Guardian: Dầu Nga vẫn chảy vào Anh qua một lỗ hổng bất ngờ

Số tiền nhập khẩu dầu mỏ lên đến 2,2 tỷ Bảng mà Anh nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2023 được cho là do Nga cung cấp để lách luật cấm dầu mỏ từ Nga.

Nhập khẩu từ bên thứ 3 ở mức kỷ lục

Theo hãng tin Guardian, giới chức Anh đang bị cáo buộc "gián tiếp tiếp tay cho Nga trả chiến phí cho cuộc chiến tại Ukraine" qua việc tiếp tục nhập khẩu dầu mỏ đã tinh luyện từ những nước nhập khẩu dầu thô của Nga.

Để đáp trả việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cam kết không nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Giới chức Anh đã thực thi cam kết này bằng cách cấm nhập khẩu dầu và các sản phẩm từ dầu của Nga kể từ ngày 5/12/2022. Tuy nhiên, một lỗ hổng trong chính sách pháp luật của Anh đã khiến cho dầu mỏ từ Nga vẫn tiếp tục đổ sang Anh.

Theo đó, nếu dầu thô của Nga được tinh luyện từ một nước khác, nó sẽ không còn bị coi là có nguồn gốc từ Nga và không chịu lệnh cấm nhập khẩu của Anh. Chính vì thế, Nga hoàn toàn có thể bán dầu cho các đồng minh để tinh luyện trước khi xuất khẩu số dầu này sang Anh. Tổ chức Global Witness còn chỉ trích hành động này là "rửa tiền" cho Nga qua đó giúp Nga tăng cường sức mạnh trong cuộc chiến với Ukraine.

Dầu mỏ Nga dù bị cấm vận nhưng vẫn chảy về Anh và châu Âu qua các nước thứ 3 (Ảnh: Reuters).

Cụ thể, trang web Desmog phân tích dữ liệu từ Chính phủ Anh cho thấy sản lượng nhập khẩu dầu tinh luyện từ Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ của Anh trong năm 2023 đạt mức 2,2 tỷ Bảng, mức cao kỷ lục tương đương với năm 2022 và cao hơn tới 434 triệu Bảng so với năm 2021.

Đây là một thông tin rất đáng chú ý nếu biết rằng, từ trước đến nay, Nga luôn nằm trong số những nước cung cấp dầu thô lớn nhất cho Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã vươn lên trở thành một trong những nước nhập khẩu dầu thô của Nga lớn nhất thế giới kể từ khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022.

Bà Lela Stanley, chuyên gia điều tra cao cấp tại Global Witness nhận định: "Hàng triệu thùng dầu tinh luyện từ dầu thô có nguồn gốc từ Nga tiếp tục được đổ vào Anh. Chỉ riêng trong năm ngoái, số dầu này đã mang lại lợi nhuận hơn 100 triệu USD cho Điện Kremlin. Cho đến khi Chính phủ Anh có thể xử lý được lỗ hổng này, họ vẫn đang tiếp tay cho Nga trả chiến phí ở Ukraine.

Một điều đáng mừng là chúng ta hoàn toàn có thể sửa chữa được sai lầm này. Chính phủ Anh nên hành động ngay bằng cách cấm nhập khẩu dầu nhiên liệu được tinh chế từ dầu thô của Nga và ủng hộ cho Ukraine một cách chân thành".

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ An ninh Năng lượng và Chương trình Net Zero của Anh vẫn khẳng định: "Sau khi chính quyền Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và vũ khí hóa ngành năng lượng, chúng tôi đã ngay lập tức tiến hành các bước đi nhằm chấm dứt việc nhập khẩu dầu thô của Nga, bao gồm cả lệnh cấm nhập khẩu dầu và sản phẩm từ dầu có hiệu lực trong tháng 12/2022"

Ngoài việc cung cấp bằng chứng số dầu đó không có nguồn gốc từ Nga, các nhà nhập khẩu dầu phải cung cấp cả thông tin quốc gia cung cấp dầu cuối cùng để đảm bảo rằng số dầu họ mua vào không có nguồn gốc từ Nga hoặc không tìm cách lách luật thông qua việc chuyển từ Nga qua một nước khác trước khi được nhập khẩu vào Anh. Kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực, đã không còn có dầu thô và sản phẩm dầu thô từ Nga nhập khẩu vào Anh nữa - phía Anh khẳng định.

