Gương sáng cựu chiến binh

Rời quân ngũ, trở về với cuộc sống đời thường, những người cựu chiến binh (CCB) không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn đóng góp sức mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

1. Ông Nguyễn Văn Thông, ngụ tại ấp Phú Khương C, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang được biết đến là CCB làm kinh tế giỏi nhờ phát huy hiệu quả mô hình VAC (vườn - ao - chuồng).

Nhập ngũ từ năm 1976, ông gia nhập Sư đoàn Bộ binh 339 thuộc Quân khu 9 và tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia vào năm 1979. Đến năm 1981, ông xuất ngũ, trở về địa phương do bị nhiễm sốt rét rừng, hưởng chế độ bệnh binh hạng 2 (tỷ lệ 61%).

Mô hình VAC tại nhà CCB Nguyễn Văn Thông.

Mô hình VAC tại nhà CCB Nguyễn Văn Thông.

Dù sức khỏe yếu, ông luôn tìm tòi, học hỏi những cách làm hay, hiệu quả để cải thiện thu nhập gia đình. Vào năm 2009, do đất trồng rau màu không mang lại hiệu quả, ông quyết tâm chuyển đổi xây dựng mô hình VAC. Ông Thông cho biết: “Nhận thấy việc nuôi bò sữa lúc này mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, tôi quyết định vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chợ Gạo, cùng với số tiền đã tích lũy được, tôi mua 2 con bò sữa về nuôi và từng bước nhân số lượng đàn bò sữa, đến nay đã được hơn 30 con bò sữa”.

Ngoài chăn nuôi bò sữa, ông Nguyễn Văn Thông còn nuôi thêm gà ri đẻ trứng với số lượng hơn 5.000 con. Ông Thông cho biết thêm: “Trong điều kiện đất vườn sẵn có, tôi cải tạo đất, trồng xen canh cây dừa, trồng cỏ cùng các loại rau màu ngắn ngày như: ớt, bạc hà, rau cải... và đào ao nuôi cá tai tượng, vừa lấy nước để tưới cây và vừa có thêm thu nhập hằng ngày”. Từ mô hình này, nhiều năm qua, gia đình ông có nguồn thu từ 400 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ các loại chi phí khác.

Bên cạnh việc chăm lo cuộc sống gia đình, ông còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội CCB xã Phú Kiết; đồng thời ông luôn là người tiên phong trong việc vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những hội viên khó khăn, có nhu cầu phát triển kinh tế, để nâng cao đời sống, giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Hội CCB xã Phú Kiết Đoàn Công Trực cho biết: CCB Nguyễn Văn Thông không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là hội viên gương mẫu, nhiệt tình tham gia các phong trào hoạt động của Hội. Bản thân ông và gia đình luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, là một trong những hội viên tiêu biểu của Hội CCB xã Phú Kiết”.

2. CCB Huỳnh Văn Hai, ngụ ấp An Lạc Thượng, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo, nhập ngũ năm 1974, xuất ngũ năm 1977. Khi trở về địa phương, ông Hai vẫn tiếp tục tham gia công tác tại địa phương. Trở về với cuộc sống gia đình, ông Hai nỗ lực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng nhãn chuyển sang trồng bưởi da xanh, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Vườn bưởi của gia đình CCB Huỳnh Văn Hai.

Vườn bưởi của gia đình CCB Huỳnh Văn Hai.

Từ năm 1979 đến nay, ông Hai đảm đương nhiều cương vị, trọng trách khác nhau tại địa phương, dù ở cương vị nào, ông cũng luôn năng nổ, trách nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó. Trong công tác Hội, ông Hai là người giàu kinh nghiệm, biết phát huy sức mạnh đoàn kết giữa hội viên và người dân.

Ông Hai chia sẻ: “Bản thân tôi tuy đã tuổi cao nhưng tôi “nặng lòng” với công việc chung. Tôi luôn nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của cấp trên, bám sát tình hình thực tiễn ở địa phương. Từ đó, nghiên cứu phương pháp tuyên truyền, phổ biến đến bà con trong ấp An Lạc Thượng một cách gần gũi, thuyết phục nhất để bà con hiểu, tin tưởng và tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động”.

Với những việc làm tích cực, CCB Huỳnh Văn Hai đã được các cấp, ngành trao tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen và Kỷ niệm chương của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

LÊ NGUYÊN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202308/guong-sang-cuu-chien-binh-987199/