HÀ GIANG: KHÔNG XẢY RA ÙN TẮC GIAO THÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÁC HOẠT ĐỘNG CHUNG CỦA XÃ HỘI

Kết quả giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Giang' cho thấy, công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm. Trên địa bàn tỉnh không xảy ra ùn tắc giao thông, gây phức tạp, ảnh hưởng đến các hoạt động chung của xã hội...

Thực hiện kế hoạch số: 673/KH-GS ngày 30/10/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc Thực hiện giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”; Thực hiện Quyết định số 01/QĐ-ĐĐBQH ngày 13/3/2024 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về việc Thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Giang”, Đoàn giám sát đã ban hành kế hoạch và tiến hành triển khai giám sát trực tiếp đối với 05 đơn vị; giám sát qua báo cáo đối với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các Sở, ngành.

Tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm cả 3 tiêu chí

Đề cập về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ (từ ngày 01/7/2009 đến hết ngày 31/12/2023), Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết, công tác bảo đảm TTATGT đường bộ tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc thực hiện của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh; kịp thời ban hành văn bản triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các Bộ, cơ quan ban ngành Trung ương; công tác kiểm tra đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách pháp luật gắn với công tác thi đua khen thưởng trong công tác bảo đảm TTAGTT đường bộ được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả... Đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc Hà Giang-Tuyên Quang đang được đầu tư xây dựng quy mô 4 làn đường. Qua đó, mạng lưới giao thông được kết nối thông suốt, rút ngắn thời gian, quãng đường di chuyển tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn.

Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang giám sát đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn trên tuyến Quốc lộ 2 thuộc địa bàn huyện Bắc Quang (ảnh: Báo Hà Giang).

Tình hình TTATGT trong những năm gần đây được duy trì ổn định và giữ vững, tai nạn giao thông được kiềm chế và giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương). Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ATGT đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao, tập trung ra quân xử lý kiên quyết các chuyên đề, trọng tâm là vi phạm “nồng độ cồn”, quá tải trọng, xe “cơi nới” thành thùng, nhất là vi phạm xe quá khổ, quá tải lưu thông trên các tuyến đường nội thị, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tiếp tục được rà soát và xử lý triệt để; các vi phạm về nồng độ cồn ở điểm du lịch, vùng nông thôn tiếp tục được các lực lượng tăng cường. Thành lập các tổ công tác đặc biệt tập trung trấn áp mạnh với các nhóm đối tượng tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, tội phạm “đường phố”, tạo được sức lan tỏa và ý thức chấp hành của người dân.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông đường bộ được triển khai thực hiện, duy trì thường xuyên liên tục, đa dạng về hình thức, nội dung phù hợp với nhiều loại đối tượng khác nhau; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình mới, cách làm hay, tạo sức lan tỏa tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật ATGT trong cộng đồng. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông được tăng cường, trật tự kỷ cương về an toàn giao thông được thiết lập. Công tác đăng kiểm phương tiện, quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh được kiểm soát tốt.

Về ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo TTATGT đường bộ: Để triển khai, thực hiện kịp thời chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước về công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, tỉnh đã ban hành và tham mưu ban hành các quyết định, nghị quyết để triển khai thực hiện các quy định của Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và Thông tư của bộ, ngành liên quan trong công tác bảo đảm TTATGT, phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ: Công tác truyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT được xác định là một trong những giải pháp cơ bản, quan trọng nhất trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2023, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở ban ngành đoàn thể đã chú trọng các nội dung về pháp luật TTATGT đường bộ. Đẩy mạnh, đổi mới hình thức tuyên truyền trên các nền tảng thông tin truyền thông và bằng các hình thức sân khấu hóa, thông qua các hội thi, các buổi tọa đàm; thông qua người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật về TTATGT, Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Phát động và thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào thi đua, đặc biệt là giải pháp “Xếp hàng đón con” đã tạo nên văn hóa giao thông tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Tổ chức cho doanh nghiệp vận tải hàng hóa và lái xe ký cam kết không vi phạm quy định về TTATGT và không chở hàng quá tải trọng theo quy định.

Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Đài phát thanh truyền hình tỉnh đã xây dựng 360 chuyên mục “An toàn giao thông” phát trên sóng truyền hình của tỉnh; đồng thời hàng năm đăng tải trên 350 tin, bài, ảnh về công tác đảm bảo TTATGT trên 02 loại hình báo chí gồm: Báo Hà Giang số xuất bản thường kỳ và báo Hà Giang điện tử; đặt mua Báo giao thông và cấp phát miễn phí cho các cơ quan, ngành của tỉnh, thành phố.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan.

Công tác phối hợp đảm bảo trật tự an toàn giao thông được các cấp, ngành quan tâm

Đề cập về công tác khắc phục ùn tắc giao thông đường bộ, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết, những năm qua, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ùn tắc giao thông, gây phức tạp, ảnh hưởng đến các hoạt động chung của xã hội. Tuy nhiên, các tuyến đường trên địa bàn tỉnh có mặt đường hẹp, tả ly cao, vực sâu, cùng với đó thường xảy ra mưa lớn gây ra sạt lở đất đá làm ách tắc giao thông. Nhưng đã được các ngành chức năng, UBND huyện, thành phố phối hợp khẩn trương khắc phục kịp thời.

Công tác cứu hộ tai nạn giao thông: Các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện tốt. Các ngành, lực lượng chức năng đều xây dựng phương án chủ động ứng phó kịp thời; bảo đảm chỉ huy thống nhất, phối hợp chặt chẽ. Trong thực tế khi có các vụ tai nạn giao thông xảy ra, đặc biệt là các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng thì các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã khẩn trương tham gia cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra.

Công tác phối hợp liên ngành, địa phương về bảo đảm TTATGT đường bộ: UBND tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và cấp quản lý trong công tác đảm bảo TTATGT, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam, Khu Quản lý đường bộ I thường xuyên kiểm tra rà soát, khắc phục kịp thời những tồn tại bất cập và các sự cố hư hỏng, sạt lở trên các đoạn tuyến Quốc lộ đoạn qua địa bàn tỉnh.

Công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, ở đây có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, UBND các huyện, thành phố; giữa các ngành chức năng của tỉnh với cơ quan đơn vị của trung ương đóng trên địa bàn; Tổ chức đoàn liên ngành (Công an tỉnh, Sở GTVT, Văn phòng ban ATGT tỉnh và đơn vị liên quan) kiểm tra, đôn đốc công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các địa phương có tai nạn giao thông tăng cao và đánh giá chấm điểm tiêu chí đảm bảo ATGT hàng năm đối với các huyện, thành phố. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra các bất cập về tổ chức giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, cụ thể như: Phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATGT trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Khu Quản lý đường bộ I kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh Cao Bằng, Lào Cai kiểm tra ATGT ĐTNĐ trên lòng hồ thủy điện Bảo lâm 3, lòng hồ thủy điện PaKe.

Vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan cho biết, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Giang còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Theo đó, ý thức chấp hành các quy định về ATGT của một số người tham gia giao thông còn thấp, mang tính đối phó; các vụ TNGT xảy ra phần lớn đều do chủ quan, điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia, không làm chủ tốc độ, đi không đúng phần đường, tránh, vượt không đúng quy định...

Ở một số địa phương, còn có tình trạng phụ huynh cho con em mình sử dụng xe mô tô khi chưa đủ tuổi đến trường, phụ huynh chở con đến trường không đội mũ bảo hiểm, làm giảm hiệu quả giáo dục an toàn giao thông của các nhà trường. Sự phối hợp giữa một số cơ quan chuyên môn, chuyên trách, các thành viên Ban an toàn giao thông tỉnh, huyện có lúc chưa được chặt chẽ, thống nhất trong công tác đảm bảo an toàn giao thông và xử lý các “điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn” chưa triệt để.

Các tuyến vận tải vận chuyển hành khách, hàng hóa đã được khai thông, tuy nhiên hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa hai Bên qua cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) - Thiên Bảo (Trung Quốc), cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) - Đô Long (Trung Quốc) phương tiện vận tải vẫn chưa được vào sâu nội địa hai Bên; các phương tiện vận tải hàng hóa hiện tại vẫn chỉ thực hiện sang tải hàng hóa tại kho bãi ở khu vực cửa khẩu của hai Bên, do đó chưa cắt giảm được chi phí cho doanh nghiệp.