Nga và các đồng minh hưởng lợi lớn

Trên thực tế, những con số lại không cho thấy điều đó. Cụ thể, giá trị dầu mỏ xuất khẩu từ Ấn Độ vào Anh đã gia tăng nhanh chóng từ tháng 2/2022, thời điểm Nga bắt đầu phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine.

Nếu như năm 2021, Anh chỉ nhập khẩu số lượng dầu tinh luyện trị giá hơn 402 triệu Bảng từ Ấn Độ, con số này tăng lên hơn 4 lần đạt mức 1,8 tỷ Bảng trong năm 2022 trước khi giảm xuống còn 1,5 tỷ Bảng trong năm 2023.

Cho đến nay Anh và các đồng minh vẫn chưa thể "khóa van" dầu nhập khẩu có nguồn gốc từ Nga (Ảnh: Bloomberg).

Cùng thời điểm đó, nhập khẩu dầu tinh luyện từ Trung Quốc thậm chí còn tăng mạnh mẽ lên đến hơn 20 lần từ mức 30,2 triệu Bảng năm 2021 lên 395 triệu Bảng năm 2022 và gần 664 triệu Bảng năm 2023. Con số này ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất đáng chú ý khi tăng từ 1,8 triệu Bảng trong năm 2021 lên 60,3 triệu Bảng năm 2023.

Global Witness từng đưa ra dự đoán trong năm 2023, khoảng 5,2 triệu thùng xăng, dầu tinh chế từ dầu thô của Nga đã được nhập khẩu vào Anh. Trong đó, sản lượng dùng cho nhiên liệu máy bay có thể lên đến 4,6 triệu thùng – con số này được tính toán dựa trên lượng nhiên liệu có liên hệ từ Nga được sử dụng trên 5% tổng số chuyến bay tại Anh.

Trong khi đó, số liệu của Chính phủ Anh cho thấy, lượng dầu nhập khẩu trực tiếp từ Nga đã giảm từ 1,5 tỷ Bảng trong quý đầu tiên của năm 2022 xuống còn 0% trong năm sau đó. Điều này khiến Anh phải bù đắp số lượng thiếu hụt bằng lượng dầu và khí đốt nhập khẩu từ Algeria, Bahrain, Kuwait, Libya, Qatar, Saudi Arabia và UAE trong giai đoạn này với số tiền lên đến 19,3 tỷ Bảng, cao hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ có Anh, EU cũng bị nghi là nhập khẩu dầu từ Nga thông qua các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Global Witness cho biết, EU nhập khẩu khoảng 130 triệu thùng dầu tinh luyện từ dầu thô của Nga trong năm 2023, đóng góp cho Nga số tiền thuế lên đến 940 triệu Bảng.

Nga hiện là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc với kim ngạch thương mại tăng 24% trong năm 2023 so với một năm trước đó. Số lượng dầu và khí đốt mà Nga bán cho Trung Quốc và Ấn Độ được đánh giá là giúp ổn định nền kinh tế Nga bị suy giảm chỉ 2,1% trong năm 2022 thấp hơn nhiều so với mức dự đoán là 12% trước đó.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar hồi tháng 11 từng tuyên bố thế giới cần cảm ơn Ấn Độ vì đã "làm mềm giá dầu mỏ" khi mua bán dầu từ Nga: "Thông qua việc này, chúng tôi đã thực sự kiểm soát lạm phát toàn cầu và thế giới nên cảm ơn vì điều đó".

Nga hiện là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Ấn Độ, chiếm khoảng 40% tổng sản lượng dầu nhập khẩu của nước này. Trong giai đoạn từ tháng 4-9/2023, Ấn Độ nhập khẩu khoảng 1,76 triệu thùng/ngày từ Nga, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau Ấn Độ và Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ 3 của Nga và cũng như 2 nước nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ bị cáo buộc "ngụy trang" cho số dầu mỏ của Nga xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu. Các nghị sĩ Mỹ thậm chí từng cảnh báo dầu từ nhà máy Dörtyol của Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí đang được sử dụng trên các tàu chiến của Mỹ.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/guardian-dau-nga-van-chay-vao-anh-qua-mot-lo-hong-bat-ngo-192240425113044866.htm