Góp sức xây dựng quê hương

Ngay từ những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân trên địa bàn tỉnh bắt đầu 'hái lộc'. Đó là thành quả của phong trào 'Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững' do Trung ương Hội Nông dân phát động, xây dựng hình ảnh đẹp của người nông dân trong thời kỳ hội nhập.

Thu nhập gần 100 triệu đồng từ mô hình vườn, ao, chuồng

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình phát triển kinh tế vườn, ao, chuồng của gia đình ông Hà Quyết Chiến, xóm Tân Hòa, xã Canh Tân (Thạch An). Giữa những dốc đồi thoai thoải, từng cây quýt, thanh long, hồng và một số loại cây trái khác trong vườn nhà ông Chiến đang ra quả trĩu trịt.

Ông Hà Quyết Chiến chăm sóc đàn ong.

Năm 2015, sau khi nghỉ hưu, nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại từ cây lúa không cao, diện tích đất đồi của gia đình lại để trống, không đem lại giá trị kinh tế, cân nhắc kỹ càng, ông Chiến quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cấy lúa sang trồng cây ăn quả, đào ao thả cá, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, theo mô hình “vườn - ao - chuồng”. Đến nay, gia đình ông nuôi 2 lứa gà, vịt, mỗi lứa khoảng 50 con, 7 đàn ong, 100 gốc thanh long, 100 gốc quýt địa phương, trồng gần 1.600 m² cây hồi và 2 ao cá, mỗi ao rộng khoảng 300 - 400 m². Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 100 triệu đồng. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ổn định, các con có điều kiện được học hành.

Sáng tạo, đi đầu trong phát triển kinh tế

Không phát triển kinh tế truyền thống với cây lúa, cây ngô, nhiều năm nay, gia đình ông Phùng Văn Chì, xóm Quốc Tuấn, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng rau theo vụ và phát triển mô hình cây su su. Năm 2010, nhận thấy cây trồng truyền thống không mang lại giá trị cao, nhu cầu thị trường thay đổi, ông vay vốn Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện 80 triệu đồng chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng rau theo mùa vụ, tập trung phát triển cây su su và kết hợp chăn nuôi lợn.

Ông Phùng Văn Chì (bên phải) thu hoạch quả su su.

Đau đáu trước việc làm sao vừa tận dụng ưu thế của mô hình trồng rau mà vẫn sản xuất được cây nông nghiệp truyền thống, sau nhiều năm áp dụng, tìm tòi, học hỏi, ông Chì nảy ra ý tưởng trồng xen canh một vụ ngô và hai vụ rau trên quỹ đất của gia đình. Từ trồng rau, ông Chì xoay vòng vốn phát triển mô hình chăn nuôi. Hiện nay, gia đình ông trồng trên 1 ha rau xanh các loại, nuôi 20 con lợn thịt, 2 con lợn nái. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng.

Đi đầu trong chuyển đổi kinh tế, sáng tạo trong cách làm, ông Chì là tấm gương nông dân sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để nhiều hộ dân trong và ngoài xã học tập, làm theo.

Phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hòa thuận

Bằng sự chăm chỉ, nỗ lực học hỏi kinh nghiệm, khai thác thế mạnh từ diện tích đất của gia đình và “thuận vợ, thuận chồng”, gia đình ông Hoàng Văn Rứ, bà Trịnh Thị Thúy, phố Thông Huề, xã Đoài Dương (Trùng Khánh) phát triển mô hình trồng cây thuốc lá kết hợp phát triển chăn nuôi tổng hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.

Vợ chồng gia đình ông Hoàng Văn Rứ, bà Trịnh Thị Thúy, phố Thông Huề, xã Đoài Dương (Trùng Khánh) với ao cá của gia đình.

Hiện nay, gia đình ông trồng trên 7.000 m2 cây thuốc lá, nuôi hơn 100 con vịt siêu trứng, 2 ao cá với tổng diện tích trên 6.000 m2.

Luôn yêu thương, trân trọng lẫn nhau, sẻ chia, giúp nhau nuôi dạy con cháu theo hướng tích cực, làm nền tảng để xây dựng xã hội tốt đẹp là những phẩm chất mà vợ chồng ông Rứ gìn giữ. Câu chuyện cả hai vợ chồng cùng làm nông, vươn lên trong sản xuất và nhận được bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, UBND huyện chính là động lực, là tấm gương sáng để nhiều hộ gia đình trong và ngoài huyện học tập, noi theo.

Thủy Tiên

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/gop-suc-xay-dung-que-huong-3166955.html