Hạ Hòa nỗ lực giảm nghèo bền vững

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, huyện Hạ Hòa đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết liệt triển khai, thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, tạo động lực giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 6,38%, cận nghèo giảm còn 4,64%...

Đầu tư trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP trên đất đồi, gia đình anh Thái Duy Phương, xã Yên Kỳ đã có nguồn thu nhập ổn định ở mức cao.

Đồng bộ các giải pháp

Thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các Kế hoạch, Văn bản của UBND tỉnh, UBND huyện Hạ Hòa đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo năm 2023; lan tỏa những mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương điển hình thoát nghèo tiêu biểu, những gia đình tự nguyện xin thoát nghèo trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Đặc biệt, huyện quan tâm thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng thu nhập bền vững cho hộ nghèo; hướng dẫn các hộ nghèo, hộ cận nghèo làm thủ tục vay vốn phát triển sản xuất; chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ dạy nghề gắn với giải quyết việc làm sau khi được đào tạo.

“Đồng chí Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch UBND huyện Hạ Hòa: “Từ những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo, thời gian tới, huyện Hạ Hòa sẽ tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh và các dịch vụ xã hội cơ bản: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh và tiếp cận thông tin...; tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện về công tác giảm nghèo; cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tăng thu nhập của người nghèo, ưu tiên người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các nhóm dân cư trên địa bàn huyện.

Cụ thể, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025; duy trì mục tiêu 100% hộ gia đình người có công với cách mạng thoát nghèo, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân khu vực nơi cư trú...”.

Theo đó, năm 2022-2023, huyện Hạ Hòa được phân bổ nguồn vốn trên 8,2 tỷ đồng để triển khai các dự án: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.

Để các dự án triển khai đạt hiệu quả cao, các ban, ngành của huyện đã nâng cao trách nhiệm phối hợp chặt chẽ, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào các phong trào, cuộc vận động, thực hiện các chương trình mục tiêu của địa phương.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tỵ, khu 14, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa phấn khởi khi được hỗ trợ xóa nhà tạm.

Huyện đã tập trung huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật ngày càng hoàn chỉnh. Nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của huyện ước đạt trên 9.964 tỷ đồng, bằng 73,8% so với kế hoạch.

Cùng với đó, huyện đã nỗ lực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực mời gọi thu hút đầu tư để triển khai các dự án khu nhà ở đô thị, khu dân cư tập trung, các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh... đầu tư hạ tầng kỹ thuật để khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Việc chuyển đổi cơ cấu và tăng cường ứng dụng thành tựu KHKT vào sản xuất đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phát triển. Đến hết năm 2023, toàn huyện có 18 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt từ hạng ba sao trở lên.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được chỉ đạo quyết liệt, đạt những kết quả quan trọng, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay. Đến nay, toàn huyện có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 54 khu dân cư nông thôn mới.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn tiếp tục phát triển ổn định với 137 doanh nghiệp, 53 hợp tác xã, hơn 2.300 hộ cá thể cơ bản đáp ứng nhu cầu hàng hóa của nhân dân. Thành phần kinh tế tư nhân tiếp tục được tạo điều kiện thuận lợi phát triển.

Tiếp sức thoát nghèo

Trước thực tế đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, vì thế huyện Hạ Hòa đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giống cây trồng, vật nuôi, vay vốn tiết kiệm để phát triển kinh tế.

Các hoạt động vì người nghèo, các chương trình an sinh xã hội được MTTQ từ huyện đến cơ sở và các tổ chức thành viên triển khai sâu rộng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ tích cực của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Từ năm 2020 đến tháng 6/2023, toàn huyện đã có 209 gia đình được hỗ trợ xóa nhà tạm với tổng số tiền trên 6,5 tỷ đồng.

Bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ từ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, các hộ nghèo trong quá trình xây dựng nhà ở còn nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng dân cư, các tổ chức đoàn thể địa phương về ngày công lao động, trang thiết bị, vật dụng gia đình cần thiết.

Nhờ nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo, các trường học trên địa bàn huyện được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu dạy và học.- Cô và trò Trường Mầm non Hương Xạ trong giờ học.

Không chỉ hỗ trợ trực tiếp thông qua việc xóa nhà tạm và các chương trình an sinh xã hội, thời gian qua, huyện Hạ Hòa còn đẩy mạnh cho vay nguồn tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn hỗ trợ gián tiếp này đã làm thay đổi nhận thức của người dân về tín dụng chính sách và làm chuyển biến ý thức sử dụng vốn vay của người nghèo về việc có vay - có trả, tránh tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước.

Từ năm 2022 đến hết tháng 11/2023, toàn huyện có trên 2.000 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi, từ đó tạo việc làm cho gần 650 lao động. Đặc biệt trong hai năm 2022-2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã thực hiện giải ngân trên 21,6 tỷ đồng cho 480 khách hàng vay theo Nghị quyết 11 đối với chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm đã đem lại hiệu quả tích cực, tạo thêm việc làm cho người lao động khu vực nông thôn.

Đồng chí Nguyễn Văn Hòa- Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho biết: “Tính đến hết tháng 11/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện là trên 535,1 tỷ đồng với hơn 12.000 khách hàng còn dư nợ chủ yếu tập trung vào một số chương trình tín dụng trọng điểm như: Cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, giải quyết việc làm... Từ nguồn vốn vay ưu đãi đã tạo điều kiện hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 8,86% năm 2021 xuống còn 6,38% năm 2023”.

Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đặc thù về giảm nghèo đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Hạ Hòa trong công tác giảm nghèo bền vững. Từ đó, đã tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo. Các chính sách hỗ trợ người nghèo được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng theo quy định, sát thực, phù hợp và hiệu quả, khơi dậy tinh thần chủ động, vươn lên của các hộ nghèo, tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để thoát nghèo bền vững.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/ha-hoa-no-luc-giam-ngheo-ben-vung/203455.htm