Grab không còn đứng ngoài 'mùa đông' của nền kinh tế

Giới phân tích cho rằng sự tăng trưởng vượt bậc của các công ty bao gồm Grab trong thời kỳ trước đại dịch khó có thể lặp lại trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Ứng dụng gọi xe công nghệ Grab (Singapore) đang lên kế hoạch cho đợt sa thải lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Bloomberg dẫn thông báo hôm 20/6 của công ty trên.

Giới phân tích cho rằng quyết định cắt giảm 1.000 việc làm của gã khổng lồ công nghệ Đông Nam Á là dấu hiệu cho thấy không một công ty nào trong ngành miễn nhiễm với tác động của việc tăng lãi suất và suy thoái kinh tế.

Tình trạng của Grab phản ánh những khó khăn chung mà các công ty công nghệ đang phải đối mặt. Từ SEA, GoTo cho đến Amazon và Facebook, những công ty từng một thời mở rộng quy mô qua tuyển dụng và đi vay giờ đây đang phải cắt giảm chi phí và tập trung vào những hoạt động cốt lõi.

Theo dữ liệu từ Layoffs, một trang web theo dõi tình trạng cắt giảm việc làm trong lĩnh vực công nghệ, hơn 200.000 công nhân đã mất việc làm trong năm nay.

Cắt giảm nhân sự

Trong email gửi nhân viên ngày 20/3, giám đốc điều hành của Grab, ông Anthony Tan, cho biết quyết định cắt giảm tới 11% lực lượng lao động đa quốc gia của Grab là một cuộc tái tổ chức chiến lược để thích ứng với môi trường kinh doanh, chứ không phải là “đi lối tắt để đạt lợi nhuận”.

“Chúng ta phải thích ứng với môi trường kinh doanh. Thay đổi chưa bao giờ diễn ra nhanh như hiện nay”, anh viết. “Công nghệ như AI đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Chi phí vốn đã tăng lên, ảnh hưởng trực tiếp đến bối cảnh cạnh tranh”.

Đây là đợt sa thải đầu tiên của Grab kể từ năm 2020, khi khoảng 360 nhân viên phải nghỉ việc do đại dịch.

Từ tháng 12/2022, Grab đã đưa ra một loạt biện pháp cắt giảm chi phí bao gồm tạm dừng tuyển dụng, giữ nguyên lương cho các quản lý cấp cao, đồng thời cắt giảm ngân sách di chuyển.

Đối thủ của Grab là GoTo cũng đã sa thải 600 công nhân trong năm nay, bên cạnh 1.300 việc làm bị cắt giảm vào năm ngoái.

 Giám đốc điều hành Anthony Tan của Grab cho biết việc sa thải nhân viên là một “bước đi đau đớn nhưng cần thiết”. Ảnh: Bloomberg.

Giám đốc điều hành Anthony Tan của Grab cho biết việc sa thải nhân viên là một “bước đi đau đớn nhưng cần thiết”. Ảnh: Bloomberg.

Nhiều thách thức

Trao đổi với South China Morning Post, các nhà phân tích đều cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các công ty bao gồm Grab khó có thể lặp lại kịch bản "tăng trưởng vượt bậc” như thời kỳ trước đại dịch.

Họ cho biết sự trỗi dậy của AI chỉ là một trong nhiều rào cản mà ngành sẽ phải vượt qua.

Phó giáo sư Ng Weiyi thuộc Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết các công ty công nghệ tăng trưởng bùng nổ trong thời kỳ đại dịch do nhu cầu gia tăng về thương mại điện tử, hậu cần và các nền tảng trực tuyến.

Nhưng kể từ đó đến nay, môi trường đã thay đổi. Lãi suất cho vay cao khiến các nhà đầu tư rụt rè hơn.

“Tình hình hiện nay không phải là bong bóng kinh tế. Tuy nhiên, các chỉ dấu cho thấy thời kỳ đầu tư mạnh tay với tâm lý 'tăng trưởng bằng mọi giá' có thể sắp kết thúc", ông Ng nói.

Nhìn chung, quyết định cắt giảm nhân sự của các công ty là kết quả của cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan.

Về mặt chủ quan là do công ty dư thừa nhân sự và muốn chuyển sang các dự án kinh doanh mới. Về mặt khách quan là do sự nổi lên của AI và tâm lý của nhà đầu tư đã thay đổi.

"Thời kỳ bùng nổ công nghệ giữa đại dịch, nhiều công ty ra sức tuyển dụng, dẫn đến tình trạng dư thừa hiện nay khi kinh tế suy thoái", ông Lawrence Loh, giáo sư kinh doanh tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết.

Về tâm lý của nhà đầu tư, ông Adrian Goh, đồng sáng lập nền tảng công nghệ NodeFlair, cho biết nhà đầu tư đã chuyển sang “ưu tiên lợi nhuận hơn tăng trưởng không giới hạn”, đặc biệt là đối với các công ty trưởng thành như Grab.

“Trong trường hợp này, các công ty bao gồm Grab cần tính toán kỹ hơn khi tuyển dụng và tìm hiểu cách để tăng trưởng bền vững", ông Goh nói.

Lê Ngọc

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/grab-khong-con-dung-ngoai-mua-dong-cua-nen-kinh-te-post1442144.html