Tình hình vi phạm pháp luật về TTATGT: số người chết, bị thương, số vụ tai nạn giao thông tuy có giảm qua hằng năm nhưng chưa bền vững và vẫn còn ở mức cao vẫn xảy ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về cả vật chất, tính mạng của người tham gia giao thông.

Công tác quản lý thực hiện công tác kiểm định phương tiện cơ sở đường bộ trong giai đoạn 2009 đến 2023 còn nhiều yếu kém, nhất là việc để xảy ra sai phạm trong công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ tại trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ tỉnh. Công tác quản lý, xử phạt và thu hồi đất làm hành lang ATGT còn nhiều bất cập. Tình trạng vi phạm hành lang ATGT vẫn còn xảy ra có chiều hướng gia tăng qua các năm, việc xử lý vi phạm còn chưa triệt để, chưa đủ tính răn đe. Việc thực hiện công tác quy hoạch còn chậm, chưa bố trí được điểm dừng, đón trả khách và xây dựng các bãi, điểm dừng đỗ xe ô tô gây khó khăn cho người dân và khách du lịch khi tham gia giao thông tiềm ẩn nguy cơ gây tại nạn giao thông.

Việc thực hiện đăng ký quản lý phương tiện xe cơ giới (xe máy) ở cấp xã còn gặp nhiều khó khăn, bất cập: (1) Thường xuyên xảy ra lỗi kết nối đường truyền mạng giữa Cổng dịch vụ công với cơ quan thuế, ngân hàng, hải quan, đăng kiểm và hệ thống đăng ký xe; không thực hiện được đăng ký xe qua Cổng dịch vụ công đối với xe được miễn lệ phí trước bạ; (2) Một bộ phận người dân trên địa bàn là lao động nông thôn, khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, không có điều kiện tiếp xúc với máy tính, mạng internet nên không biết cách sử dụng, truy cập để thực hiện giao dịch trên môi trường mạng; (3) Đối với công tác đăng ký xe mô tô trên địa bàn cấp xã: Người dân vẫn phải đi lại nhiều lần vì địa bàn xã chưa có cơ quan thuế, người dân phải đến cơ quan thuế cấp huyện để kê khai thuế và thực hiện nộp tiền trước bạ tại ngân hàng, sau đó về Công an xã để đăng ký xe; (4) Đối với công tác đăng ký xe ô tô tại cấp huyện: Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký tại Công an huyện, chủ phương tiện phải đưa xe về tỉnh để thực hiện việc đăng kiểm phương tiện theo quy định, do trên địa bàn các huyện chưa có Trung tâm đăng kiểm; (5) Cơ sở vật chất: cấp xã được phân cấp chưa có trụ sở riêng biệt, các điều kiện đảm bảo công tác đăng ký xe còn hạn chế, khó khăn như phải sử dụng chung phòng làm việc, tủ để hồ sơ, sổ sách với các lĩnh vực công tác khác, thiếu máy Scan, máy ảnh kỹ thuật số để thực hiện số hóa hồ sơ…

Về công tác đào tạo lái xe có một số nội dung không phù hợp nhưng chậm được sửa đổi như thời gian đào tạo môn cấu tạo và sửa chữa thông thường (18 giờ), với thời lượng này người học không đủ thời gian để hiểu vấn đề chưa nói đến sữa chữa; mặt khác xã hội ngày càng chuyên môn hóa nên việc này đã có các đơn vị dịch vụ đảm nhận. Môn nghiệp vụ vận tải (16 giờ) và môn Đạo đức văn hóa giao thông có nhiều nội dung trùng môn pháp luật giao thông đường bộ…

Chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe vẫn còn có một số hạn chế; một số giáo viên, học viên vẫn còn nặng tâm lý, phương pháp dạy và học để vượt qua kỳ sát hạch mà chưa quan tâm đúng mức đến việc trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, văn hóa giao thông, nhất là kỹ năng, kinh nghiệm điều khiển phương tiện cho học viên; Cơ sở vật chất ở một số đơn vị, trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe còn nhiều hạn chế, thiếu thốn, xe tập lái được nhà nước đầu tư đã cũ, không đồng bộ, thường xuyên hỏng hóc; Trong quá trình giảng dạy, đào tạo lái xe trên đường trường địa hình phức tạp, vùng đồi núi việc sử dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường thường xuyên bị lỗi đường truyền nên phải thực hiện lại gây tốn kém thêm chi phí.

Theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan, nguyên nhân khách quan của những tồn tại, hạn chế trên là do điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông còn hạn chế. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từ các cửa khẩu tới thành phố Hà Giang đang trong giai đoạn đầu tư, nâng cấp nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Do biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh thường có mưa lớn, gây ngập úng cục bộ, gây sụt trượt, sạt lở đất ảnh hưởng đến hoạt động đi lại và ảnh hưởng tới tuổi thọ của công trình giao thông.

Nguyên nhân chủ quan là bên cạnh ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn thấp, đồng thời vẫn còn sự bất cập trong công tác quản lý nhà nước về giao thông; trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của các sở, ban, ngành, địa phương chưa tương xứng với quyết tâm chính trị mà Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xác định, cụ thể:

Một là, công tác tổ chức triển khai pháp luật về bảo đảm TTATGT của các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính trị - xã hội, chính quyền địa phương chưa thật tích cực, quyết liệt và triệt để, có tình trạng khoán cho cơ quan chức năng (lực lượng Công an và ngành Giao thông vận tải, thanh tra giao thông).

Hai là, các quy định liên quan đến việc phương tiện vận tải vận chuyển hành khách du lịch của hai nước (Việt Nam – Trung Quốc) khi hoạt động tại nước sở tại chưa được hai Bên quy định cụ thể về lộ trình, địa điểm được dừng nghỉ thăm quan du lịch... vì vậy phương tiện vận tải vận chuyển hành khách du lịch của hai nước vẫn chưa thể tham gia khai thác loại hình vận tải này

Ba là, công tác phối hợp tuần tra xử lý giữa lực lượng chức năng cấp tỉnh với cấp huyện trên các tuyến Quốc lộ trọng điểm chưa được thường xuyên liên tục; có thời điểm lực lượng chức năng mỏng, trong khi đó địa bàn rộng nên công tác tuần tra, xử lý vi phạm chưa khép kín được địa bàn, dẫn đến bỏ sót vi phạm. Việc ứng dụng công nghệ cao trong xử phạt nguội vẫn còn ở mức độ hạn chế, chưa trở thành phương thức chủ đạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Bốn là, cơ quan quản lý đường bộ địa chưa thực sự chủ động trong việc phối hợp với chính quyền cấp huyện, cấp xã để cùng đề ra kế hoạch, giải pháp cụ thể xử lý các “điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn” và các bất cập tồn tại về vi phạm hành lang an toàn giao thông, phá hoại kết cấu hạ tầng, đấu nối trái phép trên các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý.

Đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ ngành và đơn vị liên quan

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh.

Đối với Quốc hội: Sớm ban hành Luật Đường bộ và Luật trật tự an toàn giao thông (thay thế Luật giao thông đường bộ năm 2008) để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Đối với Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải: Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Ban hành quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng xe ô tô. Bố trí kinh phí trong công tác giải tỏa hành lang ATGT đường bộ theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt.

Quan tâm đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ trọng yếu trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, hoàn chỉnh lên 04 làn xe theo quy hoạch và bố trí kinh phí cho tuyến Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sớm được vào khai thác sử dụng, để giảm thời gian đi lại giữa Hà Giang với thủ đô Hà Nội và các tỉnh, giảm áp lực của các phương tiện tham gia giao thông trên các quốc lộ khác trên địa bàn từ đó giảm thiểu được tai nạn giao thông.

