GS.TS Hà Vĩnh Thọ: Cùng nhau kiến tạo giá trị đích thực của hạnh phúc

Tại tọa đàm 'Bàn về hạnh phúc' chiều 1.4, GS.TS Hà Vĩnh Thọ cho rằng có hai loại hạnh phúc, hời hợt và sâu sắc. Hạnh phúc đích thực phải có sự lâu dài, đến từ những tầng sâu nhưng ai cũng có thể nỗ lực đạt được.

"Tôi cảm thấy rất ngại khi nói chuyện ở Việt Nam bởi vì tôi là người gốc Việt, có tên Việt, nhưng lại không thông thạo tiếng Việt. Nhưng tôi cũng rất hạnh phúc được làm điều gì đó cho đất nước thân yêu này" - GS. TS Hà Vĩnh Thọ đã mở đầu tọa đàm "Bàn về hạnh phúc", do Thái Hà Books tổ chức chiều 1.4, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

GS.TS Hà Vĩnh Thọ bàn về hạnh phúc

Câu chuyện bắt đầu năm 1982, khi lần đầu tiên Hà Vĩnh Thọ về Việt Nam cùng cha. Năm đó, ông 30 tuổi, là giám đốc một trường đào tạo giáo viên và tham gia vào một cộng đồng dành cho những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt ở Thụy Sĩ. "Về Việt Nam, tôi ấp ủ trí nguyện làm sao mang lại hạnh phúc cho đất nước này, nhất là trẻ em. Người đầu tiên tôi có dịp hạnh ngộ ở Hà Nội là TS. Nguyễn Khắc Viện. Ông nói với tôi rằng: Giờ đây khi cả nước đã thống nhất, chúng ta nên tập trung vào sự phát triển của trẻ em".

Trong sự phát triển ấy có gì quan trọng hơn hạnh phúc? Câu hỏi đó đã theo Hà Vĩnh Thọ đến khi ông đến Bhutan làm việc với vai trò Giám đốc chương trình Gross National Happiness của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Nhận thấy sự tương đồng văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam và Bhutan, Hà Vĩnh Thọ càng ấp ủ mong muốn lan tỏa thông điệp về hạnh phúc, con đường làm nên hạnh phúc đến với đất nước hình chữ S.

Dự án Happy Schooks (Trường học hạnh phúc) là kết quả của hành trình ấy. Với Hà Vĩnh Thọ, trường học chính là hệ sinh thái đầu tiên để mọi người ngày càng để ý tới khía cạnh của hạnh phúc, đồng thời hiểu rằng chúng ta có thể học được kỹ năng kiến tạo hạnh phúc.

Thông thường, mọi người hay nghĩ rằng hạnh phúc là thứ mình có thể sở hữu hoặc không thể thay đổi được. GS.TS Hà Vĩnh Thọ cho rằng thay vì phải tìm kiếm hay chờ đợi hạnh phúc tự đến với mình, hạnh phúc là một kỹ năng và mỗi người cần phải được học về nó từ lúc còn bé.

GS.TS Hà Vĩnh Thọ chia sẻ về các tầng nghĩa của hạnh phúc

Theo ông, hạnh phúc có hai tầng định nghĩa. Tầng thứ nhất, định nghĩa một cách hời hợt rằng hạnh phúc là thỏa mãn nhu cầu cá nhân, không có mẫu số chung cho mọi người. Ví dụ, khi bạn có nhiều tiền, thỏa mãn du lịch, mua sắm, trở thành chàng trai hay cô gái nổi tiếng nhất trên mạng xã hội... Tầng thứ hai, hạnh phúc đích thực là một cái gì đó khác hơn là những thú vui phàm tục, là một cái gì đó sâu sắc và lâu dài hơn.

Điều đó xuất phát từ ba khía cạnh khác nhau. Như GS.TS Hà Vĩnh Thọ phân tích: Thứ nhất là sự quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển bản thân từ bên trong của mỗi người. Đó là quan tâm tới chính mình, sống nhất quán với con người bên trong, với trí niệm của mình.

Thứ hai là biết quan tâm tới người khác và tạo nên những tác động tích cực đến cộng đồng mà mình thuộc về. Nói cách khác, đó là năng lực quan tâm và sống hài hòa với người khác, xây dựng mối quan hệ bền vững dựa trên sự tôn trọng và yêu thương.

Thứ ba là biết quan tâm tới hệ sinh thái, môi trường, mẹ thiên nhiên trong bối cảnh chúng ta đang sống trong một thời kỳ có nhiều thách thức sinh thái lớn. Nếu hủy hoại ngôi nhà Trái đất thì sẽ không có tương lai, không có hạnh phúc.

Cả ba khía cạnh này đều là những kỹ năng có thể xây dựng, thực hành, củng cố để mỗi người, đặc biệt là người trẻ - những chủ nhân tương lai nuôi dưỡng bản thân, kiến tạo hạnh phúc.

"Trong thời đại của internet và mạng xã hội, khi những người xung quanh tìm kiếm sự thỏa mãn tức thì và lấy hạnh phúc ngắn hạn làm mục tiêu, thì chúng ta cần phải cùng nhau kiến tạo giá trị đích thực của hạnh phúc để đi ngược những xu hướng này. Điều quan trọng phải hiểu rằng hạnh phúc của chính mình đi liền với hạnh phúc của người khác, của xã hội", GS.TS Hà Vĩnh Thọ nhấn mạnh.

Hải Đường

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/gs-ts-ha-vinh-tho-cung-nhau-kien-tao-gia-tri-dich-thuc-cua-hanh-phuc--i364908/