

Giai đoạn 2026-2030, tiếp tục đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các CCN đã thành lập, mở rộng để thu hút dự án đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy CCN.

Về vốn đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, căn cứ theo Quyết định số 44/QĐ- BXD của Bộ Xây dựng về công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình năm 2018. Suất đầu tư hạ tầng kỹ thuật khoảng 8.673 triệu đồng/ha đến 9.671 triệu đồng/ha (trung bình khoảng 8.800 triệu/ha), bao gồm: Chi phí giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng các công trình hạ tầng như hệ thống đường nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, cấp điện, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc nội bộ, nhà điều hành, bảo vệ và các công trình khác phục vụ hoạt động của CCN.

Căn cứ từ tình hình thực tiễn và dự báo thu hút đầu tư trong thời gian tới, UBND tỉnh Hà Nam xác định tính chất các CCN là cụm tổng hợp đa ngành, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường như: Cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp; thiết bị điện, điện tử; dệt may và sản xuất nguyên phụ liệu, giày dép; chế biến nông sản thực phẩm và hàng tiêu dùng; thiết bị dụng cụ y tế; xử lý chất thải; công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp.

Để Phương án phát triển CCN của tỉnh được triển khai hiệu quả, UBDN tỉnh Hà Nam cũng chú trọng vào một số giải pháp. Cụ thể, địa phương tiếp tục ban hành chính sách khuyến khích và kêu gọi đầu tư hạ tầng CCN, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực và huy động đa dạng các nguồn vốn cho phát triển hạ tầng CCN.

Công tác xúc tiến đầu tư được xác định là yếu tố quan trọng hàng đầu là cầu nối để thu hút đầu tư đến với CCN của Hà Nam. Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp triển khia các hoạt động xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường CCN.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-nam-phat-trien-cum-cong-nghiep-phu-hop-voi-muc-tieu-chung-270429.html