Theo Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT, ngày 31/3/2024, có hiệu lực từ 01/6/2024, Quy định “Dữ liệu truyền đến hệ thống thông tin DAT của Cục Đường bộ Việt Nam phải đảm bảo chính xác, toàn vẹn và trong khoảng thời gian không quá 02 phút kể từ thời điểm máy chủ của cơ sở đào tạo nhận được thông tin kết thúc phiên học” không phù hợp với thực tiễn của địa phương đặc thù vùng đồi núi như tỉnh Hà Giang vì có thể do khách quan đường truyền của DAT mất tín hiệu do đường truyền mạng trên thiết bị DAT trên xe ô tô tập lái khi di chuyển qua vùng đồi núi, sóng không ổn định, không ghi nhận đúng số km đã học cho học viên. Do vậy, nên có hướng xử lý khắc phục cho các cơ sở đào tạo trong trường hợp này để tránh gây tốn kém về tiền bạc, thời gian cho học viên khi phải học lại.

Đề nghị điều chỉnh chương trình đào tạo, sát hạch lái xe, như sau: (1) Bỏ môn Cấu tạo và sửa chữa thông thường và tăng số tiết môn Đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông. Vì hiện nay quy định 6 môn học với số giờ học khác nhau: môn Pháp luật giao thông đường bộ (90 giờ), môn Cấu tạo và sửa chữa thông thường (18 giờ), môn Nghiệp vụ vận tải (16 giờ), môn Đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông (20 giờ), môn Kỹ thuật lái xe (20 giờ), học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông (4 giờ) là chưa phù hợp. Với thời lượng 18 giờ môn Cấu tạo và sửa chữa thông thường người học hiểu được cũng đã là khó, không thể nói đến sửa chữa. (2) Bỏ môn Nghiệp vụ vận tải đưa vào giảng dạy đối với tất cả các học viên, vì tỷ lệ lớn người học để điều khiển phương tiện của gia đình chứ không phải học để làm nghề lái xe, do vậy nên để cho các đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng lao động trực tiếp đào tạo, có sự giám sát của cơ quan chức năng sẽ phù hợp hơn. (3) Không đưa môn mô phỏng vào phần thi sát hạch cấp giấy phép lái xe, bởi phần thi này đã khiến cho người học hoàn toàn bị áp đặt cách xử lý của người viết phần mềm. Mỗi người có cách xử lý tình huống phù hợp với hoàn cảnh, không thể áp đặt tư duy, nhận định tình huống trên màn hình vào thực tế.

Đề nghị quan tâm bố trí kinh phí trong công tác giải tỏa hành lang ATGT đường bộ theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Đầu tư xây dựng các dự án phòng chống sạt trượt trên các quốc lộ để giảm thiểu các hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông khi mưa lũ xảy ra.

Đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm ban hành Thông tư hợp nhất Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT vì đã được sửa đổi, bổ sung bởi nhiều Thông tư nên khó khăn trong quá trình theo dõi, cập nhật và trình sử dụng.

Đối với UBND tỉnh: Quan tâm đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, an toàn. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm TTATGT trong quản lý điều hành vận tải, điều khiển giao thông, tuyên truyền an toàn giao thông, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện.

Phối hợp với Bộ, ngành trung ương tổ chức hội đàm thảo luận, thống nhất các giải pháp thúc đẩy hoạt động hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc qua cặp cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Việt Nam) - Thiên Bảo (Trung Quốc), cửa khẩu Xín Mần (Việt Nam) - Đô Long (Trung Quốc) phương tiện vận tải được vào sâu nội địa hai Bên. Bố trí kinh phí để đầu tư xây dựng các điểm dừng, đỗ đón trả khách trên các tuyến vận tải khách đã theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Đối với sở Giao thông vận tải: Phối hợp với các cơ quan, cấp có thẩm quyền và chính quyền cấp huyện rà soát kiểm tra thực tế trên các tuyến đường, để phát hiện và đề xuất xử lý khắc phục kịp thời các đoạn đường xuống cấp, nhất là tại các đoạn đường cua, dốc cao gần sườn núi có nguy cơ xảy ra sạt lở, tai nạn và sửa chữa, cắm các biển báo quy định tải trọng xe, cấm đỗ xe, gương cầu lồi, biển cảnh báo nguy hiểm ở một số đoạn đường khu vực dân cư và các “điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn”.../.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=86326