GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT CÔNG CHỨNG (SỬA ĐỔI)

Chiều 7/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Hội thảo 'Góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)'. TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đồng Ngọc Ba đồng chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Tư pháp, các cơ quan có liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tư pháp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Hiển cho biết, sau gần 10 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, một số quy định đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Ngoài ra, hệ thống pháp luật của nước ta liên tục hoàn thiện, nhiều chính sách, đạo luật mới ra đời, trên cơ sở đó, để đảm bảo cho sự an toàn pháp lý cho các giao dịch kinh tế - xã hội, Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội xem xét và thông qua Dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Nhằm có thêm thông tin khoa học phục vụ thiết thực quá trình cho ý kiến, thẩm tra dự án Luật, TS. Nguyễn Văn Hiển đề nghị các chuyên gia, nhà hoạt động thực tiễn góp ý toàn diện, khách quan, thẳng thắn vào các chính sách cơ bản, chế định pháp lý liên quan tới nội dung dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 79 Điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 09 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 11 điều và bổ sung 09 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Góp ý tại Hội thảo, các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành dự án luật. Theo đó, việc xây dựng và ban hành Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

Để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu lưu ý, công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là một nghề bổ trợ tư pháp; kế thừa những quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định để phù hợp với kinh tế - xã hội hiện nay nhằm nâng cao năng lực công chứng viên, hiệu quả quản lý nhà nước;…

TS. Hoàng Thị Ngân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính và công vụ, Văn phòng Chính phủ

Cho ý kiến về phạm vi áp dụng của Luật Công chứng (sửa đổi), ý kiến đại biểu cho rằng, phạm vi áp dụng của Luật Công chứng liên quan đến các vấn đề: phạm vi về không gian và mối quan hệ với các Luật, văn bản QPPL khác. Dự thảo hiện nay đã có một số quy định liên quan đến phạm vi hành nghề công chứng về không gian như Điều 44 về địa điểm công chứng và Điều 42 về thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản.

Hướng tới tính dễ tiếp cận của Luật và sự thống nhất khi áp dụng, hướng dẫn thực hiện, đại biểu kiến nghị nên có quy định cụ thể về phạm vi áp dụng của Luật. Cũng có thể dự liệu trước về việc áp dụng Luật trong mối quan hệ với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Về tiêu chuẩn công chứng viên, dự thảo Luật bổ sung 3 nội dung mới gồm: có bằng cử nhân luật, thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật; có thời gian công tác pháp luật từ đủ 3 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật, thạc sỹ luật hoặc tiến sỹ luật; không quá 70 tuổi và bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng

Các đại biểu cho rằng, hoạt động công chứng đòi hỏi cao về tính xác thực của giao dịch. Đây là điều kiện khó về sức khỏe, sự minh mẫn đối với công chứng viên khi đã cao tuổi. Nhiều nước trên thế giới đều có quy định rất chặt chẽ về độ tuổi hành nghề của công chứng viên. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, nên quy định theo hướng “Bổ nhiệm và hành nghề công chứng không quá 70 tuổi, bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng”.

TS. Dương Thị Thanh Mai, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng kiến nghị, quy định về độ tuổi hành nghề công chứng cần được rà soát thống nhất và đồng bộ, bảo đảm sự tương thích ở các điều luật có liên quan về hành nghề công chứng. Đồng thời, để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng thì dự thảo Luật cần quy định chi tiết điều kiện chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 2 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Ngoài ra, tại hội thảo có ý kiến đề nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc khoản 6 Điều 71 “Các nội dung quản lý khác theo quy định của Luật này”, vì không rõ các nội dung quản lý khác là nội dung quản lý về vấn đề gì. Tham khảo nhiều luật đã ban hành cho thấy, điều luật quy định về các nội dung quản lý nhà nước đều quy định cụ thể về các công việc phải thực hiện, thể hiện tính công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho việc thực hiện. Trường hợp giữ như dự thảo Luật thì phải quy định rõ dẫn chiếu thực hiện nội dung quản lý nhà nước ở điều khoản nào của Luật này.

Đồng thời, đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về cơ chế đào tạo nghề công chứng. Theo đó, đổi mới toàn diện, hợp nhất không tách biệt giai đoạn đào tạo ban đầu kỹ năng nghề tại cơ sở đào tạo và giai đoạn đào tạo thực tế; Bổ sung quy định về sự tham gia của cơ sở đào tạo nghề vào cơ chế đánh giá kết quả quá trình tập sự hành nghề để cấp chứng chỉ hành nghề nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình tập sự hành nghề và nâng cao chất lượng đầu vào của công chứng viên khi sửa đổi bổ sung Thông tư số 08/2023/TT-BTP ngày 2/10/2023 hướng dẫn tập sự nghề công chứng; Trao quyền cho cơ sở đào tạo tổ chức thi tuyển để chọn lựa người học phù hợp;….

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đồng Ngọc Ba

Phát biểu kết luận Hội thảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đồng Ngọc Ba ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu tham luận, thảo luận rất toàn diện của các đại biểu, chuyên gia. Khẳng định kết quả của Hội thảo là nguồn thông tin tham khảo quan trọng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đồng Ngọc Ba cho biết, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, báo cáo đầy đủ ý kiến góp ý, phục vụ thiết thực quá trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như cơ quan thẩm tra cho ý kiến về dự án Luật trong thời gian tới.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội nghị

TS. Nguyễn Văn Hiển – Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

TS. Hoàng Thị Ngân, Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính và công vụ, Văn phòng Chính phủ

Ths. Lại Thị Bích Ngà, Phó Trưởng khoa kiêm nhiệm Trưởng Bộ môn Nghề công chứng, Phó Trưởng khoa đào tạo công chứng viên và các chức danh khác, Học viện Tư pháp

PGS. TS Nguyễn Minh Hằng, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)”

Chuyên gia phát biểu tại Hội thảo

Chuyên gia phát biểu tại Hội thảo

Các đại biểu tham dự Hội nghị

TS. Dương Thị Thanh Mai, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

Chuyên gia phát biểu tại Hội thảo

Chuyên gia phát biểu tại Hội thảo

Chuyên gia phát biểu tại Hội thảo

Chủ tịch Hội công chứng viên Tp. Hải Phòng Nguyễn Nhật Quang

Đại diện Bộ Tư pháp phát biểu.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đồng Ngọc Ba

Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)”./.

Lê Anh - Ngọc Thúy - Nghĩa Đức

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85186